Chúng ta sẽ trao đổi cân nhắc một vài lý do trước khi bạn quyết định NÊN hay KHÔNG ngủ cùng con. Và nếu bạn quyết định là NÊN, chúng ta sẽ cùng xem như thế nào là tốt nhất để bạn và con yêu có những giấc ngủ tuyệt vời.
Ngủ cùng con là khi trẻ sơ sinh ngủ trong phạm vi cảm nhận của người mẹ, việc này cho phép cả trẻ và người mẹ có thể phát hiện và phản ứng lại kịp thời với các tín hiệu cảm giác cũng như các dấu hiệu khác của trẻ.
Như vậy, Ngủ cùng con có thể được hiểu theo 2 nghĩa: ngủ chung giường và ngủ chung phòng
Ngủ chung giường: là khi trẻ sẽ nằm cùng một giường với bạn
Ngủ chung phòng: là khi trẻ ngủ trong cùng một phòng với bạn, nhưng trẻ sẽ ngủ ở trong nôi, cũi hoặc giường riêng biệt cho bé.
Và cho dù bạn chọn biện pháp nào đi nữa, bạn vẫn nên để trẻ luôn nằm trong tầm tay với của bạn.
Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) gần đây đã đưa ra lời khuyên về việc không nên ngủ cùng giường với con vì việc này có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh (hội chứng SIDS). Luôn có khả năng trẻ sẽ lăn ra khỏi giường, bị ngạt bởi cha mẹ ngủ say đè phải, hoặc trẻ bị quá nóng. Việc cha mẹ uống rượu, sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kích thích hoặc gây nghiện hoặc thuốc giảm đau không cần kê đơn gây ra tình trạng buồn ngủ, và đặc biệt là hút thuốc lá, sẽ làm việc ngủ chung giường có thêm nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết đối với trẻ.
Trên thực tế có rất nhiều cha mẹ muốn ngủ chung giường với con của họ và coi đó là hạnh phúc cho cả cha mẹ và em bé. Do vậy, cơ quan y tế tại Canada, Úc và Anh đã đưa ra hướng dẫn về cách ngủ chung với con an toàn. Hướng dẫn này cung cấp các mẹo cũng như các biện pháp để làm cho việc ngủ chung giường với con trở nên an toàn nhất có thể, từ đó, có thể làm giảm nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Khi những người mẹ được khuyến cáo không được cho con ăn ở trên giường thường sẽ cho trẻ ăn bữa cuối cùng trên ghế dài, ghế tựa và rất có thể sẽ ngủ gật trong quá trình này. Tuy nhiên, đây lại là những địa điểm nguy hiểm nhất vì bạn rất dễ ngủ gật khi đang bế con trên tay và gây nên những tác hại khôn lường với trẻ. Theo một nghiên cứu năm 2014 xuất bản trên tạp chí Pediatrics, cứ 8 trường hợp trẻ chết vì hội chứng SIDS tại Mỹ thì có 1 trường hợp xảy ra trên ghế sofa.
Ngược lại, việc ngủ chung phòng lại nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía các chuyên gia. Tổ chức AAP khuyến nghị rằng, trẻ sơ sinh nên được ngủ chung phòng (nhưng không chung giường) với cha mẹ vì việc này sẽ thuận tiện cho việc cho trẻ ăn, dỗ dành trẻ và theo dõi trẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ ngủ chung phòng với cha mẹ sẽ giảm nguy cơ chết vì hội chứng SIDS đi khoảng 50%.
Ngủ cùng con không phải thích hợp cho mọi gia đình. Do vậy, bạn nên xem xét kỹ lưỡng các nhược điểm của việc này trước khi đưa ra quyết định. Dưới đây là một số việc bạn nên cân nhắc
Ngủ cùng con có thể làm mối quan hệ vợ chồng bạn trở nên căng thẳng
Nếu bạn lựa chọn việc ngủ cùng con, khả năng bạn và vợ/chồng mình sẽ có ít thời gian gần gũi nhau hơn. Việc này có thể dẫn đến việc hờn giận, xuất phát từ một hoặc cả 2 phía. Ngoài vấn đề về quan hệ tình dục, thì việc bạn bỏ lỡ những khoảng thời gian riêng của 2 người hoặc chỉ dành rất ít thời gian cho việc đó có thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ của 2 vợ chồng.
Bạn có thể sẽ không ngủ ngon được
Trẻ sơ sinh đôi khi có thể sẽ quấy khóc hoặc trở nên nghịch ngợm hơn hoặc thậm chí tỉnh như sáo khi đến giờ đi ngủ và bạn sẽ không thể ngủ ngon được với những tiếng thở dài, ợ hơi hoặc một cái đá chân của trẻ.
Một số bậc cha mẹ lại hơi làm quá mọi việc lên, họ chúy ý theo dõi từng tiếng thở của trẻ, cho dù là rất nhỏ (và rất bình thường) khi ngủ, điều này cũng sẽ làm các ông bố bà mẹ căng thẳng hơn, khó ngủ hơn và có ít thời gian ngủ hơn.
Và trong trường hợp ngủ chung giường, trẻ có thể “tận dụng” lợi thế được ngủ cùng với mẹ, mà sẽ đòi ăn (bú) nhiều lần hơn.
Ngủ cùng con có thể sẽ gây ra những khó khăn trong giai đoạn sau này
Trong khi có một số trẻ chuyển sang ngủ phòng riêng, giường riêng vô cùng dễ dàng, thì một số trẻ lại không như vậy vì đã quá "bện hơi" mẹ. Rất khó để có thể tách bé ra ngủ riêng và nhiều khi phải mất rất nhiều thời gian, công sức để làm được việc này.
Đôi khi, vấn đề lại nằm ở phía cha mẹ khi họ không thể ngủ được khi con mình đã đủ lớn để ngủ riêng vì luôn trằn trọc, lo lắng, thức dậy để canh chừng xem liệu con mình ngủ riêng có an toàn hay không.
Thời gian bạn ngủ cùng con càng lâu, tần suất ngủ cùng con càng nhiều thì bạn sẽ càng gặp phải nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn để tách trẻ ngủ riêng khi đã đủ lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhược điểm, thì việc ngủ cùng con cũng có rất nhiều lợi ích, cho cả cha mẹ và cho cả trẻ.
Cơ hội được ngủ nhiều hơn
Bạn có thể thấy rằng, bản thân bạn sẽ ngủ được nhiều hơn khi ngủ cùng con. Ngủ cùng con có nghĩa là tất cả những gì bạn phải làm chỉ là điều chỉnh tư thế ở trên giường sao cho thoải mái nhất (với trường hợp ngủ chung giường) hoặc chỉ cần nhổm dậy để có thể bế trẻ ra khỏi cũi (trong trường hợp ngủ cùng phòng). Và sau đó, rất nhanh để bạn quay trở lại giấc ngủ của mình.
Nếu trẻ không ngủ cùng với bạn, bạn sẽ phải dậy bật đèn, bò ra khỏi giường rồi đi đến phòng của trẻ. Từng ấy thứ thôi cũng đủ để phá hỏng giấc ngủ của bạn rồi!
Kích thích việc nuôi con bằng sữa mẹ
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc ngủ chung giường với con sẽ kích thích việc nuôi con bằng sữa mẹ, mẹ sẽ tiết sữa nhiều hơn, lâu hơn và có thể cho con bú hiều hơn. Những người mẹ không ngủ chung giường với con thường có xu hướng cai sữa cho con sớm hơn.
Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với việc ngủ cùng con, bạn có thể duy trì sự liên kết với con vào buổi tối bằng việc thường xuyên cho trẻ ăn hơn (nếu không bàn đến vấn đề thuận tiện).
Có nhiều thời gian gắn kết với con hơn
Việc ngủ chung với con sẽ tạo nên một sợi dây gắn kết vô hình giữa cha mẹ và con trẻ. Rát nhiều bé sẽ ngủ say hơn, lâu hơn khi nằm canh mẹ và ngược lại, bà mẹ cũng có cảm giác yên tâm hơn khi có con bên cạnh.
Bạn có tin không nếu biết trẻ sơ sinh đã cảm nhận được mùi hương và cảm giác gần gũi của cơ thể mẹ. Khuôn mặt và giọng nói của mẹ là những thứ đầu tiên mà trẻ có thể ghi nhớ. Tiếp xúc da kề da (hay còn gọi là biện pháp kangaroo) đã được chứng minh là có rất nhiều lợi ích, cả về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm với trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng. Ngủ cùng con sẽ cho bạn có thêm nhiều thời gian nuôi dưỡng mối liên kết mật thiết đó. Và không có điều gì tuyệt vời hơn việc tỉnh dậy và nhìn thấy gương mặt yêu quý của con đang say ngủ hoặc đang cười với bạn.
Như vậy, bạn đã có đủ lý do để quyết định NÊN hay KHÔNG ngủ cùng với con, phải không nào.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng xem làm thế nào để ngủ cùng con an toàn và thưc sự là niềm vui thích của cả mẹ và con.
Cho dù bạn ngủ cùng giường hay cùng phòng với con, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng cho việc đó. Một trong những việc tệ nhất bạn có thể làm là vô tình ngủ cùng con mà không có chủ đích.
Dưới đây là một số hướng dẫn để ngủ cùng con một cách an toàn nhất
Khi ngủ chung phòng với trẻ:
Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ trên một bề mặt giường, cũi, nôi đủ cứng và sạch sẽ
Loại bỏ bất cứ thứ gì có thể làm trẻ ngạt thở, như những cái đệm mềm, lún quá mức, gối nằm, gối ôm, chăn dày, những đồ vật làm bằng bông hoặc các loại đồ chơi như thú bông.
Không bao giờ được che, phủ đầu của trẻ bằng bất cứ vật gì như khăn, áo quần, chăn màn...
Không mặc cho trẻ quần áo hoặc đồ ngủ có dây thắt, rườm rà hoặc quá rộng vì có thể gây che phủ làm trẻ ngạt thở
Không bao giờ để trẻ ngủ trên đệm hơi hoặc đệm nước
Hãy đảm bảo phòng nơi trẻ ngủ thoáng, mát mẻ hoặc ấm áp phù hợp với trẻ, yên tĩnh và nên có ánh sáng dịu nhẹ.
Khi ngủ chung giường với trẻ:
Không bao giờ được để trẻ nằm trên giường một mình mà không có ai ở bên cạnh
Để trẻ nằm ngủ ở giữa giường, nằm giữa bạn và vợ/chồng bạn
Đảm bảo rằng bất kỳ ai ngủ chung giường với trẻ cũng không phải là người hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng thuốc kích thích, thuốc ngủ, thuốc giảm đau gây ngủ.
Đảm bảo rằng tất cả người lớn trong nhà đều ý thức được rằng có trẻ con ngủ ở trên giường.
Nếu bạn có tóc dài, hãy buộc lại gọn gàng để tránh các tai nạn nguy hiểm do tóc thắt vào cổ trẻ. Loại bó các dây buộc, thắt lưng... trên đồ ngủ của bạn.
Không cho phép anh chị của trẻ ngủ chung nếu trẻ dưới 12 tháng.
Để giường của bạn cách xa tường
Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên ngủ cùng với trẻ hay không, đặc biệt là khi việc ngủ cùng giường làm tăng nguy cơ mắc hội chứng SIDS. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, hội chứng SIDS luôn là mối nguy cơ cho dù bạn để trẻ ngủ cùng với bạn hay không.
Hãy đảm bảo rằng bạn luôn tuân theo các hướng dẫn an toàn và luôn thận trọng khi cho trẻ đi ngủ, cho dù bạn ngủ chung giường, chung phòng hay ngủ khác phòng với trẻ.
Luôn có những lợi ích và nguy cơ đi kèm với nhau khi ngủ chung với trẻ. Cân nhắc những lợi ích và nguy cơ này với vợ/chồng bạn và đảm bảo rằng, hai bạn đã thống nhất với nhau về vấn đề này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh