Hàng năm, tại Mỹ, khoảng 98.000 ca tử vong trong các bệnh viện là do các sai sót của nhân viên y tế và các sai sót này thường có thể hoàn toàn tránh được.
Làm thế nào để phòng ngừa các sai sót đôi khi dẫn đến chết người này? Đây có phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế mà người bệnh không thể làm gì hơn?
Nhiều người có suy nghĩ này vì họ cho rằng “khi đi khám bệnh, tôi đâu có chuyên môn gì, như cá nằm trên thớt, bác sĩ biểu sao tôi làm vậy”. Đây là một hiểu lầm nghiêm trọng vì các thống kê cho thấy những người bệnh nào biết quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ chăm sóc mình được thụ hưởng sẽ giúp tránh được rất nhiều sai sót.
Sau đây là một số điều người bệnh nên thực hiện để tránh các tai biến đáng tiếc có thể gặp khi đi khám bệnh.
1. Bảo đảm các nhân viên y tế nắm rõ các thông tin cá nhân của mình
a. Trình bày cho bác sĩ của bạn xem tất cả các toa thuốc, các lọai thuốc không toa mình đã từng sử dụng, kể cả các lọai thảo dược mua ngoài…chợ. Thật vậy, rất nhiều lọai có thể gây bệnh hoặc làm cho bệnh trở nặng hơn. Ít nhất, cũng phải cho bác sĩ của bạn biết các lọai thuốc này mỗi năm một lần.
b. Báo cho bác sĩ của bạn biết về các lọai thuốc đã gây dị ứng, tai biến cho mình trong quá khứ để tránh bị kê toa có thể dẫn đến các phản ứng chết người.
c. Báo cho các nhân viên y tế biết tất cả tiền sử bệnh của mình, đừng cho rằng họ phải có trách nhiệm tự tìm hiểu những điều ấy, dù điều này thật sự là đúng.
2. Hỏi kỹ bác sĩ của bạn về các thông tin trong toa
Hãy hỏi Dược sĩ nếu Bác sĩ quá bận. Hãy nhớ rằng - kê đơn là năng lực của BS nhưng trong BV không phải chỉ có BS biết cách dùng thuốc!
a. Thuốc trong toa dùng để điều trị vấn đề gì?
b. Tại sao tôi nên dùng thuốc này và sẽ dùng trong bao lâu? Ví dụ các thuốc hạ đường huyết hoặc hạ huyết áp thường phải dùng suốt đời, các kháng sinh chỉ được dùng đúng kỳ hạn để tránh tình trạng lờn thuốc.
c. Thuốc có tác dụng phụ nào và tôi sẽ phải làm gì khi vấn đề đó xảy ra? Ví dụ biến chứng gây hạ lượng đường trong máu có thể xảy ra khi uống thuốc trị tiểu đường, khi đó, bạn phải uống nước đường ngay.
d. Thuốc có an toàn không, nếu dùng chung với thức ăn, với các thuốc khác? Nhiều loại thuốc sẽ giảm tác dụng khi uống sau khi ăn no.
e. Tôi phải làm gì hoặc tránh thức ăn thức uống nào khi dung thuốc? Ví dụ không nên lái xe khi uống các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ.
3. Nếu chọn nhà thuốc ngoài bệnh viện, hãy mua thuốc ở những nơi nhân viên có thể trả lời tự tin và lưu loát cho bạn những vấn đề này
Cẩn thận! Không phải nhân viên bán thuốc nào ở nước ta cũng biết trả lời các câu hỏi này vì có thể họ chẳng được học qua 1 trường lớp nào hoặc chỉ được đào tạo qua loa, các hướng dẫn của họ có thể giúp bạn sớm đi vào…bệnh viện.
88% sai lầm trong điều trị là do lộn thuốc hoặc sai liều thuốc.
a. Hỏi kỹ về cách sử dụng các lọai thuốc (ví dụ uống 4 lần mội ngày là uống vào sáng trưa chiều tối hay các liều phải cách nhau mỗi 6 giờ).
b. Hỏi kỹ về cách sử dụng các dụng cụ như muỗng uống thuốc nước, ống chích insulin…nếu bạn dùng insulin lọai có hàm lượng 100 đơn vị/1ml thì bạn phải dung ống chích 1ml chia 100 vạch (100 đơn vị)
4. Những điều nên biết khi phải nằm viện
a. Nên chọn bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa về căn bệnh của bạn, ví dụ nên có chuyên khoa nội tiết khi bạn muốn điều trị bệnh tiểu đường, có khoa săn sóc mạch vành nếu bạn bị tăng huyết áp, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.
b. Khi nằm viện, hãy quan sát xem nhân viên săn sóc có đảm bảo vô trùng không. Ví dụ, họ có rửa tay trước khi săn sóc bạn không? Rửa tay là biện pháp đơn giản và rất hữu hiệu để phòng ngừa cho bạn khỏi các bệnh nhiễm trùng khi nằm viện.
c. Khi xuất viện, nên hỏi kỹ về kế họach chăm sóc tại nhà, lịch tái khám và các biến chứng muộn có thể xảy ra.