Trong lịch sử loài người, những người dám đứng lên và chỉ ra cái sai luôn là số ít. Còn đa số, thường chọn cách dễ hơn: im lặng.
1. Tâm lý bầy đàn và nỗi sợ bị loại trừ
Con người là sinh vật bầy đàn. Từ thời nguyên thủy, việc bị đẩy khỏi nhóm đồng nghĩa với nguy hiểm sinh tồn. Ngày nay, bị gán mác "kẻ gây rối" cũng đủ khiến một người mất việc, mất quan hệ, thậm chí bị công kích.
Thế nên, lên tiếng nghĩa là chống lại đám đông. Và ít ai đủ vững để làm điều đó một mình.
2. Hiệu ứng khán giả (bystander effect)
Khi có nhiều người cùng chứng kiến cái sai, ai cũng cho rằng "sẽ có người khác lên tiếng thay mình". Kết quả? Không ai lên tiếng cả.
3. Lợi ích cá nhân
Có những người thấy rõ điều sai, nhưng họ đắn đo: "Nếu mình nói, liệu có bị mất việc? Có bị trả thù không?". Và họ chọn làm ngơ, vì "còn gia đình, còn miếng cơm manh áo".
4. Cơ chế tự hợp lý hóa
Chúng ta không muốn nghĩ mình là người hèn nhát, nên tìm lý do để biện minh: "Chắc họ có lý do", "Mình không biết rõ hết chuyện", "Ai cũng thế mà"... Dần dần, chúng ta ru mình ngủ trong sự thỏa hiệp.
5. Cảm giác bất lực trước hệ thống
Khi phải đối mặt với một hệ thống sai trái quá lớn, người ta dễ thấy mình quá nhỏ bé để thay đổi điều gì. Và khi hy vọng tắt, hành động cũng dừng lại.
Clair Patterson - người không chấp nhận im lặng
Vào giữa thế kỷ 20, Patterson - một nhà khoa học nghiên cứu tuổi Trái Đất đã phát hiện một điều kinh hoàng:
Toàn bộ hành tinh đang bị nhiễm độc chì, một chất gây tổn thương não, đặc biệt với trẻ em. Thủ phạm chính là xăng pha chì - thứ được dùng rộng rãi trong xe hơi thời đó.
Khi Patterson công bố phát hiện, ông bị cắt tài trợ, bị cấm vào nhiều phòng thí nghiệm, bị chế giễu. Các tập đoàn dầu khí lớn coi ông như cái gai cần nhổ. Nhưng ông không dừng lại.
Ông tiếp tục nghiên cứu. Tiếp tục lên tiếng. Và cuối cùng, Patterson đã góp phần thúc đẩy lệnh cấm xăng pha chì ở nhiều quốc gia.
Hệ quả?
Lượng chì trong máu trẻ em giảm tới 80%. Hàng triệu người được cứu khỏi những tổn thương não không thể hồi phục.
Sự im lặng của bạn có thể đến từ một cơ chế rất con người: sợ khác biệt với số đông, sợ bị phản ứng, sợ bị gạt ra ngoài. Gustave Le Bon gọi đó là sự "hòa tan cá nhân trong tập thể" - nơi một người sẽ ngừng suy nghĩ và chỉ hành động như phần còn lại. Không ai có thể cái gì cũng lên tiếng.Nhưng nếu không ai nói gì, cái sai sẽ trở thành bình thường.
Nếu bạn đang do dự - hãy nghĩ về Clair Patterson.
Và nhớ rằng: một lời nói đúng lúc, có thể cứu được nhiều hơn bạn nghĩ.