✴️ Cafe có thể bảo vệ tim mạch không? (cập nhật từ ACC 2022)

Mở đầu

Trước đây, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch thường được khuyến cáo nên tránh tiêu thụ café. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng về lợi ích của café đối với sức khỏe. Trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (European Society of Cardiology – ESC) cũng đã báo cáo về lợi ích của café đối với sức khỏe. Cụ thể, báo cáo trong hội nghị đã cho thấy so với nhóm không tiêu thụ café, nhóm tiêu thụ café ít – trung bình có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 12%, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn 17% và nguy cơ tử vong do đột quỵ thấp hơn 21%.1

Lợi ích của café một lần nữa được bàn luận trong Hội nghị thường niên của Học viện Tim mạch Hoa Kỳ (American college of cardiology – ACC) diễn ra vào tháng 03 năm 2022. Bài viết nhằm tóm tắt kết quả của các báo cáo về chủ đề này trong hội nghị để cung cấp thêm các bằng chứng về lợi ích của café trên sức khỏe đến bạn đọc.

Tóm tắt phiên hội nghị

Tiêu thụ café liên quan đến việc cải thiện tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch

Trước đây bệnh nhân loạn nhịp tim và bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch không được khuyến nghị uống café. Tuy nhiên dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của café đối với nhóm bệnh nhân này vẫn chưa đầy đủ để đưa ra khuyến cáo chống.

Một nghiên cứu trên 502543 người có hoặc không uống café mỗi ngày (<1, 1, 2-3, 4-5, > 5 cốc/ngày) nhằm đánh giá mối liên hệ giữa café và kết cục tử vong/loạn nhịp đã được tiến hành. Kết quả của nghiên cứu cho thấy:

  • 34279 người được chẩn đoán mắc các bệnh tim mạch (bệnh tim mạch bao gồm bệnh tim mạch vành, suy tim và đột quỵ), trong số đó có 6721 (19.6%) bệnh nhân tử vong.
  • Việc tiêu thụ café ở mọi mức độ đều an toàn, đặc biệt nhóm bệnh nhân tiêu thụ café với tần suất 2-3 ly/ngày có thể cải thiện tỷ lệ sống sót.
  • Nghiên cứu cũng đã cho thấy tiêu thụ café ở mọi mức độ không liên quan đến nguy cơ loạn nhịp ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Không những vậy, trong số 24111 bệnh nhân được chẩn đoán loạn nhịp, tiêu thụ café còn liên quan đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong (nhóm tiêu thụ 1 ly/ngày có nguy cơ thấp nhất đối với bệnh nhân rung nhĩ/cuồng nhĩ).

Như vậy, việc tiêu thụ café là an toàn ở bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch và không làm tăng nguy cơ loạn nhịp. Lợi ích của café đối với tỷ lệ sống sót cũng được ghi nhận ở nhóm bệnh nhân loạn nhịp. Vì vậy café nên được khuyến khích ở nhóm bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch2.

 

Nên lựa chọn café rang xay, café hòa tan hay café đã loại bỏ caffeine (decaf)?

Cho đến nay, có khoảng 100 hợp chất đã được phát hiện trong café, trong đó caffeine là hợp chất được biết đến nhiều nhất. Mặc dù đã có nhiều bằng chứng về lợi ích của café đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch, tuy nhiên tác động của riêng từng loại café vẫn chưa được làm rõ. Vì vậy, một nghiên cứu tiên hành trên 73027 người tiêu thụ café rang xay, 167399 người tiêu thụ café hòa tan và 57615 người tiêu thụ café decaf đã được tiến hành nhắm đánh giá mối liên hệ giữa từng loại café với các biến cố loạn nhịp, các bệnh tim mạch, tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do nguyên nhân tim mạch.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy:

  • Nhóm người tiêu thụ café rang xay và café hòa tan với tần suất 1-5 ly/ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ loạn nhịp, bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, suy tim và đột quỵ. Nguy cơ thấp nhất được quan sát thấy ở nhóm người tiêu thụ café rang xay và café hòa tan với tần suất 2-3 ly/ngày.
  • Café decaf có tác động trung gian đối với nguy cơ loạn nhịp và các bệnh tim mạch, ngoại trừ suy tim.
  • Tất cả các loại café đều có liên quan đến việc làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do nguyên nhân tim mạch (có ý nghĩa thống kê): nhóm tiêu thụ café rang xay với tần suất 2-3 ly/ngày có tỷ lệ tử vong thấp nhất.

Như vậy, café rang xay và café hòa tan có thể làm giảm nguy cơ loạn nhịp/các bệnh tim mạch và tất cả các loại café đều có thể làm giảm tỷ lệ tử vong3.

 

Cơ chế đề nghị

Việc caffeine có thể chẹn thụ thể adenosine có thể hỗ trợ giải thích những lợi ích của café trên nguy cơ loạn nhịp. Caffeine cũng có vai trò đáng kể trong việc giảm cân thông qua cơ chế ức chế hấp thu acid béo ở ruột và làm tăng tốc độ chuyển hóa cơ bản (basal metabolic rate). Tuy nhiên café chứa > 100 hợp chất hoạt động sinh học: chẳng hạn các polyphenol với hoạt tính chống oxy hóa có thể làm giảm stress oxy hóa và điều hòa chuyển hóa. Café cải thiện tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch có thể liên quan đến tác dụng cải thiện chức năng nội mạc, tuần hoàn chất chống oxy hóa, cải thiện độ nhạy cảm với insulin hoặc giảm viêm4.

 

Bàn luận

Như vậy, kết quả của các phiên hội nghị ACC 2022 đã cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ các bác sĩ khuyến khích bệnh nhân tim mạch nên tiêu thụ café. Thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng kết hợp cùng một kế hoạch kiểm soát hợp lý là chìa khóa đề cải thiện kết cục lâm sàng cho bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu được báo cáo trong hội nghị cũng có một số hạn chế, vì một cốc café thường có dung tích 200-250 ml, tuy nhiên lượng caffeine thì có thể giao động từ 90-250 mg, và việc bổ sung thêm đường/sữa vào café cũng không được ghi nhận.


Tài liệu tham khảo

  1. Press release. Light-to-moderate coffee drinking associated with health benefits. ESC Press office. Updated 28 Aug 2021. Accessed date 06 Sept 2021. URL: https://www.escardio.org/The-ESC/Press-Office/Press-releases/Light-to-moderate-coffee-drinking-associated-with-health-benefits
  2. 1186-021 / 21 - Regular coffee intake is associated with improved mortality in prevalent cardiovascular disease. ACC Scientific Sesion Program. Updated 02 April 2022. Accessed date 06 April 2022. URL: https://www.abstractsonline.com/pp8/#!/10461/presentation/23368
  3. 1052-05 - Ground, instant, or decaffeinated coffee? Impact of different coffee subtypes on incident arrhythmia, cardiovascular disease and mortality. ACC Scientific Sesion Program. Updated 03 April 2022. Accessed date 06 April 2022. URL: https://www.abstractsonline.com/pp8/#!/10461/presentation/12593
  4. Coffee Drinking May Cut Heart Disease Risk, Prolong Survival. Medscape. Updated 27 Mar 2022. Accessed date 07 April 2022. URL: https://www.medscape.com/viewarticle/970989#vp_2
return to top