Khởi đầu là cơn đau nửa đầu nhẹ, có thể một năm bị đau đầu vài ba lần, sau đó chu kỳ đau đầu sẽ xuất hiện nhiều hơn, vài tháng một lần hay vài tuần một lần hoặc xuất hiện hàng tuần. Khi những cơn đau nửa đầu xuất hiện nhiều, có nghĩa bệnh nhân đang ở tình trạng nặng và cần phải được điều trị tích cực.
Chứng đau nửa đầu có yếu tố gia đình. Trong gia đình nếu cha hoặc mẹ bị đau nửa đầu thì tỷ lệ các con bị bệnh là 44%, trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị đau nửa đầu thì tỷ lệ bệnh của các con lên đến 70%!
Cơn đau thường được khởi phát bởi một số yếu tố sau: khi bệnh nhân bị stress, chịu những biến cố đột ngột xảy đến… Đau nửa đầu cũng có liên quan đến nội tiết, chính vì vậy cơn đau thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt, ở tuổi dậy thì, thời kỳ tiền mãn kinh, khi dùng thuốc ngừa thai… Nhưng cơn đau nửa đầu có khuynh hướng giảm hoặc biến mất trong giai đoạn có thai hay khi đã mãn kinh.
Đau nửa đầu cũng xuất hiện khi môi trường thay đổi, nắng nóng, mưa dầm, gió, ẩm thấp, thay đổi áp suất nhiệt đới, bão tố…; hoặc khi sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn, mùi hóa chất, các chất gây dị ứng (phấn hoa, bụi…), khi ăn một số loại hải sản (tôm, cua, cá, sò, ốc…), chocolate, ca cao, pho mát, bơ hoặc uống một số thức uống có cồn như rượu (rượu vang đỏ), bia... Những loại thuốc như reserpin, nitroglycerin, histamin, thuốc ngừa thai, thuốc có nguồn gốc nội tiết tố… đều có thể gây ra những cơn đau nửa đầu.
Người bị đau nửa đầu thường có các triệu chứng báo hiệu trước. Nhờ những triệu chứng này, bệnh nhân có thể ước lượng được khi nào cơn nhức đầu sẽ đến để tích cực dùng thuốc phòng ngừa, nhờ vậy trong nhiều trường hợp cơn đau nửa đầu không xảy ra hoặc xảy ra một cách nhẹ nhàng. Những triệu chứng báo trước cơn đau nửa đầu rất đa dạng, bao gồm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, chán ăn hoặc phàm ăn; thay đổi tính tình đột ngột như rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, hoặc ngược lại, thể hiện một trạng thái hưng phấn như vui vẻ thái quá, hăng hái làm việc, nói nhiều…
Đến giai đoạn toàn phát sẽ xuất hiện cơn đau đầu kịch phát với cường độ dữ dội. Vị trí đau thường ở một bên đầu, vùng trán, hố mắt hay thái dương, đôi khi cơn đau lan ra vùng chẩm. Cơn đau đầu có thể luân phiên khi đau bên phải, khi đau bên trái, tuy nhiên đến giai đoạn cuối, cơn đau lại trở về khu trú ở một bên đầu. Lúc này cơn đau rất dữ dội, đau từng cơn, đau như xoắn vặn, siết chặt, đau dạng đập (theo nhịp tim), cơn đau cũng tăng lên khi vận động, khi gặp ánh sáng, tiếng động, khi hít phải một số mùi khó chịu như mùi thuốc lá, thuốc chữa bệnh, một số mùi của thức ăn…
Một cơn đau đầu điển hình thường kéo dài từ 4-24 giờ, một số trường hợp nặng có thể kéo dài đến 72 giờ hoặc lâu hơn nữa. Những triệu chứng đi kèm với cơn đau nửa đầu thường gặp như buồn nôn, nôn mửa (đôi khi nôn mửa dữ dội), sợ tiếng động, sợ gió, sợ ánh sáng, tính tình thay đổi. Bệnh nhân trở nên kích động, cáu gắt giận dữ hay rơi vào trạng thái trầm cảm, buồn rầu, lo âu, tuyệt vọng và đôi khi có ý định tự tử! Sau cơn đau đầu, nếu bệnh nhân nào có được một giấc ngủ sâu, kéo dài thì khi thức dậy sức khỏe sẽ được phục hồi gần như hoàn toàn. Nếu bệnh nhân không ngủ được hoặc ngủ không sâu, hiện tượng mệt mỏi, nhức đầu âm ỉ và nặng đầu sẽ kéo dài một vài ngày.
Diễn biến của bệnh đau nửa đầu tùy thuộc vào từng cá nhân, tuy nhiên nếu bệnh nhân không được điều trị tốt, bệnh đau nửa đầu sẽ ngày càng nặng hơn, xuất hiện với tần suất cao hơn (tính theo thời gian một tháng hoặc một tuần…). Khi cơn đau xuất hiện nhiều lần trong một tuần, tình hình của bệnh lúc này đã trở nên tồi tệ, phải tìm cách điều trị để giảm cơn đau và giảm tần suất đau càng sớm càng tốt, nếu không bệnh nhân sẽ không chịu nổi, dẫn đến suy sụp tinh thần và có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm!
Điều trị bệnh đau nửa đầu không đơn giản, bởi không có loại thuốc nào có thể điều trị lành bệnh hoàn toàn mà chỉ có những loại thuốc cắt cơn đau và phòng ngừa cơn đau mà thôi.
Trên thị trường hiện có một số loại thuốc cắt cơn đau nửa đầu tương đối hiệu quả, có thể dùng dưới dạng kết hợp với cafein hoặc kết hợp cùng lúc với cafein và thuốc ngủ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần dùng thuốc cắt cơn đau thật sớm, khi mới có những triệu chứng ban đầu. Nếu để đến khi cơn đau đầu đã xuất hiện dữ dội thì những loại thuốc cắt cơn có hiệu quả rất hạn chế, đôi khi chẳng giúp được gì cho bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân cần uống thêm một số thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, các loại vitamin, các chất khoáng… Bệnh nhân có thể áp dụng những phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp, day bấm huyệt, chỉnh nắn cột sống… hay điều trị bằng dược thảo cũng đem lại những kết quả tốt và không có phản ứng độc hại.
Tuy nhiên, để có thể giảm tần suất tái phát cũng như giảm cường độ của cơn đau nửa đầu, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, giảm áp lực công việc, tránh những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, cố gắng giữ cho mình có một tinh thần lạc quan yêu đời.
Bên cạnh đó, người bị chứng đau nửa đầu cũng cần điều chỉnh lại khẩu phần ăn, tránh ăn những thức ăn có thể gây khởi phát cơn đau nửa đầu (như đã trình bày ở trên), không uống nhiều rượu bia, trong trường hợp cơn nhức đầu bị khởi phát do uống rượu vang đỏ hoặc vang trắng thì người bệnh phải ngưng uống; chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, khí công, đặc biệt quan trọng là tập thư giãn và thiền định.
Thư giãn và thiền định có thể giúp cho quá trình căng thẳng của não được ức chế, dịu xuống, các mạch máu được thư giãn và dãn nở ra, chống lại hiện tượng rối loạn vận mạch não (co mạch) là nguyên nhân chính gây chứng đau nửa đầu…
Bệnh nhức nửa đầu có thể điều trị với kết quả tốt nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Khi bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kết hợp với những phương pháp không dùng thuốc một cách chính xác, đồng thời được hướng dẫn để thay đổi lối sống, cách thức ăn uống, kiên trì tập luyện các phương pháp thích hợp thì chứng đau nửa đầu sẽ không còn là nỗi lo.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh