Tìm hiểu về trì hoãn dậy thì sớm ở trẻ em

Tình trạng trẻ em (nhất là các bé gái) bước vào tuổi dậy thì sớm hơn thường lệ đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu công bố năm 2011 của Mỹ cho thấy, 15% bé gái tại quốc gia này bước vào giai đoạn dậy thì khi lên 7 tuổi. 

Dậy thì sớm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Việc trì hoãn dậy thì sớm tạo cho xương cơ hội phát triển theo tốc độ riêng trong giai đoạn dài hơn, các khớp không bị 'khóa' quá sớm và trẻ có cơ hội đạt chiều cao lý tưởng hơn khi trưởng thành. Điều này cũng giúp tâm trí, cảm xúc và các kỹ năng xã hội của trẻ có cơ hộp đuổi kịp sự phát triển thể chất. Nếu dậy thì xảy ra đúng thời điểm, các hệ cơ quan sẽ  sẵn sàng để có thể phối hợp nhịp nhàng.

Việc trẻ bước vào thời kỳ dậy thì ở độ tuổi nào phụ thuộc một số yếu tố, trong đó có giới tính (nữ dậy thì sớm hơn nam), mức độ hoạt động thể chất (nữ béo phì dậy thì sớm hơn các bạn thể trạng bình thường), hàm lượng estrogen ngoại lai đưa vào cơ thể ... Việc trì hoãn dậy thì sớm ở trẻ em được thực hiện tùy theo nguyên nhân gây ra tình trạng này. 

Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là các khối u thì cần phẫu thuật cắt bỏ. Trường hợp không tìm thấy nguyên nhân thực thể, cha mẹ có thể chọn giải pháp điều trị cho con bằng các thuốc giảm hàm lượng hoóc môn giới tính theo chỉ định của bác sĩ. Liệu pháp này giúp giảm tốc độ hoặc ngừng quá trình dậy thì. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ sau đây cũng góp phần trì hoãn quá trình dậy thì sớm ở các bé gái.  

Chế độ tập luyện nghiêm túc hàng ngày là phương thức an toàn và hiệu quả nhất trong làm giảm tốc độ dậy thì sớm ở các bé gái. Trên thực tế, các nữ vận động viên điền kinh trẻ tuổi đôi khi chỉ bắt đầu dậy thì sau khi giảm chế độ luyện tập, hoặc tăng lượng mỡ cơ thể lên mức 16%.  Chưa có bằng chứng cho thấy béo phì dẫn tới dậy thì sớm ở các bé trai. Ngược lại, trẻ trai béo phì có xu hướng dậy thì muộn hơn so với trung bình.

Ngoài tập luyện đều đặn, các bé gái thừa cân cần phấn đấu đạt trọng lượng cơ thể chuẩn thông qua chế độ ăn với hàm lượng calo lành mạnh. Chế độ ăn hợp lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giảm cân. Nói như thế không có nghĩa là các em cần bỏ bữa hoặc ăn ít hơn nhu cầu thiết yếu của cơ thể.

Hạn chế ảnh hưởng của estrogen ngoại lai lên cơ thể cũng tỏ ra hiệu quả trong giảm tốc độ dậy thì.

Việc gia tăng tiếp xúc với các hoóc môn giới tính như estrogen có thể làm khởi phát dậy thì sớm ở các bé gái. Estrogen có thể tìm thấy trong thực phẩm như thịt, sữa (nếu người chăn nuôi sử dụng  hoóc môn  kích thích tăng trưởng), thuốc trừ sâu. Estrogen cũng liên quan chặt chẽ tới các vật dụng làm từ chất dẻo (chai đựng nước, đồ đựng thức ăn, đồ chơi)… Mỗi lần uống một ngụm nước từ chiếc chai nhựa, ăn thức ăn được hâm nóng trong hộp nhựa, trẻ lại đưa vào cơ thể những hóa chất độc hại kích thích tổng hợp estrogen.

Kết quả phân tích hơn 20 loại bình sữa trẻ em của các thương hiệu nổi tiếng và hơn 450 loại hộp đựng thực phẩm, đồ uống tại Mỹ mới đây cho thấy, hầu hết các vật dụng này đều chứa hóa chất có tác dụng giống như estrogen. Trong số các sản phẩm trên có cả những loại không chứa BPA (Bisphenol A). BPA và các hóa chất nói trên hoạt động giống như estrogen trong cơ thể, bám vào các cảm thụ thể nhận dạng hoóc môn này ở một số hệ cơ quan, trong đó có hệ sinh dục và có thể dẫn tới dậy thì sớm.

Việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu quercitin cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của estrogen ngoại lai. Quercitin, nhờ khả năng gắn kết với cảm thụ thể estrogen của tế bào, có thể cạnh tranh và hạn chế tác dụng tiêu cực của hoóc môn này.

Các thực phẩm chứa quercitin hết sức đa dạng, và cần được khuyến khích đưa vào thực đơn hàng ngày của trẻ. Quercitin có nhiều trong các loại quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh và trà đen… Hiện chưa rõ quercitin bổ sung ở dạng dược phẩm có mang lại hiệu quả không.

Những điều cần hỏi bác sĩ khi đưa bé đi khám

Gia đình và thầy thuốc cần cùng bàn luận để đưa ra liệu trình tốt nhất cho trẻ. Cha mẹ có thể đặt các câu hỏi sau với thầy thuốc:

Cần làm những xét nghiệm gì để xác định cháu có dậy thì sớm không?

Có những dấu hiệu nghi ngờ về khối u hay bệnh lý là nguyên nhân dẫn tới dậy thì sớm hay không?

Có những phương án điều trị nào? Tác dụng phụ của chúng là gì?

Trẻ cần điều trị trong bao lâu? Làm sao biết được việc điều trị có đem lại kết quả hay không?

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top