Việc bố trí cây xanh trong không gian sống không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn được ghi nhận có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt trong bối cảnh người dân phải dành nhiều thời gian sinh hoạt tại nhà do đại dịch. Các bằng chứng khoa học gần đây đã củng cố vai trò hỗ trợ tâm lý, cải thiện chất lượng không khí và giảm thiểu phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí trong nhà của cây trồng nội thất.
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc chăm sóc cây xanh và quan sát sự phát triển của cây có thể góp phần làm giảm mức độ lo âu, căng thẳng tâm lý và cải thiện cảm xúc tích cực. Tương tác với cây xanh được xem là một hình thức trị liệu không dùng thuốc, có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tinh thần, đặc biệt ở nhóm đối tượng thường xuyên làm việc tại nhà hoặc trong điều kiện cô lập xã hội.
Thông qua quá trình quang hợp, cây xanh hấp thu khí carbon dioxide và giải phóng oxy, từ đó góp phần cải thiện nồng độ oxy trong không khí trong nhà. Một số loài thực vật còn có khả năng hấp thu và chuyển hóa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (Volatile Organic Compounds – VOCs), như formaldehyde, benzene, toluene và xylene – những tác nhân phổ biến có nguồn gốc từ vật liệu xây dựng, sơn, chất tẩy rửa và thiết bị điện tử. Phơi nhiễm lâu dài với các chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng, đau đầu, buồn nôn, và thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, cây trồng trong nhà còn có thể tăng độ ẩm không khí, hỗ trợ cải thiện tình trạng khô da và các bệnh lý da liễu liên quan đến độ ẩm môi trường thấp.
Dưới đây là một số loài thực vật phổ biến, đã được nghiên cứu và ghi nhận có hiệu quả trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm không khí trong nhà:
Lan ý (Spathiphyllum spp.)
Nghiên cứu công bố năm 2021 cho thấy lan ý có khả năng loại bỏ CO₂ và formaldehyde trong môi trường kín. Các nghiên cứu trước đó của NASA cũng cho thấy lan ý làm giảm nồng độ VOCs trong không khí. Tuy nhiên, loài cây này chứa calcium oxalate – chất có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp nếu nuốt phải, do đó cần đặt ngoài tầm với của trẻ em và vật nuôi.
Cây trầu bà (Epipremnum aureum)
Nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng cây trầu bà có thể làm giảm nồng độ ozone trong môi trường trong nhà. Ngoài ra, trầu bà cũng được ghi nhận có khả năng hấp thu các VOCs tương tự như lan ý. Tuy nhiên, cây cũng chứa oxalate, có thể gây độc nếu tiêu thụ số lượng lớn.
Cây lan chi (Chlorophytum comosum)
Đây là loài cây dễ trồng, có khả năng sống tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Nghiên cứu của NASA và các tổ chức độc lập cho thấy cây lan chi có thể hấp thu các chất ô nhiễm như carbon monoxide và formaldehyde trong môi trường kín.
Cây lưỡi hổ (Sansevieria trifasciata)
Là một trong những loài cây được NASA nghiên cứu trong dự án đánh giá khả năng thanh lọc không khí, lưỡi hổ có thể loại bỏ formaldehyde, benzene và trichloroethylene. Đồng thời, cây có khả năng quang hợp vào ban đêm (quang hợp CAM), thích hợp đặt trong phòng ngủ để tăng oxy vào ban đêm.
Cây thường xuân (Hedera helix)
Nghiên cứu năm 2015 cho thấy cây thường xuân giúp làm giảm nồng độ CO₂ và formaldehyde. Báo cáo năm 2018 cho thấy loài cây này còn giúp loại bỏ benzene, xylene và toluene, đồng thời có thể giảm sự phát triển của bào tử nấm mốc. Tuy nhiên, cần lưu ý vì cây có thể gây độc nếu nuốt phải.
Cây thiết mộc lan (Dracaena fragrans)
Trong nghiên cứu của NASA, thiết mộc lan được ghi nhận có khả năng loại bỏ các chất độc như trichloroethylene, formaldehyde và benzene khỏi không khí. Tuy nhiên, giống như nhiều loài khác, thiết mộc lan cũng có độc tính với vật nuôi.
Cây đa búp đỏ (Ficus elastica)
Một nghiên cứu năm 2017 thực hiện tại một công trình xây dựng mới cho thấy cây đa búp đỏ có hiệu quả trong việc giảm nồng độ VOCs trong môi trường thực tế, hỗ trợ cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Trồng cây trong nhà không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà còn góp phần đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua điều hòa chất lượng không khí và tác động tích cực đến tâm lý. Tuy nhiên, khi lựa chọn cây trồng trong nhà, cần lưu ý đến khả năng gây độc đối với trẻ em và vật nuôi. Việc lựa chọn loài cây phù hợp, kết hợp với các biện pháp thông khí hợp lý sẽ góp phần tạo nên môi trường sống an toàn và lành mạnh hơn.