Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Y Tế Việt Nam (covid19.ncsc.gov.vn) cho đến ngày 14/3/2022 có hơn 6 triệu (6,112,648) người bị nhiễm SARS-CoV-2 với 3 triệu (3,163,571) người hồi phục và 2 triệu (2,907,692) bệnh nhân đang điều trị và 41,385 người đã tử vong. Trong khi đó đã có trên 82 triệu (82.028.421) gồm 100.07% dân số trên 18 tuổi; 16.35% dân số dưới 18 tuổi, đã được tiêm chủng 2 mũi.
Với trên 6 triệu người hồi phục từ nhiễm Covid-19 có lẽ đến lúc cần hiểu rõ hơn về "Hội chứng hậu Covid"
Ngoài những bệnh nhân không may tử vong trong bệnh viện, những người thoát hiểm hồi phục phải tiếp tục chịu đựng một tình trạng mệt mõi, rối loạn nhận thức và những triệu chứng kéo dài sau khi bị nhiễm virus mà lý do chưa được biết rõ ràng - ngay khi đã sử dụng các phương tiện chẩn đoán truyền thống. Vì những khó khăn như thế nên một số bác sĩ đã “chối bỏ” bệnh nhân hay chẩn đoán sai lầm như “ý bệnh” (psychosomatic). Tuy nhiên những nhà nghiên cứu y học tìm hiểu sâu hơn hội chứng này đã tìm thấy nhiều rối loạn chức năng của cơ thể.
Theo US-CDC thì “Tình Trạng Hậu Covid” là một loạt những trạng thái về sức khoẻ mới xảy ra, tái diễn, hay kéo dài mà những người đã từng bị bệnh Covid-19 hoặc những người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng, xảy ra SAU 4 TUẦN từ khi bị nhiễm virus. Một số thống kê cho biết có từ 10-30% những người nhiễm SARS-CoV-2 có thể có hội chứng này. Hiện nay chưa rõ vì sao một số người có tình trạng này trong khi một số người khác lại không bị. Tuy nhiên có 4 yếu tố có vẻ gia tăng nguy cơ là TẢI LƯỢNG VIRUS CAO và SỚM trong quá trình nhiễm, có hiện diện của TỰ KHÁNG THỂ (AUTOANTIBODIES), tái kích hoạt VIRUS EPSTEIN-BARR và TIỂU ĐƯỜNG TYPE II.
RỐI LOẠN CỦA HỆ MIỄN DỊCH TRONG COVID-19
Hội chứng hậu Covid hình như xảy ra ở trên những bệnh nhân có hệ miễn dịch bị tổn thương khi so sánh với những người bị nhiễm và hi phục hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu cho rằng đã xảy ra tình trạng rối loạn miễn dịch mãn tính sau khi nhiễm virus
- Khi virus lan tràn trong cơ thể các chất liệu di truyền có thể còn nằm lại trong các mô như ruột, hạch lymphô, hay những mô khác trong nhiều tháng khiến hệ miễn dịch tiếp tục chiến đấu gây tình trạng viêm đưa đến các triệu chứng như “sương mù não” (brain fog), các triệu chứng tiêu hoá hay các triệu chứng khác.
- các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy lượng “tự kháng thể” (autoantibodies) rất cao, khiến các mô của cơ thể bị tấn công nhiều tháng sau khi nhiễm virus
- Nhiễm SARS-CoV-2 đã tái kích hoạt một số virus mà bình thường nằm yên trong cơ thể như Epstain Barr virus – đã nhiễm từ trước.
Trên mỗi bệnh nhân các tình huống này có thể xảy ra riêng lẽ hay kết hợp do đó sẽ cần nhưng phương pháp điều trị khác nhau.
CHỨC NĂNG TUẦN HOÀN
Nhiều bệnh nhân sau khi hồi phục từ Covid-19 gặp khó khăn khi hoạt động thể chất hay các triệu chứng lại tái phát sau khi tập thể dục. Các nghiên cứu cho thấy có thể do rối loạn trong sử dụng oxygen của bắp thịt và các mô khác. Trong một nghiên cứu về đi xe đạp cho thấy mặc dù có tim và phổi bình thường, nhưng cơ bắp chỉ lấy được một số lượng oxygen giới hạn từ các mao mạch khi đạp xe khiến khả năng tập thể dục bị suy giảm.
Có lẽ thủ phạm là hiện tượng viêm mãn tính các sợi thần kinh điều khiển tuần hoàn gọi là “small fiber neuropathy” mà các tổn thương có thể thấy trên các hình ảnh sinh thiết da cùng với rối loạn thần kinh thực vật ảnh hưởng đến nhịp tim, hô hấp, tiêu hoá rất thường gặp trên bệnh nhân Covid hồi phục.
Các nhà khoa học ở Nam Phi còn tìm thấy các cục máu động li ti (microscopic blood clots). Thường thì các cục máu đông trong quá trình bệnh lý ban đầu sẽ tự thoái hoá nhưng có thể các cục máu vi thể này vẫn còn nằm trong các mao quản khiến sực chuyên chở oxy đến tế bào bị suy giảm.
Ngoài ra các cytokines cũng có thê làm hư hỏng các mitochondries là những nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào làm cho các cơ quan này không sử dụng được nhiều oxygen cùng với hiện tượng viêm thành mao mạch.
Với bất cứ lý do nào việc sử dụng oxygen giảm sẽ kéo theo triệu chứng thường gặp nhất trong Hậu Covid, MỆT MỎI - tương tự hội chứng ME-CFS (Myalgic-encephalomyelitis – chronic fatigue syndrome) thường thấy sau những lần nhiễm virus.
NÃO BỘ SAU COVID-19
Những bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 nhẹ cũng có thể gặp những rối loạn về nhận thức (cognitive impairments) như mất tập trung, giảm trí nhớ hay không tìm chữ thích hợp để diễn tả ý nghĩ của mình, nói năng mất lưu loát (word-finding). Những vấn đề về rối loạn thần kinh kéo dài như thế quả là một sự khủng khoảng nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng theo BS. Avindra Nath Giám Đốc Lâm Sàng Viện Nghiên Cứu Các Bệnh Lý Thần Kinh & Đột Quỵ Hoa Kỳ (National Institute of Neurological Disorders and Stroke). Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một loạt các rối loạn chức năng của não bộ trong hội chứng Hậu Covid, tuy chưa rõ mức độ thường xuyên của sự xâm nhập vào não của virus và ngay cả khi nhiễm trùng nhẹ cũng có thể gây rối loạn đáng kể cho bệnh nhân. Có lẽ sự hoạt hoá quá mức các tế bào miễn dịch là microglia (một loại đại thực bào trong mô não) tương tự như quá trình gây suy giảm nhận thức trong lão hoá hay một số bệnh thoái hoá thần kinh khác. Một nghiên cứu khác cho thấy số lượng máu đến não bộ cũng bị suy giảm, tương tự trong “Hội chứng mệt mỏi mãn tính” (Chronic fatigue syndrome) trước khi có đại dịch.
“HỤT HƠI” TRONG HỘI CHỨNG HẬU COVID”
Hụt hơi (shortness of breath) là một triệu chứng thường gặp trong covid-19 cấp tính cũng như trong hội chứng hậu Covid. Các xét nghiệm X-Quang, CT hay test chức năng thường trở về bình thường khi hồi phục. Nhưng các chuyên gia bệnh phổi ở Anh nghiên cứu thấy gì?
Các nhà nghiên cứu ở Oxford, Sheffield, Cardiff và Manchester Anh Quốc được Viện Nghiên Cứu Sức Khoẻ Quốc Gia (NIHR) tài trợ vừa công bố kết quả ban đầu về phát hiện những tổn thương phổi trên những bệnh nhân bị Covid kéo dài có triệu chứng khó thở.
Dự án nghiên cứu EXPLAIN sử dụng kỹ thuật XeMRI với khí xenon siêu phân cực (hyperpolarised xenon MRI) khảo sát tổn thương phổi trong Covid kéo dài trên những bệnh nhân có cảm giác khó thở (breathlessness) và chưa từng phải nhập viện lúc kết quả dương tính.
36 bệnh nhân nhiễnm covid-19 chia làm 3 nhóm:
- Nhóm có hội chứng hậu Covid-19 và có CT scan phổi bình thường
- Nhóm đã nhập viện và xuất viện trên 3 tháng có CT phổi bình thường hay gần như bình thường và KHÔNG CÓ triệu chứng Covid kéo dài
- Nhóm chứng theo tuổi/giới chưa từng phải nhập viện và cũng KHÔNG có triệu chứng covid kéo dài.
Những kết quả ban đầu cho thấy với kỹ thuật Hyperpolarised xenon MRI trên những người có triệu chứng Covid kéo dài, có rối loạn trao đổi khí trên nền một số bất thường của phổi.
Chủ nhiệm đề tài GS Fergus Gleeson, University of Oxford nói rằng chúng tôi biết rằng khảo sát trên bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện có tổn thương với kỹ thuật mới này trong khi những CT scan thông thường và các tests chức nănG phổi khác đều bình thường.
Kỹ thuật Hyperpolarised xenon MRI được phát minh do GS Jim Wild và nhóm nghiên cứu bệnh phổi POLARIS (Pulmonary, Lung and Respiratory Imaging) ở Sheffield.
Xenon là một khí bất hoạt (inert) theo lộ trình như oxygen khi được hấp thu vào phổi và có thể cho chúng ta biết những bất thường ở đường thở, sự trao đổi khí giữa qua màng giữa phế nang và các mao mạch.
Siêu phân cực là những kỹ thuật làm thay đổi tính chất từ trường của vật chất sự thay đổi này sẽ tác động vào các kỹ thuật hình ảnh học như chụp cộng hưởng từ MRI và cộng hưởng từ hạt nhân nuclear magnetic resonance spectroscopy (NMR).
Dự kiến nghiên cứu sẽ thu tuyển 200 Bệnh nhân, thêm một nhóm có Covid kéo dài nhưng không có triệu chứng ngộp thở...
Trước đây đã có một nghiên cứu trên bệnh nhân Covid-19 có viêm phổi còn triệu chứng khó thở 3 tháng sau khi khỏi bệnh và CT scan phổi đã bình thường; cho thấy kỹ thuật Hyperpolarized xenon 129 MRI vẫn phát hiện bất thường trong quá trình trao đổi khí giữa phế nang và máu.
Nguyên nhân có thể là các cục máu li ti còn trong mô phổi, hàng rào máu-khí bị dày lên là cho sự hấp thu oxygen giảm thiểu
ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG HẬU COVID
Những điểm chính yếu:
1. Hội chứng HẬU COVID là một nhóm nhiều triệu chứng về thể chất cũng như tinh thần của một số bệnh nhân hồi phục từ Covid-19, xảy ra sau hay hơn hơn 4 tuần lễ kể từ khi nhiễm virus, ngay với người không có triệu chứng hay bệnh nhẹ.
2. Sự hiểu biết của y học hiện nay chưa đầy đủ và do đó cách xử lý sẽ thay đổi theo thời gian tuỳ thuộc vào các phát hiện mới có được.
3. Theo thông tin hiện nay nhiều tình huống “Hậu Covid” có thể được điều trị với y tế cơ sở, lấy bệnh nhân làm trung tâm để tối ưu hoá chất lượng cuộc sống và các chức năng của bệnh nhân.
4. Các xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh chẩn đoán như (XQ, CT...) không được xem là phương tiện duy nhất để chẩn đoán hay đánh giá tình trang sứ khoẻ của bệnh nhân và các xét nghiệm cận lâm sàng này nếu không có được cũng không loại bỏ được chẩn đoán, độ nặng, hay sự quan trọng của các triệu chứng của bệnh nhân.
5. Nhân viên y tế được khuyến cáo đặt những mục tiêu có thể đạt được bằng cách bàn bạc và cùng quyết định với bệnh nhân dựa trên các dấu hiệu hay triệu chứng đặc thù cho từng người cùng với một liệu pháp toàn diện từ thể chất, tinh thần, xã hội.
Hiện nay có rất nhiều nhóm gồm các chuyên gia của nhiều chuyên ngành khác nhau giúp các bệnh nhân hậu Covid có thể tham khảo trên internet...
Đại Dịch Covid-19 xảy ra gây quá nhiều mất mát, thiệt hại nhưng đồng thời đẩy nhanh những tiến bộ khoa học chưa từng thấy. Hội chứng Hậu Covid được phát hiện cũng không phải là chưa có tiền lệ vì những tình trạng bệnh lý đó cũng đã từng xảy ra nhưng chưa được tìm hiểu tập trung và thấu đáo (như hội chứng mệt mõi mãn tính). Với những tiến bộ khoa học hiện nay con người đang nhận thức rõ hơn những gì đang xảy ra trong cơ thể của mình - như là một tiểu vũ trụ còn nhiều bí ẩn. Điều trị muốn có kết quả tốt thì cần hiểu rõ bản chất của hiện tượng bệnh lý; đó không thể đạt hiệu quả nhanh chóng như một thầy thuốc đã nói “Không phải là thứ có thể vội được đâu” (It’s really not something you can push through).
Tham khảo
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8621226/pdf/jcdd-08-00156.pdf
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1002/ana.26286
https://www.science.org/doi/epdf/10.1126/science.abm2052
GS. TS. BS Trần Tịnh Hiền
(GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp Đại Học Y Dược TPHCM năm 1978 và nhận bằng Tiến sĩ tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford và Đại học Mở Vương quốc Anh năm 2004.
Ông làm Giáo sư thỉnh giảng về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford và là thành viên của Bác sĩ Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2004.
Từ năm 2008, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền là Thành viên Ban đánh giá về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học trên người Bộ Y Tế và từ năm 2010, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nghiên cứu Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại Học Oxford Anh Quốc.
Trước đó, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền công tác tại Bệnh viện Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ năm 1978. Ông kinh qua nhiều vị trí quan trọng của bệnh viện, đầu tiên là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, sau đó vào năm 1985 là Trưởng khoa Sốt rét và vào năm 1987 là Trưởng phòng Y vụ. Ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc vào năm 1989.)