✴️ Khám và điều trị viêm mũi dị ứng

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột là những nguyên nhân khiến mũi dễ bị kích thích và gây ra các phản ứng dị ứng thời tiết. Viêm mũi dị ứng xuất hiện thành từng cơn, trong cơn các triệu chứng điển hình, ngoài cơn có thể hoàn toàn bình thường. Bệnh gây ra nhiều phiền toái cho người mắc phải, làm giảm chất lượng cuộc sống.

 Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng mang đến nhiều phiền toái cho người bệnh

 

Đặc điểm của viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ.

Viêm mũi dị ứng có chu kì thường xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng hoặc nóng ẩm. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, thêm vào đó có thể thấy ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Kéo theo là chảy nhiều nước mũi trong. Đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy có nhiều cơn như vậy, nhưng tối đến có thể dịu hơn.

Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn.

Khi bệnh viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mạn tính thì có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, có thể bị ù tai, nhức đầu kèm theo. Những triệu chứng này có thể bị nhầm với viêm xoang. Do nghẹt mũi cho nên người bệnh thường phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen suyễn.

 

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu là do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (dị nguyên) đối với cơ thể.
Một số dị nguyên có khả năng gây viêm mũi dị ứng như:

Bụi nhà, lông vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, khói thuốc lá, các loại hóa chất, mỹ phẩm, các loại sơn, vôi, ve…

Các thức ăn theo đường tiêu hóa như hải sản, tôm, cua…

Các thuốc trong điều trị y học, gây tê, gây mê, kháng sinh…

Môi trường ô nhiễm, thay đổi thời tiết.

Các nhân tố khác như độc tố của vi khuẩn, nấm do các nhiễm trùng mạn tính (lò viêm) ở xoang mũi, amidan, răng, lợi miệng…

Bên cạnh đó, yếu tố để bệnh phát triển thuận lợi đó chính là sự dị hình của mũi, vách ngăn như vẹo, gai, mào vách ngắn.

 Viêm mũi dị ứng

Những người bị viêm mũi dị ứng không nên tiếp xúc với lông động vật như chó, mèo…

 

Ngoài ra, một số yếu tố tiền sử của gia đình cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng:

Trong gia đình có người bị hen, nổi mề đay, những cá nhân bị dị ứng dễ nhạy cảm kích thích với các yếu tố ngoại lai, dị nguyên.

Tiểu sử gia đình có người hay bị dị ứng, nếu các bà mẹ bị dị ứng thì còn cái cũng có thể bị dị ứng theo (tới 65%).

 

Triệu chứng báo hiệu bệnh

Khi bị viêm mũi dị ứng người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng như:

Ngạt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi (thông thường là chảy mũi loãng trong).

Đau đầu, cảm giác ù và đầy tai.

Đau họng và khạc đờm kéo dài.

Ho khan.

Bị rối loạn giấc ngủ, có thể có hiện tượng ngáy.

Mất mùi và mất vị giác, khó tập trung.

Ngứa, đỏ, chảy nước mắt, phù nề thâm quầng mí mắt.

 

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tìm đến bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng uy tín để được thăm khám và điều trị. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe, triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm (xét nghiệm dịch mũi), test da, test kích thích nhằm chẩn đoán đúng bệnh.

 

Điều trị viêm mũi dị ứng

Mục tiêu của điều trị viêm mũi dị ứng đó là làm giảm triệu chứng, tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng để bệnh không tái phát.

viem-mui-di-ung-1

Người bệnh thường có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi khi bị viêm mũi dị ứng

 

Tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây bệnh: Trong khi điều trị viêm mũi dị ứng tốt nhất người bệnh cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên:

Đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ sau khi ra ngoài trời.

Vệ sinh nhà cửa và các đồ dùng trong nhà sạch sẽ, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải.

Người viêm mũi dị ứng không nuôi chó mèo hoặc con vật có lông trong nhà.

Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa hoặc các chất nặng mùi khác.

Điều trị bằng thuốc: Không nên lạm dụng một số thuốc nhỏ mũi, xịt mũi vì có thể bị lệ thuộc vào thuốc, dẫn đến nhờn thuốc. Tốt nhất người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Tái khám định kỳ để có đơn thuốc chữa bệnh phù hợp với tình trạng sức khỏe ở mỗi giai đoạn bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top