Người bệnh Alzheimer và chứng mất ngủ

Rối loạn giấc ngủ như mất ngủ, ngủ không say giấc là vấn đề thường xuyên  diễn ra đối với bệnh nhân Alzheimer. Hãy tìm hiểu những thông tin dưới đây để có cách tốt nhất mang lại giấc ngủ ngon cho cả người thân và chính bạn.

Mất ngủ là vấn đề phổ biến của người bệnh Alzheimer

Rất nhiều người cao tuổi có các rối loạn giấc ngủ nhưng những người bệnh Alzheimer thì những rối loạn này trở nên phức tạp hơn. Bệnh Alzheimer có thể đảo ngược chu kỳ ngủ - thức của một người, gây ra buồn ngủ vào ban ngày và thao thức vào ban đêm. Rối loạn giấc ngủ cũng tăng lên khi tình trạng bệnh trở lên nặng hơn. Những giấc ngủ ngắn ngắt quãng sẽ dần thay thế giấc ngủ sâu vào ban đêm.

Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe cũng ảnh hưởng đến việc mất ngủ như:

  • Nghẽn đường thở lúc ngủ: các cơ hầu họng giãm ra lúc ngủ gây cản trở đường không khí qua mũi và họng

  • Chân tay buồn bực: khiến bệnh nhân cảm giác không yên dẫn đến khó ngủ.

  • Trầm cảm.

 

Làm thế nào để có một giấc ngủ ngon

Rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng tới cả người bệnh và người chăm sóc gây những ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe và cuộc sống. Để có giấc ngủ ngon bạn nên áp dụng một số cách sau:

Liệu pháp ánh nắng: hãy cho người thân của bạn tắm nắng trong một vài giờ vào buổi sáng. Ánh nắng buổi sáng sẽ giúp cải thiện giấc ngủ của bệnh nhân Alzheimer vào ban đêm.

Tránh các chất cafein và cồn: caffein, soda, trà, cà phê hoặc các đồ uống có cồn gây tình trạng mất ngủ và rượu có thể gây ra tình trạng nhầm lẫn, lo lắng của bệnh nhân Alzheimer. Nếu người thân của bạn đòi uống những đồ trên hãy thay vào bằng nước ngọt pha chế theo kiểu coctail hoặc những đồ uống không chứa cồn.

Uống thuốc đúng giờ:  tìm ra thời gian thích hợp để cho  người thân của bạn uống thuốc. Ví dụ như buổi sáng nên uống các loại thuốc có tác dụng kích thích, còn buổi tối thì nên uống thuốc an thần. Lưu ý rằng thuốc ngủ thường được kê cho các bệnh nhân Alzheimer nhưng những loại thuốc này khiến bệnh nhân buồn ngủ cả ngày nên dễ gây ra tình trạng lú lẫn, té ngã

Khuyến khích các hoạt động thể chất: hãy tạo ra những thời gian hoạt động thể chất như đi bộ hay một số hoạt động khác cho bệnh nhân Alzheimer dder có một giấc ngủ ngon vào ban đêm.

Hạn chế thời gian ngủ ngày: nếu người thân của bạn buồn ngủ vào ban ngày, hãy đảm bảo giấc ngủ đó chỉ diễn ra ngắn và không nên vào thời gian quá muộn trong ngày. Để họ ngủ trên ghế hơn là trên giường nếu bạn nghĩ ngủ trên giường quá lâu vào buổi sáng sẽ làm họ mất ngủ vào ban đêm

Tạo ra thói quen về thời gian ngủ: khuyến khích thói quen ngủ đúng giờ một cách thường xuyên. Hạn chế các xung đột vào buổi tối, hạn chế sự ồn ào như việc bật nhạc quá to. Đảm bảo nhiệt độ ở phòng ngủ vừa đủ để không quá lạnh, không quá nóng. Bật đèn ngủ, đặt chăn ở một chỗ dễ lấy.

Điều trị những vấn đề sức khỏe gây ảnh hưởng đến giấc ngủ: nếu nghi ngờ người thân bạn bị ngừng thở khi ngủ, trầm cảm hay có những cơn đau vào buổi tối thì bạn nên nhờ bác sỹ điều trị kiểm tra và có cách điều trị thích hợp để đảm bảo giấc ngủ cho người thân.

 

Phải làm gì khi người thân thức dậy vào ban đêm

Nếu người thân của bạn thức dậy vào nửa đêm và cảm thấy khó chịu thì tốt nhất là bạn nên giữ bình tĩnh cho dù bạn đã quá kiệt sức. Khuyên bảo nhắc nhở nhẹ nhàng để họ quay lại giường ngủ tiếp.

 

Nhớ rằng giấc ngủ của bạn cũng rất quan trọng

Nếu giấc ngủ của bệnh nhân Alzheimer đã quan trọng thì giấc ngủ của người chăm sóc cũng quan trọng chẳng kém. Không ngủ đủ vào buổi tối khiến bạn mất đủ kiên nhẫn và thiếu năng lượng cần thiết cho việc chăm sóc người thân vào ngày hôm sau.

Hãy chia sẻ công việc chăm sóc người bệnh vào ban đêm giữa các thành viên trong gia đình và những người chăm sóc để đảm bảo mỗi người giữ được sức khỏe lâu dài trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Bên cạnh đó, hãy tìm đến sự trợ giúp của các bác sỹ hoặc nhân viên y tế, công tác xã hội hoặc các câu lạc bộ chăm sóc người bệnh nếu có thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top