Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến trong những tháng đầu đời và hiếm khi liên quan đến các vấn đề bệnh lý nghiêm trọng. Phần lớn trường hợp rụng tóc xảy ra trong 6 tháng đầu, đặc biệt rõ rệt vào khoảng 3 tháng tuổi. Tóc có thể rụng đồng thời với quá trình mọc tóc mới, do đó không phải lúc nào cũng được phụ huynh nhận biết rõ. Hiện tượng này thường mang tính sinh lý, có thể quan sát thấy tóc rụng trên tay khi xoa đầu trẻ, trong khăn tắm, hoặc ở các vị trí tiếp xúc kéo dài như nệm, ghế xe đẩy.
2.1. Rụng tóc telogen (Telogen effluvium)
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra khi các nang tóc chuyển nhanh từ giai đoạn tăng trưởng (anagen) sang giai đoạn nghỉ (telogen), dẫn đến hiện tượng rụng tóc đồng loạt. Quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nồng độ hormone sau sinh, do trẻ không còn nhận được hormon nhau thai từ mẹ thông qua dây rốn. Đây là một cơ chế điều hòa sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh.
2.2. Rụng tóc do ma sát (Occipital alopecia)
Rụng tóc khu trú vùng chẩm thường xảy ra do ma sát kéo dài giữa đầu trẻ và bề mặt nằm (nệm cũi, ghế xe đẩy...), đặc biệt trong giai đoạn trẻ chưa có khả năng tự xoay trở. Đây là nguyên nhân cơ học phổ biến, thường cải thiện khi trẻ bắt đầu biết lật (khoảng 5–7 tháng tuổi).
Một số nghiên cứu cho rằng hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh có thể bắt đầu từ giai đoạn bào thai, với các yếu tố nguy cơ bao gồm: mẹ <34 tuổi, sinh thường, sinh đủ tháng.
2.3. Viêm da tiết bã (Cradle cap)
Tình trạng da đầu xuất hiện các mảng vảy dày, có thể nhờn, thường là biểu hiện của viêm da tiết bã. Nguyên nhân chưa rõ ràng, có thể liên quan đến hormon hoặc sự phát triển bất thường của nấm Malassezia. Viêm da tiết bã không trực tiếp gây rụng tóc, nhưng việc cào gãi hoặc chà xát khi làm sạch có thể làm tóc rụng cơ học.
2.4. Nhiễm nấm da đầu (Tinea capitis)
Bệnh hắc lào do nấm gây nên, biểu hiện bằng các mảng da có vảy hình vòng, rụng tóc khu trú, có thể kèm ngứa hoặc viêm. Bệnh ít gặp ở trẻ < 2 tuổi nhưng có thể xảy ra nếu có nguồn lây trong cộng đồng (qua mũ, lược, gối...).
2.5. Rụng tóc từng mảng (Alopecia areata)
Là bệnh tự miễn hiếm gặp ở trẻ <6 tháng tuổi, trong đó hệ miễn dịch tấn công các nang tóc đang phát triển, gây rụng tóc từng mảng rõ rệt. Cần lưu ý phân biệt với các nguyên nhân khác để chẩn đoán và điều trị sớm.
3.1. Theo dõi và trấn an
Phần lớn các trường hợp rụng tóc ở trẻ sơ sinh không cần can thiệp điều trị. Tóc sẽ mọc lại trong vòng 6–12 tháng. Việc trấn an phụ huynh là cần thiết, đặc biệt khi tóc mọc lại có thể khác biệt về màu sắc, kết cấu so với tóc ban đầu (do thay đổi nội tiết và di truyền).
3.2. Khi nào cần khám chuyên khoa
Tóc rụng thành từng mảng không đều, kèm theo ban đỏ, vảy, sẩn hoặc ngứa.
Có dấu hiệu viêm nhiễm vùng da đầu.
Tình trạng rụng tóc kéo dài >12 tháng mà không có dấu hiệu mọc lại.
Có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý rụng tóc tự miễn.
3.3. Biện pháp chăm sóc hỗ trợ
Gội đầu bằng dầu gội dịu nhẹ, không mùi, không gây kích ứng, tối đa 2–3 lần mỗi tuần theo khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP).
Tránh chà xát mạnh khi gội đầu hoặc lau khô.
Chải tóc bằng bàn chải mềm để loại bỏ vảy tiết bã, nếu cần.
Tăng thời gian nằm sấp có kiểm soát (tummy time) khi trẻ thức và có người quan sát, giúp giảm tiếp xúc vùng chẩm với bề mặt nằm.
Vệ sinh sạch sẽ vật dụng cá nhân của trẻ như mũ, khăn, gối để ngăn ngừa nấm da đầu.
Rụng tóc ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý phổ biến, chủ yếu do thay đổi nội tiết sau sinh và các yếu tố cơ học như ma sát. Trong đa số trường hợp, tình trạng này tự hồi phục mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, cần phân biệt với một số nguyên nhân bệnh lý ít gặp như nấm da đầu, viêm da tiết bã nặng hoặc bệnh lý tự miễn. Định hướng chăm sóc phù hợp và giáo dục sức khỏe cho phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong theo dõi và xử trí an toàn, hiệu quả.