✴️ Những nguyên nhân gây ngứa tai?

Nội dung

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa tai, chúng bao gồm:

1.Viêm tai

Đôi khi ngứa tai có thể do viêm nhiễm ở tai hoặc dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm đang phát triển. Vi khuẩn và vi rút có thể gây viêm tai kết hợp với cảm lạnh hoặc cảm cúm. Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra nếu ai đó bị nước lọt vô lỗ tai hoặc tích tụ ráy tai lâu ngày. Viêm tai mãn tính thường tái phát và có thể phải cần đến điều trị y tế.

2. Tai khô

Tai thường tiết ra chất dầu và ráy tai để giữ cho tai sạch. Nếu bạn vệ sinh tai quá nhiều có thể làm mất hết ráy tai và tai sẽ bị khô, gây ngứa ngáy khó chịu.

Một số người khác có thể không sản xuất đủ ráy tai một cách tự nhiên, dẫn đến khô tai. Nếu những người bị khô tai, họ có thể nhận thấy những mảng da khô xung quanh tai.

3. Dị ứng thức ăn

Dị ứng với một loại thực phẩm nào đó có thể khiến người bệnh bị ngứa tai. Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng bao gồm:

  • Các loại hạt
  • Sữa động vật
  • Cá và thuỷ sản có vỏ như tôm, cua...
  • Lúa mì
  • Một số loại đậu

Người bị dị ứng cũng có thể bị ngứa ở các phần còn lại của khuôn mặt như môi mắt... Có người nổi mề đay khắp người hoặc sưng phù mắt môi.

Nếu một người bị khó thở sau khi ăn hoặc tiếp xúc với chất gây dị ứng, họ có thể bị sốc phản vệ. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế và cần được chăm sóc ngay lập tức.

4. Tắc ráy tai

Ráy tai tích tụ lâu dài có thể gây ngứa tai và ảnh hưởng đến thính giác. Như đã biết, tai tiết ra ráy tai giúp giữ sạch tai và bảo vệ tai khỏi các tác nhân nhiễm trùng. Ráy tai di chuyển ra khỏi tai một cách tự nhiên, mang theo các tế bào da chết và các mảnh vụn, sau đó sẽ bị khô và rơi ra theo thời gian. Tuy nhiên, nếu mọi người chọc một thứ gì đó vào ống tai của họ, như nhét tăm bông, ngón tay... vào tai, nó có thể gây kích ứng ống tai và đẩy ráy tai vô sâu hơn, làm cho ráy tai khó rơi ra tự nhiên, lâu dần gây tắc nghẽn. Tắc ráy tai làm vi khuẩn mắc kẹt trong tai và gây nhiễm trùng.

5. Máy trợ thính

Máy trợ thính có thể gây ngứa tai vì có lớp nhựa phủ quanh thiết bị. Một số người có làn da nhạy cảm dễ bị kích ứng với các vật liệu công nghiệp. Một số người đeo máy trợ thính không chú ý vệ sinh xung quanh tai mang máy trợ thính cũng có thể bị ngứa tai.

Đôi khi người mang máy trợ thính lần đầu bị ngứa do áp lực tì đè của thiết bị, bác sĩ chuyên khoa có thể điều chỉnh lại vị trí đeo để phù hợp hơn.

6. Tai của vận động viên bơi lội

Nếu nước đọng trong tai, nó có thể gây ra tình trạng gọi là viêm tai cấp tính. Tình trạng này còn được gọi là tai của vận động viên bơi lội vì nó thường xuyên xuất hiện ở những người bơi lội thường xuyên.

Vi khuẩn có thể sinh sôi trong nước bị mắc kẹt, gây nhiễm trùng, khiến tai cảm thấy rất ngứa. Nếu một người có vấn đề này, họ cũng có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau trong tai
  • Đau cổ, mặt hoặc đau đầu
  • Viêm quanh tai
  • Ù tai
  • Tai chảy dịch
  • Giảm thính lực

7. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi ai đó bị dị ứng với các phần tử lơ lửng trong không khí chẳng hạn như phấn hoa, mạt bụi hoặc lông động vật. Nó có thể gây ngứa ở tai, mắt và cổ họng cùng với:

  • Chảy nước mắt
  • Sổ mũi
  • Đau đầu
  • Hắt hơi
  • Nghẹt mũi

Người bị cảm lạnh thông thường cũng có thể bị ngứa tai do nghẹt mũi. Vấn đề này thường sẽ tự hết khi hồi phục sau cảm lạnh.

8. Bệnh về da

Những người có tình trạng da ở khu vực này có thể bị ngứa tai. Một số người cũng có thể nhận thấy các mảng bị viêm, có vảy trên hoặc xung quanh tai.

Các tình trạng có thể gây ngứa tai bao gồm:

  • bệnh vẩy nến
  • viêm da
  • bệnh chàm

Xem thêm: Nguyên nhân khiến tai nghe những âm thanh lạ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top