✴️ Viêm tai giữa trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa

Viêm tai giữa là tình trạng viêm toàn bộ hệ thống hòm nhĩ và xương chũm nằm ở phía sau màng nhĩ. Ở trẻ em, viêm tai giữa là căn bệnh phổ biến nhất, chỉ xếp sau viêm nhiễm đường hô hấp. Sở dĩ, bệnh gặp nhiều ở trẻ em là do một số nguyên nhân như:

–  Do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên không đủ sức chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập

– Cấu trúc tai của trẻ em chưa hoàn thiện, ống thính giác của trẻ thường ngắn hơn so với người lớn nên rất dễ tắc. Thông thường thì ống thính giác sẽ mở ra để cho phép các chất lỏng và tạp chất thoát ra ngoài . Tuy nhiên, khi ống thính giác bị đóng, lúc này các chất thải không thoát được ra ngoài khiến vi khuẩn kẹt lại bên trong tai và gây nhiễm trùng.

– Trẻ mắc các bệnh lý về tai, mũi, họng như: Viêm xoang, viêm họng, viêm amidan…

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý phổ biến ở trẻ nhỏ

 

2. Nhận biết viêm tai giữa ở trẻ qua những biểu hiện nào

Các biểu hiện viêm tai giữa trẻ em thường khó nhận biết hơn so với người lớn, đặc biệt là trẻ sơ sinh bởi ở giai đoạn này, trẻ chưa thể nói mà chỉ biết khóc và quấy. Do đó, các phụ huynh cần cẩn trọng nếu trẻ có những biểu hiện viêm tai giữa dưới đây:

– Sốt, trường hợp sốt cao có thể lên tới 39 độ C

– Hay dùng tay để kéo vành tai

– Quấy khóc liên tục, trằn trọc, mất ngủ

– Có dịch hoặc mủ chạy từ ống tai ngoài, đây là dấu hiệu cho thấy màng nhĩ đã bị vỡ do áp lực

Có dịch hoặc mủ chạy từ ống tai ngoài là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa trẻ em

Có dịch hoặc mủ chạy từ ống tai ngoài là triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa trẻ em

– Có các mảng dịch hoặc mủ khô đã đóng vảy ở vùng quanh tai

– Trẻ đau khi lấy tay ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai

– Chán ăn, ăn không có cảm giác ngon miệng và không ăn được nhiều

Đặc biệt, nếu ở trẻ xuất hiện những biểu hiện dưới đây thì bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám lại:

– Trẻ kêu đau liên tục, mức độ và tần suất đau tăng dần

– Trẻ khó chịu, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú trong khoảng thời gian dài

– Nôn hoặc bị tiêu chảy nhiều

 

3. Phương pháp điều trị viêm tai giữa ở trẻ hiện nay

Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ đều được chữa khỏi chỉ sau vài ngày nếu như áp dụng đúng phương pháp. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên chủ quan tự ý điều trị cho trẻ bởi việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây ra các di chứng nặng nề như điếc không hồi phục. Tốt hơn hết, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và định hướng cách xử trí phù hợp.

Hiện nay, phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc làm giảm đau, hạ sốt. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào các giai đoạn của viêm tai giữa như: Giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ mà sẽ có cách điều trị khác nhau, thông tin cụ thể như sau:

– Viêm tai giữa ở giai đoạn xung huyết chủ yếu điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh. Bởi vi khuẩn gây viêm tai giữa chủ yếu là liên cầu, phế cầu, Hemophilus Influenza… nên bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm thiếu chống viêm, thuốc chống phù nề hoặc một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol.

– Khi chuyển sang giai đoạn ứ mủ, bác sĩ có thể cân nhắc biện pháp trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ kết hợp sử dụng thêm với các loại thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn xung huyết

– Ở giai đoạn ứ mủ, dịch mủ ứ đọng ở trong tai sẽ tự động phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ và chảy ra ngoài từ ống tai ngoài gây thủng màng nhĩ. Lúc này, bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh kết hợp với hydrocortisone nhỏ tai để làm sạch tai. Ngoài ra thì bác sĩ cũng có thể cân nhắc sử dụng kỹ thuật làm thuốc tai. Đây là thủ thuật rửa, nhỏ hoặc phun thuốc vào vị trí tổn thương trong tai nhằm làm sạch cũng như để thuốc ngấm vào sâu trong tai, từ đó làm giảm dần triệu chứng chảy mủ ở trong tai.

 

4. Phòng bệnh viêm tai giữa trẻ em thế nào?

Để phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ từ sớm, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

– Cho trẻ bú sữa mẹ tối thiểu trong 6 tháng, bởi sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật. Do đó, không nên cho trẻ cai bú sớm, đặc biệt là ở giai đoạn 6 tháng đầu.

– Tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi, bụi bẩn, khói thuốc lá

– Không để trẻ tiếp xúc với trẻ khác đang cảm lạnh, nhằm ngăn ngừa các bệnh lý viêm đường hô hấp trên – đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm tai giữa.

– Giữ gìn vệ sinh cho trẻ luôn sạch sẽ, đặc biệt là ở tay, mũi họng. Nếu trẻ bị chảy mủ thì cần được làm sạch tai, có thể sử dụng bông để lau nhẹ nhàng, không lau quá sâu khiến tai trẻ bị tổn thương. Về vệ sinh mũi, bố mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho trẻ hàng ngày. Đồng thời, nên cho trẻ súc miệng hàng ngày bằng nước muối để vệ sinh họng hiệu quả.

– Cho trẻ tiêm vaccine phế cầu khuẩn để phòng ngừa viêm tai

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top