✴️ Lưu ý khi sử dụng thuốc xịt mũi trị viêm xoang

Nội dung

Viêm xoang là bệnh lý tương đối phổ biến. Khi gặp các triệu chứng viêm mũi dị ứng, nhiều người có thói quen sử dụng các thuốc xịt mũi trị viêm xoang mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thói quen này có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp tới bạn một số thông tin hữu ích về viêm mũi dị ứng và các lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị dạng xịt.

 

1. Bệnh viêm xoang là gì?

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng lớp niêm mạc trong các xoang gây ra bởi virus, vi khuẩn hay các yếu tố dị ứng. Khoang mũi của người bị bệnh có thể sưng tấy, phù nề, thu hẹp đường kính lỗ xoang làm cho mủ và dịch tiết ứ đọng trong hốc xoang.

Vì mũi là nơi tiếp xúc thường xuyên của cơ thể với môi trường bên ngoài nên khi môi trường có điều kiện kém cũng sẽ ảnh hưởng tới xoang mũi và có thể gây viêm. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên tỷ lệ người mắc bệnh viêm xoang mũi tại nước ta cũng khá cao. Nguyên nhân do khí hậu ẩm ướt, nồm ẩm nhiều tạo điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn phát triển. 

Với những trường hợp bị bệnh xoang mũi do dị ứng thì bệnh thường xảy ra vào lúc giao mùa, khi thời tiết thay đổi hoặc khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Bệnh viêm xoang do dị ứng dễ tái phát và thường người bệnh phải thực hiện điều trị trong thời gian dài.

giá thuốc xịt mũi trị viêm xoang

Viêm xoang gây ảnh hưởng tới đời sống người bệnh

 

2. Những lưu ý khi điều trị bệnh với thuốc xịt mũi trị viêm xoang

Thuốc xịt mũi là một trong những loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm xoang, đặc biệt với những trường hợp viêm mũi dị ứng.

2.1. Tác dụng của các loại thuốc xịt mũi trị viêm xoang

Thuốc xịt mũi có khả năng phân tán rộng, đi vào sâu trong các hốc xoang, nhờ đó có thể tiếp cận với các niêm mạc bị viêm nhiễm ở góc sâu của khoang mũi. Thuốc xịt mũi hiện nay có nhiều thành phần đa dạng nhưng steroid vẫn là thành phần được sử dụng phổ biến nhất. Loại thuốc này có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm tại chỗ. Lượng thuốc hấp thu vào quá trình tuần hoàn cũng khá thấp nên ít gây ra tác dụng phụ với cơ thể.

Trong các trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng corticoid hít phối hợp với các loại thuốc kháng histamin, giãn phế quản… để đẩy nhanh hiệu quả  điều trị. Sau khi tình trạng bệnh được cải thiện, bạn ngừng phác đồ sử dụng thuốc phối hợp này và chỉ duy trì sử dụng corticoid xịt/ hít.

thuốc xịt mũi trị viêm xoang loại nào tốt

Thuốc dạng xịt được sử dụng phổ biến để điều trị viêm xoang

2.2. Cách sử dụng các loại thuốc xịt mũi trị viêm xoang

Liều lượng sử dụng thuốc xịt trị viêm mũi bắt buộc phải thực hiện theo sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc xịt nói riêng và các loại thuốc khác để điều trị viêm mũi. Bởi nếu sử dụng không đúng loại thuốc hay không đúng liều lượng, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm do xoang mũi có liên hệ gần với nhiều cơ quan khác. 

Thông thường, trong 2 tuần đầu tiên người bệnh sẽ xịt thuốc với liều lượng 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối. Mỗi lần xịt khoảng 2 pump (2 lần nhấn vòi xịt) sau khi đã vệ sinh mũi sạch sẽ. Nếu tình trạng bệnh có chiều hướng thuyên giảm, bạn có thể điều chỉnh để giảm liều lượng xuống còn 1 lần/ngày và duy trì trong vòng 1 tháng. Trong 6 tháng tiếp theo, tùy theo diễn biến của bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh lại liều lượng thuốc phù hợp nhất với người bệnh. 

Lưu ý, trước khi sử dụng, bạn hãy lau sạch vòi xịt để đảm bảo yếu tố vệ sinh. Thuốc xịt nên để ở nơi thoáng mát, dưới 30 độ C và  tránh ánh nắng chiếu vào trực tiếp. Đặc biệt, khi đã mở nắp, thuốc chỉ sử dụng được trong 1 thời gian nhất định, bạn cần kiểm tra thông tin trên bao bì để thực hiện theo đúng hướng dẫn.

mua thuốc xịt mũi trị viêm xoang ở đâu

Tuân thủ liều lượng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị

2.3. Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc xịt mũi

Trong quá trình điều trị viêm xoang, nếu xuất hiện một số triệu chứng bất thường dưới đây, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ để điều chỉnh phác đồ điều trị. 

– Chảy máu mũi, đặc biệt là vào mùa hanh khô.

– Khàn tiếng, khản giọng do tác động trực tiếp của thuốc lên dây thanh quản gây nên tình trạng kích ứng, phù nề dây thanh quản…

– Kích thích đường tiêu hóa: đau dạ dày, ruột, cảm giác chán ăn, bị khô họng, khô miệng, mất vị giác, ăn không ngon miệng…

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như: đau đầu, chóng mặt, tim đập liên hồi, mất ngủ…

 

3. Cách phòng ngừa viêm xoang 

Vì những biến chứng nguy hiểm của bệnh, nên chúng ta cần phải chú ý đề phòng, tránh mắc phải bệnh viêm xoang. Dưới đây là một số cách phòng ngừa bệnh viêm xoang được nhiều chuyên gia khuyến cáo:

– Tránh để nhiễm trùng đường hô hấp trên (viêm mũi do cảm lạnh).

– Tránh xa các nguyên nhân gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, nước hoa…

– Đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, bụi bẩn. 

– Nên sử dụng máy tạo độ ẩm trong gia đình. Tuy nhiên, bạn cũng nên chú ý vệ sinh máy thường xuyên, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát tán khi máy hoạt động.

Bệnh viêm xoang có thể dễ dàng tái phát bởi nhiều nguyên nhân. Do đó, hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh và các lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị sẽ giúp bạn có hướng xử lý phù hợp khi mắc bệnh. Và hy vọng bài viết này đã đáp ứng được những thông tin cần thiết cho bạn, chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top