✴️ Nhiệt miệng dưới lưỡi và ung thư lưỡi: Cẩn thận kẻo nhầm lẫn

Nội dung

1. Nhận diện đúng bệnh nhiệt miệng dưới lưỡi

Nhiệt miệng là tình trạng bệnh khá phổ biến và hầu như ai cũng đã từng gặp phải. Bệnh có thể tự khỏi ngay cả khi chúng ta không dùng tới các biện pháp điều trị. Đây là lý do khiến nhiều người chủ quan khi cơ thể xuất hiện những biểu hiện tương tự nhiệt miệng.

1.1. Biểu hiện của nhiệt miệng dưới lưỡi

Nhiệt miệng là một dạng tổn thương dạng viêm loét có màu trắng sữa, xung quanh miệng vết thương có màu đỏ. Vết loét có thể sưng tấy, gây khó chịu trong sinh hoạt bình thường. Đôi khi hiện tượng sưng đau có thể khiến cơ thể nổi hạch ở vùng quai hàm hoặc hai bên má.

Thông thường các vết loét sẽ tự khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày từ khi bắt đầu xuất hiện. Khi bệnh thuyên giảm thì tình trạng sưng đau cũng sẽ giảm dần, vùng niêm mạc có vết loét cũng sẽ nhanh chóng lành lại, không để lại di chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các vết nhiệt miệng bị viêm sưng kéo dài sẽ buộc bạn phải dùng đến kháng sinh để điều trị. Vì thế thời gian lành bệnh cũng sẽ kéo dài hơn các vết nhiệt miệng thông thường khác.

dấu hiệu nhiệt miệng dưới lưỡi

Nhiệt miệng có tính chất lành tính, không để lại di chứng nguy hiểm

1.2. Cách phân biệt nhiệt miệng dưới lưỡi và ung thư lưỡi

Các vết loét nhiệt miệng thường xuất hiện ở miệng, má trong, lợi, lưỡi và một số vị trí khác trong khoang miệng. Với vị trí dưới lưỡi thì vết nhiệt miệng thường khó quan sát hơn. Và vì bệnh có xu hướng tự lành nên đôi khi chúng ta còn không phát hiện bản thân bị nhiệt miệng khu vực dưới lưỡi. Điều này có thể khiến bạn bỏ qua dấu hiệu ban đầu khi ung thư lưỡi mới phát triển.

Bởi biểu hiện ban đầu khá tương tự nhau, nên nhiều người không thể phân biệt được vết nhiệt miệng với triệu chứng viêm nhiễm gây ra do ung thư. Để phân biệt nhiệt miệng và ung thư lưỡi, bạn có thể tham khảo bảng dưới đây:

Tiêu chí

Nhiệt miệng

Ung thư lưỡi

Loại tổn thương

Vết loét

Vết loét, vết trợt, u sùi hoặc vết loét trên u sùi.

Bề mặt tổn thương

Vết loét đỏ nhưng vẫn mềm mại

Xung quanh vết loét chai cứng

Cơn đau

Vết loét có thể sưng đỏ, gây khó chịu.

Tổn thương có thể đau hoặc không.

Màu sắc

Màu trắng hoặc vàng ở giữa, bờ viêm màu đỏ.

Màu đỏ, trắng hoặc vàng xen lẫn. Có khi có màu đen do hiện tượng hoại tử.

Mùi

Không có mùi khó chịu

Có mùi hôi khó chịu

Hiện tượng chảy máu

Thường không chảy máu

Thường chảy máu

 

2. Khi nào nên tìm tới bác sĩ?

Nhiệt miệng thường sẽ khỏi sau 1 – 2 tuần, bệnh có thể tái phát nhưng ở những vị trí khác nhau. Trong khi đó tổn thương của ung thư lưỡi thường kéo dài nhiều tháng và tái phát ở cùng một vị trí. Vì vậy, nếu bạn bị nhiệt miệng trên 2 tuần hoặc vết loét tái lại ở cùng vị trí, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Trong trường hợp bạn nhận thấy tổn thương có một trong những biểu hiện của ung thư lưỡi như trong bảng phía trên, bạn nên tới ngay bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

Các bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn thực hiện sinh thiết tế bào ở khu vực vết loét nhằm sớm phát hiện ra ung thư lưỡi trong trường hợp bạn mắc bệnh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ sẽ có tư vấn và phương hướng điều trị phù hợp dành cho bạn.

Vì vị trí dưới lưỡi không thường được chú ý nên có thể bạn sẽ bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư (nếu có). Do đó, trong khi vệ sinh răng miệng hàng ngày, bạn nên kết hợp theo dõi, kiểm tra kỹ các khu vực trong khoang miệng để sớm nhận biết dấu hiệu của bệnh. 

khám nhiệt miệng dưới lưỡi

Nến đi khám nếu bạn có dấu hiệu nhiệt miệng kéo dài trên 2 tuần

 

3. Các cách điều trị nhiệt miệng đơn giản

Trong trường hợp bạn chỉ đơn thuần bị nhiệt miệng, hãy thử áp dụng các phương pháp dưới đây để nhanh chóng loại trừ bệnh nhé.

3.1 Hạn chế các loại thực phẩm không tốt

– Các loại thực phẩm có tính axit như cam, chanh, quýt, bưởi…

– Rượu và các đồ uống chứa cồn

– Thuốc lá

– Thức ăn có tính cay nóng

– Thực phẩm có chứa quế, bạc hà

3.2. Vệ sinh răng miệng

Nhiệt miệng có thể xảy ra do cơ thể nhiễm virus hoặc vệ sinh không sạch sẽ, dẫn tới tình trạng viêm nhiễm trong niêm mạc miệng. Vì thế, khi bị nhiệt miệng, bạn càng cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

– Đánh răng 2 lần/ngày, không nên đánh răng quá lâu hoặc quá mạnh. Điều này sẽ gây chảy máu chân răng hoặc làm tổn thương vùng khoang miệng.

– Dùng nước muối loãng để súc miệng, sát khuẩn khoang miệng hàng ngày.

triệu chứng nhiệt miệng dưới lưỡi

Vệ sinh răng miệng là cách đơn giản giúp giảm tình trạng nhiệt miệng

3.3. Tận dụng “thuốc” ngay trong gian bếp

– Mật ong: Đây là nguyên liệu sát khuẩn tự nhiên và lành tính. Sử dụng mật ong nguyên chất bôi vào vết loét dưới lưỡi sẽ giúp vết nhiệt miệng mau lành.

– Nước cốt dừa: Nguyên liệu này có thể nhanh chóng làm dịu các vết thương, giảm các triệu chứng nhiệt miệng ở lưỡi.

– Giấm táo: Thành phần axit acetic trong giấm táo có thể giúp diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng, hỗ trợ nhiệt miệng nhanh khỏi.

Ngoài ra, bạn có thể tìm tới sự trợ giúp của các loại thuốc uống hoặc bôi để nhanh khỏi nhiệt miệng hơn.

Ung thư lưỡi là bệnh ác tính, có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Căn bệnh này càng nguy hiểm hơn bởi dễ bị bỏ sót do thường bị nhầm với tình trạng nhiệt miệng. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết cách phân biệt hai căn bệnh nhiệt miệng và ung thư lưỡi. Hãy nhớ không nên chủ quan nếu bạn hay người thân bị bất kỳ vết loét nào trong miệng. Chúc bạn sức khỏe!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top