✴️ Lạc tuyến nội mạc trong cơ tử cung (bệnh cơ tuyến tử cung)

Nội dung

Lạc tuyến nội mạc tử cung trong cơ tử cung( viết tắt: LTNMTCTC) hay còn gọi là bệnh cơ tuyến tử cung là hiện tượng các mô tuyến trong nội mạc tử cung xuất hiện và phát triển trong lớp cơ tử cung. Bình thường biểu mô tuyến chỉ có ở lớp nội mạc tử cung, có chu kỳ phát triển và thoái triển theo chu kỳ hormon sinh dục nữ, tạo ra hiện tượng kinh nguyệt. Khi mô tuyến này lạc vào trong cơ tử cung sẽ tạo ra tình trạng bệnh lý bất thường.

 

Có dễ mắc bệnh không?

Nguyên nhân chính xác của bệnh cơ tuyến tử cung vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, có những yếu tố khiến phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như:

  • Độ tuổi 40 hoặc 50 (trước khi mãn kinh)
  • Có con
  • Đã được phẫu thuật tử cung, chẳng hạn như sinh mổ hoặc phẫu thuật để loại bỏ u xơ tử cung.

Triệu chứng của bệnh là gì?

Đôi khi( khoảng ⅓), bệnh gây ra không có dấu hiệu hoặc triệu chứng chỉ khó chịu nhẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra những triệu chứng rõ rệt như:

  • Chảy máu kinh nguyệt nặng hoặc kéo dài (cường kinh, rong kinh)
  • Chảy máu cục khi hành kinh
  • Đau quặn nhiều hoặc đau nhói vùng xương chậu trong thời kỳ kinh nguyệt
  • Đau vùng chậu mãn tính  
  • Đau khi giao hợp
  • Hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng LTNMTCTC ảnh hưởng đến vô sinh, sảy thai hay sinh non.

Một số bệnh khác có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự, làm bạn khó chắc chắn bệnh. Bạn có thể nhầm triệu chứng trên với những bệnh như u xơ tử cung, tế bào tử cung phát triển bên ngoài tử cung (lạc nội mạc tử cung) và tăng trưởng trong niêm mạc tử cung (polyp nội mạc tử cung).

Bạn nên gặp bác sĩ khi nào?

Khi rong kinh, cường kinh kéo dài sẽ gây nên tình trạng thiếu máu mãn tính, gây mệt mỏi và chóng mặt

Mặc dù không có hại, nhưng cơn đau và chảy máu quá nhiều khi đến kỳ hành kinh có thể gây giảm sút chất lượng cuộc sống của bạn.

Chẩn đoán hình ảnh giúp gì cho bạn?

Siêu âm là phương pháp rẻ tiền, dễ thực hiện. Trên siêu âm sẽ thấy tử cung to không đối xứng, nhưng không phải do nhân xơ tử cung. Chỗ tổn thương nằm trong lớp cơ tử cung thường có ranh giới không rõ, phản âm kém so với lớp cơ. Có thể xuất hiện các đảo hoặc nốt tăng âm, hoặc các nang trống âm.

Khi trên siêu âm còn nghi ngờ, chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI cũng là cần thiết. MRI phân biệt rất tốt LTNMTCTC dạng lan toả hay khu trú, loại trừ được u tân sinh trong cơ TC. Tuy nhiên tại Việt Nam vẫn là một phương pháp đắt tiền.

Mặc dù chẩn đoán hình ảnh là phương pháp hữu hiệu nhưng để xác định chắc chắn chỉ khi sinh thiết sau cắt tử cung.

Các cách điều trị bệnh

LTNMTCTC thường biến mất sau khi mãn kinh, vì vậy việc điều trị có thể căn cứ vào độ tuổi và tình trạng tiền mãn kinh đến mãn kinh.

  • Điều trị nội khoa: thuốc chống viêm để kiểm soát cơn đau. Bằng cách bắt đầu dùng thuốc chống viêm từ một đến hai ngày trước khi chu kỳ kinh bắt đầu và dùng thuốc đến khi sạch kinh, để làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt từ đó có tác dụng giảm đau.
  • Hay thuốc nội tiết: như thuốc tránh thai hoặc miếng dán, vòng âm    đạo có chứa thuốc nội tiết, thuốc làm vô kinh có thể giúp giảm đau.
  • Cắt tử cung: Nếu đau nhiều và điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
  • Ngày nay theo tiến bộ y học để tránh cắt tử cung còn có phương pháp nút mạch tử cung với mục đích làm tắc mạch máu nuôi dưỡng vùng bị bệnh, làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Khi có cơn đau bạn có thể làm gì tại nhà?

Hãy thử làm các biện pháp như:

  • Ngâm mình trong bồn nước ấm.
  • Sử dụng một miếng đệm nóng trên bụng.
  • Uống một loại thuốc chống viêm không kê đơn.

Xem thêm: Lạc nội mạc tử cung và bệnh lí của vòi trứng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top