14 ngày sau khi tiêm chủng đủ liều vacxin COVID-19, tác dụng bảo vệ của việc tiêm chủng sẽ đạt mức cao nhất. Tại thời điểm này, cơ thể đã đạt được miễn dịch bảo vệ.
Tuy nhiên nhiều trường hợp đã được tiêm phòng đầy đủ liều vacxin COVID-19 vẫn có thể có nguy cơ mắc COVID-19. Các nghiên cứu đều khẳng định vacxin ngừa COVID-19 có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm, ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến nghiêm trọng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, mọi loại vacxin đều không thể có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm 100%, nên một số người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc COVID-19 và lây cho người khác. Vậy những lý do và yếu tố nào liên quan đến việc chúng ta vẫn có thể mắc bệnh sau khi đã tiêm chủng đầy đủ, đúng khoảng cách giữa các liều vacxin và đủ thời gian? Để giảm thiểu nguy cơ này, chúng ta cần phải làm gì?
1. BA YẾU TỐ ĐỂ CÓ THỂ VẪN MẮC COVID-19 SAU KHI TIÊM CHỦNG VACXIN ĐẦY ĐỦ VÀ ĐỦ THỜI GIAN
1.1. Loại vacxin và khoảng cách giữa các liều tiêm chủng
1.1.1. Loại vacxin sử dụng
Cho đến nay theo Quyết định 3588/QĐ-BYT đã có 6 loại vắc xin được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, các loại vacxin này đều cần 2 mũi tiêm để tạo miễn dịch cho cơ thể, cụ thể là:
Tất cả các loại vacxin đã được Bộ Y tế phê duyệt và sử dụng hiện nay tại Việt Nam đều có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm COVID-19 ở tỷ lệ cao, đạt tiêu chuẩn dự phòng sau tiêm chủng. Trên bảng so sánh các loại vacxin COVID-19, có thể thấy được hiệu quả phòng bệnh của Moderna, Pfizer và Sputnik V có cao hơn so với những loại khác. Tuy nhiên, theo lý thuyết thì chưa chắc đã là đúng trong thực nghiệm lâm sàng. Muốn đánh giá được xem loại nào tốt nhất, chúng ta cần phải thực hiện thử nghiệm trên cùng một nhóm đối tượng, cùng một khu vực, cùng thời điểm và cùng điều kiện sống…. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện tại, việc được tiêm vacxin COVID-19 càng sớm thì càng tốt. Ngoài ra, ngoài chức năng giúp bảo vệ cơ thể chúng ta tránh khỏi virus SARS-CoV-2 ra, thì tất cả các loại vacxin COVID-19 đều có hiệu quả 100% trong việc tạo ra kháng thể nhằm ngăn ngừa các triệu chứng nặng dễ dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, cần khẳng định rằng, vacxin hiệu quả nhất trong tình trạng dịch bệnh nguy hiểm hiện nay là vacxin được tiêm sớm nhất.
1.1.2. Khoảng cách liều tiêm chủng và thời gian tiêm chủng
Khoảng cách giữa 2 liều tiêm chủng đã được hướng dẫn bởi nhà sản xuất. Theo các nghiên cứu thì khoảng cách đó sẽ giúp đạt hiệu quả cao nhất cho tiêm chủng. Tuy nhiên vì nhiều lý do: nguồn vacxin, tổ chức tiêm chủng…mà có khi thiếu liều vacxin cho mũi 2 khi đủ thời gian khoảng cách tiêm. Trong trường hợp đó, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn tiêm chủng mũi 2 với loại vacxin thay thế, nhằm bao phủ mũi tiêm thứ 2 đồng thời đảm bảo hiệu quả phòng ngừa. ngày 8/9/2021 Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vacxin COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vacxin khác để tiêm mũi 2:
- Nếu tiêm mũi 1 vacxin AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng vacxin Pfizer hoặc Moderna
- Nếu tiêm mũi 1 vacxine Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vacxin Pfizer và ngược lại.
Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ có vacxin AstraZeneca có khoảng cách tiêm liều 1 đến liều 2 khá lớn (8-12 tuần), vì vậy trong chiến lược vacxin có khi chúng ta không kịp bao phủ tỷ lệ tiêm chủng, vì vậy Bộ Y tế đã có ý kiến có thể rút ngắn khoảng cách 2 liều tiêm của vacxin AstraZeneca, tiêm mũi 2 từ 4-12 tuần sau mũi 1.
1.2. Tác nhân gây bệnh COVID-19-SARS-CoV-2
Dịch tễ học bệnh do virus SARS-CoV-2 là bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, lây truyền chủ yếu theo các con đường (1) hít phải các giọt bắn và hạt khí dung chứa mầm bệnh phát sinh từ người mắc bệnh; (2) các giọt bắn và hạt khí dung chứa mầm bệnh phát sinh từ người mắc bệnh văng vào hoặc dính vào niêm mạc mắt, mũi, miệng; (3) bàn tay hoặc dụng cụ y tế dính các chất tiết dịch hô hấp, giọt bắn, hoặc các dịch tiết khác chứa mầm bệnh từ tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh hay gián tiếp chạm vào các bề mặt dính những chất tiết này rồi tiếp xúc với niêm mạc mắt, mũi, miệng. Do vậy, các biện pháp dự phòng không đặc hiệu là rất khó khăn, chủ yếu là thực hiện 5K và xử lý an toàn chất thải y tế nghi có virus SARS-CoV-2.
Tác nhân SARS-CoV-2 là một virus có nguồn gốc từ động vật hoang dại, khi xâm nhập và gây bệnh ở quần thể loài người chúng đã xuất hiện nhiều biến thể. Theo dõi diễn tiến của dịch bệnh COVID-19, các nghiên cứu chỉ rõ là virus SARS-CoV-2 liên tục thay đổi thông qua đột biến và các biến thể mới của virus xuất hiện theo thời gian. Đôi khi các biến thể mới xuất hiện và biến mất, nhưng một số trường hợp các biến thể mới vẫn tồn tại. Nhiều biến thể của virus gây dịch COVID-19 đã được ghi nhận trên toàn cầu trong đại dịch này. Cho đến nay, có 4 biến thể virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta được phát hiện lần đầu tại Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ. Sự xuất hiện các biến thể làm thay đổi nguy cơ lây lan, tình trạng diễn tiến bệnh, nguy cơ tử vong và thay đổi tính hiệu quả bảo vệ của vacxin phòng COVID-19. Trong đó, biến thể Delta được đánh giá là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm thống trị trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao…Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ các loại vacxin hiện đang sử dụng trên thế giới và Việt Nam đề có hiệu quả chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 ở những mức độ khác nhau.
1.3. Đáp ứng miễn dịch và sự đề kháng của cơ thể
Sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các kháng thể bảo vệ đặc hiệu, bao gồm Immunoglobulin G (IgG) và kháng thể trung hòa (NAbs), được sản xuất bởi các tế bào B sau khi bị nhiễm virus hoặc tiêm vacxin, các kháng thể này có thể ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào chủ và bảo vệ chống lại tái nhiễm virus. Các nghiên cứu cho thấy các kháng thể IgG và NAbs có mối tương quan cao, các kháng thể này đạt nồng độ cực đại vào tháng thứ 4 sau khi phát bệnh hay sau tiêm chủng và giảm dần sau đó, hiệu giá kháng thể giảm rõ rệt theo thời gian và bắt đầu giảm từ tháng thứ 6 sau mũi tiêm thứ 2.
Chúng ta cũng biết là, khả năng đáp ứng miễn dịch thường giảm theo tuổi tác và một số bệnh nền nghiêm trọng (đái tháo đường, suy thận mạn, suy giảm miễn dịch…) cũng có thể làm giảm đáp ứng của cơ thể với việc tiêm chủng. Do đó, những người lớn tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương có thể giảm mức độ bảo vệ của vacxin chống lại COVID-19, hoặc khả năng bảo vệ của cơ thể suy giảm nhanh hơn.
2. CÁC KHUYẾN CÁO QUAN TRỌNG
- Tiêm chủng đầy đủ vacxin COVID-19: ngoài chức năng giúp bảo vệ cơ thể chúng ta tránh khỏi virus SARS-CoV-2 ra, thì tất cả các loại vacxin COVID-19 đều có hiệu quả 100% trong việc tạo ra kháng thể nhằm ngăn ngừa các triệu chứng nặng dễ dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, vacxin hiệu quả nhất trong tình trạng dịch bệnh nguy hiểm hiện nay là vacxin được tiêm sớm nhất, tránh lựa chọn vacxin mà trì hoãn tiêm chủng.
- Thực hiện đầy đủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế: thường xuyên đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, khử khuẩn tay và vệ sinh môi trường sống bằng các dung dịch khử khuẩn, không tụ tập, giãn cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc người khác và khai báo y tế trung thực, đầy đủ.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể: Nâng cao thể trạng, duy trì và tăng cường dinh dưỡng, ăn nghỉ điều độ, sống tích cực…Một cơ thể khoẻ mạnh, cơ chế bảo vệ không đặc hiệu (da, niêm mạc, bạch cầu trung tính, đại thực bào, kháng thể tự nhiên, bổ thể, interferon…) đã đủ sức để ngăn chặn sự xâm nhiễm và gây bệnh cho cơ thể.
- Điều trị, theo dõi tốt bệnh nền của bản thân: chú ý theo dõi và điều trị bệnh nền tốt nhất để tránh nguy cơ bệnh nặng, cực kỳ chú ý dự phòng lây nhiễm khi cơ thể có bệnh nền.
- Liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng nghi nhiễm hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến COVID-19. Có như vậy mới được chẩn đoán xác định sớm, cách ly điều trị nhanh, theo dõi chặt chẽ để giảm và ngăn ngừa các nguy cơ diễn tiến nặng.
Có 3 nhóm lý do và yếu tố trên đây mà chúng ta vẫn mắc bệnh sau khi đã tiêm chủng đầy đủ, đúng khoảng cách giữa các liều vacxin và đủ thời gian. Để giảm thiểu nguy cơ này, chúng ta cần phải tuân theo những khuyến cáo về tiêm chủng, 5K, tự chăm sóc sức khoẻ và liên hệ với cơ sở y tế khi cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nikolaos C. Kyriakidis, Andrés López-Cortés, Eduardo Vásconez González, Alejandra Barreto Grimaldos and Esteban Ortiz Prado (2021). Review article open SARS-CoV-2 vaccines strategies: a comprehensive review of phase 3 candidates. Vaccines, (2021) 28, 1-3
2. Kellam, P., & Barclay, W. (2020). The dynamics of humoral immune responses following SARS-CoV-2 infection and the potential for reinfection. Journal of General Virology, 101, 8.
3. Eriko Padron-Regalado Vaccines for SARS-CoV-2: Lessons from Other Coronavirus Strains, Infect Dis Ther. 2020 Jun; 9(2): 255-274.
4. Bộ Y tế (2021). Công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021 về việc tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna đủ thời gian mà không có vắc xin Moderna để tiêm mũi 2.
5. Hà Phượng (2021). Báo Mới ngày 9/9/2021. http://vanphongso.medinet.gov.vn/chuyen-muc/bo-y-te-chinh-thuc-cho-tiem-tron-vac-xin-astrazeneca-pfizer-va-moderna-c16554-49519.aspx
6. Phúc Võ (2021), Báo Sức khoẻ và Đời sống ngày 07/9/2021. https://suckhoedoisong.vn/so-y-te-tphcm-giai-thich-viec-tiem-mui-1-moderna-mui-2-pfizer-169210907190839505.htm
PGS. TS. Trần Đình Bình
Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh