✴️ Những dấu hiệu viêm tai ngoài và điều trị thế nào hiệu quả?

Dấu hiệu viêm tai ngoài rất dễ để nhận ra và sẽ tự khỏi nếu chăm sóc đúng cách. Nhưng với một số trường hợp, viêm tai ngoài có thể tiến triển theo chiều hướng xấu, dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Do đó, bài viết này sẽ chỉ ra cách nhận biết viêm tai ngoài cũng như lựa chọn cách thức điều trị hiệu quả, triệt để nhất.

 

1. Những dấu hiệu dễ nhận biết của viêm tai ngoài

1.1. Dấu hiệu viêm tai ngoài gồm những gì?

Viêm tai ngoài là vấn đề thường gặp và ít trầm trọng hơn so với viêm tai giữa. Xuất hiện khi có nhiễm trùng da ở khoang tai ngoài, gây cảm giác đau và ngứa rát. Các dấu hiệu viêm tai ngoài có thể dễ dàng nhận ra gồm:

– Đau tai: cảm thấy đau nhức ở tai, mức độ đau tăng lên khi ấn vào tai.

– Luôn có cảm giác ngứa trong tai.

– Có mủ chảy ra từ trong tai.

– Xuất hiện các nốt mụn với kích thước nhỏ trong tai.

– Gặp vấn đề về thính lực: do chất nhầy mủ trong tai ứ đọng, không được xử lý kịp thời khiến khả năng nghe trở nên kém đi .

– Có thể có sốt, kèm theo mệt mỏi, ăn uống kém đi nếu tình trạng nặng thêm.

dấu hiệu viêm tai ngoài

Viêm tai ngoài xuất hiện với dấu hiệu phổ biến như đau nhức, ngứa và có dịch mủ chảy ra

 

1.2. Xuất hiện dấu hiệu viêm tai ngoài do đâu?

Viêm tai ngoài nảy sinh do nguyên nhân chủ yếu là bơi lộ trong môi trường nước không sạch. Việc tiếp xúc nước quá mức trong tai là cơ hội cho nước lọt vào trong tai, khu vực da tại đó trở nên ẩm hơn và trở thành điều kiện phát triển cho vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra, một số yếu tố gây nên viêm tai ngoài như là:

– Thói quen lấy ráy tai mạnh làm trầy xước tai. Vi khuẩn từ ráy tai từ đó xâm nhập vào gây ra viêm tai ngoài.

– Gãi tai quá mạnh.

– Sử dụng các sản phẩm như dầu gội, xịt gôm, thuốc nhuộm tóc, nước hoa,… Các hóa chất vô tình bám vào mảng tai ngoài và không được làm sạch kịp thời. Từ đó gây nên kích ứng và nhiễm trùng tai.

– Đeo tai nghe thường xuyên, phụ kiện đeo tai nghe không được vệ sinh sạch sẽ cũng là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào trong tai.

– Người mắc bệnh viêm da, vảy nến cũng không tránh khỏi nguy cơ mắc viêm tai ngoài.

nguyên nhân gây viêm tai ngoài

Người bơi lội thường xuyên là đối tượng viêm tai ngoài nhiều nhất

 

2. Biến chứng của viêm tai ngoài

Các biến chứng có thể xảy ra từ viêm tai ngoài, không thể chủ quan:

– Áp xe tai: có thể lây lan sang các khu vực lân cận, do đó cần đến bệnh viện hút mủ ra bên ngoài.

– Viêm nhiễm ống tai kéo dài dẫn tới thu hẹp ống tai. Nguy cơ giảm khả năng nghe khá lớn, thậm chí có thể bị điếc.

– Rách, thủng màng nhĩ.

– Viêm tai ngoài ác tính: tuy ít gặp phải nhưng được đánh giá là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất. Triệu chứng cụ thể gồm đau đầu, đau tai hoặc liệt dây thần kinh ở mặt.

Những biến chứng trên sẽ dễ xảy đến với người bị suy giảm miễn dịch. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

 

3. Điều trị viêm tai ngoài như nào hiệu quả nhất?

Bằng cách kiểm tra với dụng cụ y tế chuyên dụng, bác sĩ sẽ soi tai và lấy mẫu thử của mủ trong tai để tìm ra loại vi khuẩn gây nên. Qua đó có kết luận chẩn đoán chính xác về tình trạng viêm tai ngoài của bạn và đưa ra những tư vấn điều trị phù hợp.

Với mỗi tình trạng, bác sĩ sẽ có những tư vấn điều trị khác nhau. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị cho viêm tai ngoài có thể bao gồm:

– Thuốc kháng sinh nếu tình trạng nhiễm trùng lan rộng ở tai

– Thuốc corticosteroid để giảm viêm ngứa tại ống tai. Hiệu quả rõ rệt đó là vùng sưng đau giảm, bớt đỏ da và không còn cảm giác ngứa.

– Thuốc giảm đau acetaminophen nếu mức độ đau tăng lên.

– Dùng khăn ngâm vào nước ấm rồi chườm tại vùng tai đau để làm dịu bớt mức độ.

Người bệnh nên đi thăm khám để được các bác sĩ chuyên môn điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng, có thể dẫn tới các biến chứng không mong muốn. Đặc biệt, cần đi khám ngay khi có dấu hiệu nguy hiểm như: phần tai bị viêm đau quá mức, sốt cao, người mỏi mệt.

 

4. Nên làm gì để phòng tránh viêm tai ngoài?

Phòng ngừa là điều cần thiết nếu bạn không muốn bản thân rơi vào tình trạng viêm tai ngoài. Vệ sinh sạch sẽ và giữ khô ráo đôi tai sẽ giảm thiểu nguy cơ viêm nhiễm ống tai ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp với những việc làm, thói quen nhỏ nhất thường ngày như:

– Không cố gắng làm sạch sâu bên trong tai bằng cách đưa bông ngoáy tai vào quá sâu, thực hiện với lực mạnh.

– Sau mỗi lần tắm nên nghiêng đầu cho nước chảy ra ngoài rồi lấy khăn khô thấm sạch nước ở ống tai.

– Đối với người thường xuyên bơi lội, cần đảm bảo bơi trong môi trường nước sạch. Nên sử dụng nút tai khi bơi để hạn chế nước chảy vào tai.

bị đau vành tai ngoài

Cần vệ sinh tai sạch sẽ một cách nhẹ nhàng, không ngoáy tai mạnh và sâu bên trong

 

Viêm tai ngoài là vấn đề sức khỏe thường gặp nên không cần quá lo lắng. Thiết lập cho bản thân những thói quen tốt, giữ vệ sinh tai sạch sẽ là cách ngăn ngừa viêm tai tái phát. Nếu thấy dấu hiệu viêm tai ngoài có chiều hướng nguy hiểm, bạn cần đi khám kịp thời để có thể kiểm soát và thuyên giảm triệu chứng. Hãy bảo vệ đôi tai của mình ngay từ những việc làm nhỏ nhất nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top