1. Tìm hiểu bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng, loét miệng, loét Aphthous… đều là tên gọi chỉ một căn bệnh xảy ra chủ yếu ở niêm mạc miệng. Khi mắc bệnh, trong khoang miệng người bệnh (chủ yếu là các vùng niêm mạc môi, má trong, lưỡi, nướu…) sẽ xuất hiện các vết loét. Các vết loét có viền đỏ, nhân màu trắng hoặc vàng, có đường kính chưa đến 1cm.
Đây là một bệnh lành tính, phổ biến nhưng có khả năng tái diễn nhiều lần, thường kéo dài đến 15 ngày, gây cảm giác khó chịu. Đặc biệt, khi có sự cọ xát, nốt nhiệt miệng sẽ gây cảm giác đau rát cho người bệnh; Hoặc mỗi khi người bệnh ăn các loại thực phẩm quá mặn, quá chua hoặc quá cay. Điều này gây cản trở quá trình ăn uống và quá trình giao tiếp của người bệnh.
Biểu hiện của nhiệt miệng khác với biểu hiện của bệnh viêm loét do Virus Herpes hay các bệnh mụn nước trên môi. Các vết loét của nhiệt miệng hoàn toàn không có khả năng lây lan và cũng không xuất hiện phía ngoài miệng hoặc trên bề mặt da. Không những thế, vết nhiệt miệng cũng nông hơn, không ăn sâu xuống lớp biểu mô miệng.
2. Cảnh báo những nguyên nhân gây nhiệt miệng
Hiện nay, các chuyên gia và các bác sĩ đều chưa xác minh rõ được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhiệt miệng là gì. Tuy nhiên, những người có một số yếu tố sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:
2.1. Suy giảm chức năng gan
Gan là một “nhà máy” đảm nhiệm vai trò thanh lọc độc tố có trong cơ thể. Do đó, khi gan không được khoẻ, khả năng làm việc suy yếu, các độc tố không được thải bỏ mà sẽ dần tích tụ trong cơ thể. Lâu ngày, các độc tố trong cơ thể sẽ có cơ hội gây hại cho cơ thể. Một trong số các độc tố đó có thể “di chuyển” tới vùng miệng, đọng lại tại đây và gây ra các vết loét.
2.2. Hệ miễn dịch suy giảm
Bên ngoài cơ thể có rất nhiều virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, miệng là một nơi có rất nhiều điều kiện thuận lợi để chúng trú ngụ và phát triển. Chưa kể, miệng còn là “cánh cổng” giúp các loại virus, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập cơ thể thông qua hoạt động ăn uống và trò chuyện.
Do đó, ngay khi hoạt động miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, các tác nhân gây bệnh sẽ lợi dụng cơ hội này để tấn công cơ thể. Bởi khi đó, cơ thể không còn khả năng chống lại các vi sinh vật gây bệnh, chúng sẽ nhanh chóng sinh sôi, phát triển, khiến niêm mạc miệng bị đốt cháy và gây ra các vết loét.
Bên cạnh đó, khi miệng có các vấn đề như viêm nướu, viêm chân răng, viêm nha chu… thì nhiệt miệng lại chính là phản ứng của hệ miễn dịch với các bệnh trên.
2.3. Các nguyên nhân khác
– Thiếu dinh dưỡng: Khi có thể không được cung cấp đủ các khoáng chất như kẽm, sắt, axit folic hay các loại vitamin như B9, B12, C… đều có thể gây ra nhiệt miệng;
– Rối loạn nội tiết: Sự thay đổi hormone hay căng thẳng, stress… cũng khiến các vết loét xuất hiện;
– Thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách và việc sử dụng các loại thực phẩm khiến vùng miệng bị tổn thương đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiệt miệng.
3. Các cách chữa nhiệt miệng đơn giản mà hiệu quả
Có thể nói, nhiệt miệng không phải là một bệnh nghiêm trọng, thường sẽ tự chỉ sau 1 – 2 tuần mà không cần đến thuốc, cũng không để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh lại gây ra cảm giác đau đớn và nhiều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm hay giảm đau… người bệnh hoàn toàn có thể nhanh chóng khắc phục tình trạng này bằng một số cách chữa nhiệt miệng sau:
3.1. Súc miệng hàng ngày với nước muối – Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả nhanh chóng
Vì một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh là vi khuẩn nên việc sử dụng một dung dịch có tính sát khuẩn cao như nước muối là điều rất dễ hiểu. Không những thế, nước muôi còn rất an toàn, có khả năng chống lại cả các bệnh viêm nhiễm răng miệng.
Có thể pha sẵn một chai nước muối để súc miệng dần hoặc mua sẵn sản phẩm nước muối sinh lý có bán tại các nhà thuốc. Mỗi ngày, súc miệng 2 – 3 lần, mỗi lần ngậm khoảng 10 giây, sau đó súc mạnh và nhổ ra, bệnh sẽ nhanh chóng biến mất.
3.2. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh – Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả lâu dài
– Uống đủ nước hoặc tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể dễ dàng thanh lọc và đào thải độc tố;
– Tăng cường bổ sung các loại nước rau củ quả để bổ sung vitamin và các khoáng chất chống bệnh;
– Hạn chế các loại thực phẩm có vị cay nóng, quá ngọt, quá chua hoặc quá mặn vì chúng đề khiến niêm mạc bị tổn thương;
– Ưu tiên các món từ các loại đậu đen, đậu xanh… vì chúng đều có tính hàn và có công dụng bổ sung chất xơ, thanh lọc cơ thể, giải độc vô cùng hiệu quả;
– Ưu tiên các loại rau giúp làm mát cơ thể như rau má, rau ngót, rau diếp cá, cà chua…
– Bổ sung sữa chua mỗi ngày để bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể, đồng thời giúp chữa lành các vết loét;
– Bổ sung thêm các loại vitamin B, C bằng thực phẩm hoặc thuốc bổ và các viên uống chức năng;
– Sử dụng mật ong để pha trà hoặc ăn kèm bánh mì vì mật ong cũng là một thực phẩm có tính sát khuẩn, giúp vết thương mau lành;
4. Kết luận
Có thể nói, nhiệt miệng không đáng sợ nhưng không có nghĩa nó không gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày. Do đó, khi mắc bệnh, người bệnh không nên chủ quan mà hãy nhanh chóng áp dụng các phương pháp điều trị nhiệt miệng. Tuy nhiên, nếu thấy các vết loét không có dấu hiệu thuyên giảm mà còn lan rộng thì người bệnh hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ. Việc này giúp bác sĩ kiểm tra và tư vấn phương án điều trị phù hợp, tránh những biến chứng không mong muốn
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh