Biểu hiện viêm mũi xoang
Bệnh nhân phàn nàn vì đau tai hoặc ho kéo dài, đau tức ngực, cứ điều trị kháng sinh thì đỡ nhưng khi dừng kháng sinh, bệnh quay trở lại ngay.
Ở những bệnh nhân này thường sẽ kèm theo những biểu hiện của viêm mũi xoang. Nếu viêm xoang cấp với biểu hiện thể trạng nhiễm khuẩn: mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc gai sốt, kém ăn, bạch cầu trong máu tăng.
Bệnh nhân biểu hiện đau nhức vùng mặt, trán, thái dương hai bên hoặc lan xuống răng hay lên nửa đầu, đau tăng lên về sáng do ban đêm dịch tiết và mủ bị ứ đọng. Ngoài cơn chỉ thấy nặng đầu.
Kèm theo chảy mũi: một hoặc hai bên, thường gặp là chảy mũi hai bên, lúc đầu chảy dịch loãng sau đặc dần, màu xanh hoặc màu vàng, mùi tanh và nồng. Ngạt tắc mũi: một hoặc hai bên, thường gặp là ngạt mũi hai bên, kèm theo ngửi kém.
Soi mũi trước thấy toàn bộ niêm mạc hốc mũi nề và đỏ, các cuốn mũi, rõ nhất là cuốn dưới nề, đỏ và sưng to, đặt thuốc co mạch co hồi tốt. Khe giữa hai bên: có tiết nhầy hoặc mủ.
Viêm mũi xoang mạn tính ít ảnh hưởng đến toàn trạng, không có biểu hiện nhiễm khuẩn, trừ những đợt hồi viêm.
Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy nhược hoặc những rối loạn ở đường hô hấp hay đường tiêu hoá do mủ xoang gây nên nếu viêm xoang kéo dài.
Bệnh nhân bị chảy mũi thường xuyên, chảy một hoặc hai bên nhưng thường là hai bên. Lúc đầu chảy mủ nhầy trắng, sau chảy đặc xanh hoặc vàng, mùi tanh hoặc hôi thối do bội nhiễm. Mủ thường chảy ra cửa mũi sau xuống họng hoặc xì ra cửa mũi trước.
Ngạt tắc mũi: tăng dần và ngày càng rõ rệt dẫn đến tắc hoàn toàn do mủ ứ đọng, niêm mạc phù nề, cuốn giữa thoái hoá, cuốn dưới quá phát hoặc do pôlýp thường ngạt cả hai bên, nhưng có thể một bên nếu viêm xoang do răng.
Ngửi kém từng lúc, tăng dần hoặc mất ngửi hoàn toàn. Nhức đầu âm ỉ hay thành cơn ở vùng trán, má hai bên hoặc đau nhức xung quanh ổ mắt, sâu trong ổ mắt, đau vùng chẩm phía sau nếu là viêm xoang sau. Nhức đầu thường xảy ra vào buổi trưa và chiều làm cho bệnh nhân thường mệt mỏi, lười suy nghĩ…
Khám thấy niêm mạc hốc mũi nhạt màu, phù nề hoặc thoái hoá thành gờ Kaufmann ở khe giữa, pôlýp khe giữa do niêm mạc xoang hàm thoái hoá tạo thành hoặc do niêm mạc của mỏm móc, khe giữa thoái hoá.
Khe giữa hai bên: thường có mủ đặc ứ đọng hoặc chảy từ khe giữa qua lưng cuốn dưới tới sàn mũi. Khe giữa có pôlýp. Cuốn mũi: cuốn dưới hai bên thường quá phát, nhạt màu, đặt thuốc co mạch co hồi kém.
Cuốn giữa hai bên thường thoái hoá niêm mạc, màu trắng hoặc mọng và trông giống pôlýp. Mủ đọng ở cửa mũi sau hoặc chảy từ khe trên xuống cửa mũi sau, xuống họng.
Các đuôi cuốn thường quá phát và đổi màu, niêm mạc vách ngăn cùng dày lên. Chụp Xquang thấy biểu hiện mờ đều các xoang trên phim.
Biến chứng viêm mũi xoang
Viêm phế quản và viêm tai giữa do biến chứng của viêm mũi xoang chỉ có thể khỏi khi điều trị tốt viêm mũi xoang.
Viêm xoang cấp có thể điều trị khỏi được nếu được loại trừ nguyên nhân và dẫn lưu xoang tốt, tránh ứ đọng trong xoang. Bệnh cũng có thể chuyển thành viêm xoang mạn tính và hay tái phát nếu không được điều trị tốt.
Viêm xoang mạn tính tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và khả năng lao động. Do vậy, bên cạnh việc điều trị biến chứng, phải khắc phục ngay viêm mũi xoang bằng cách:
Tại chỗ
– Làm sạch và thông thoáng hốc mũi: xì mũi, rửa mũi, hút dịch và mủ, đặt thuốc co mạch…
– Nhỏ thuốc: cần phối hợp các loại thuốc co mạch, sát khuẩn và chống phù nề, liệu pháp coticoid tại chỗ kéo dài rất có tác dụng.
– Xông hơi nước nóng: các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được.
– Khí dung mũi xoang: thuốc kháng sinh kết hợp với coticoid.
Toàn thân
Liệu pháp kháng sinh trong 2 tuần có hiệu quả tốt đối với viêm xoang, nên lựa chọn kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ; thuốc chống viêm và giảm phù nề; giảm đau; hạ sốt; nâng cao thể trạng.
Biến chứng của viêm xoang có thể phòng ngừa được bằng cách duy nhất là điều trị đúng đắn ngay viêm mũi xoang khi bệnh mới xuất hiện.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh