Giấc ngủ đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì sức khỏe toàn diện. Trong thời gian ngủ, cơ thể trải qua các quá trình phục hồi sinh lý, điều hòa nội tiết, điều chỉnh huyết áp và tăng cường chức năng miễn dịch. Nhiều bằng chứng khoa học đã cho thấy mối liên quan hai chiều giữa rối loạn giấc ngủ và tăng huyết áp, trong đó chất lượng và thời lượng giấc ngủ không đảm bảo có thể là yếu tố nguy cơ độc lập gây tăng huyết áp, đồng thời tăng huyết áp không được kiểm soát cũng có thể góp phần gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu.
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực máu tác động lên thành mạch máu gia tăng bất thường, có thể gây ra nhiều biểu hiện lâm sàng như đau đầu, tức ngực, khó thở và hồi hộp. Những triệu chứng này, đặc biệt khi xuất hiện về đêm, có thể cản trở quá trình vào giấc ngủ và làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ sinh lý. Bên cạnh đó, người mắc tăng huyết áp có thể kèm theo các bệnh lý tim mạch hoặc rối loạn thần kinh thực vật, làm rối loạn nhịp sinh học tự nhiên của giấc ngủ.
Giấc ngủ sâu giúp giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và làm giảm huyết áp tự nhiên. Khi thiếu ngủ kéo dài, hoạt hóa thần kinh giao cảm tăng cao, đồng thời nồng độ các hormon như cortisol, adrenaline cũng gia tăng, làm tăng nhịp tim, co mạch và hậu quả là tăng huyết áp. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng ngủ <6 giờ mỗi đêm có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch và hội chứng chuyển hóa.
Một số thuốc điều trị tăng huyết áp, đặc biệt là nhóm chẹn beta (beta-blockers), có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ bằng cách làm giảm sản xuất melatonin – một hormone nội sinh có vai trò điều hòa chu kỳ giấc ngủ-thức. Tác dụng phụ có thể bao gồm mất ngủ, ngủ chập chờn hoặc ác mộng. Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc điều trị tăng huyết áp đều gây rối loạn giấc ngủ. Việc thay đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ và kiểm soát huyết áp hiệu quả, bệnh nhân có thể áp dụng một số chiến lược sau:
Thiết lập lịch ngủ đều đặn: Duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy cố định mỗi ngày để ổn định nhịp sinh học.
Hạn chế ngủ bù: Tránh ngủ quá nhiều vào cuối tuần nhằm duy trì đồng hồ sinh học ổn định.
Tăng cường hoạt động thể chất: Vận động thường xuyên giúp hạ huyết áp, đồng thời làm tăng nhu cầu nghỉ ngơi và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, nên tránh tập thể dục sát giờ đi ngủ.
Áp dụng các kỹ thuật thư giãn: Thiền định, yoga, hít thở sâu có thể hỗ trợ điều hòa huyết áp và tạo điều kiện thuận lợi để vào giấc.
Cân nhắc sử dụng hỗ trợ dược lý: Melatonin liều thấp hoặc thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn (như diphenhydramine hoặc doxylamine) có thể được sử dụng trong thời gian ngắn dưới sự tư vấn của bác sĩ. Một số thuốc ngủ theo đơn như eszopiclone hoặc flurazepam có thể được cân nhắc nếu mất ngủ kéo dài.
Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ nào, dù kê đơn hay không, cần phải được đánh giá cẩn thận về mặt tương tác thuốc và nguy cơ tác dụng phụ. Melatonin tuy được coi là an toàn, nhưng có thể ảnh hưởng đến các thuốc điều hòa huyết áp hoặc chống đông máu. Các thuốc kháng histamine gây buồn ngủ có thể làm trầm trọng thêm một số tình trạng tim mạch nếu dùng kéo dài.
Rối loạn giấc ngủ và tăng huyết áp có mối liên hệ phức tạp và ảnh hưởng lẫn nhau. Việc đánh giá và can thiệp toàn diện từ thay đổi lối sống đến tối ưu hóa điều trị dược lý là cần thiết để cải thiện cả huyết áp và chất lượng giấc ngủ. Bệnh nhân tăng huyết áp có rối loạn giấc ngủ nên được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị phù hợp, giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả kiểm soát bệnh.