TẦM SOÁT UNG THƯ: HIỂU ĐÚNG ĐỂ ỨNG DỤNG

1. Tầm soát ung thư là gì?

Tầm soát ung thư là quá trình thực hiện các xét nghiệm nhằm phát hiện ung thư hoặc các tổn thương tiền ung thư ở những người chưa có triệu chứng.

Lưu ý quan trọng: Khi người bệnh đã có dấu hiệu nghi ngờ ung thư và đến khám, thì các xét nghiệm lúc này không còn gọi là “tầm soát”, mà là “chẩn đoán”.

Mục tiêu của tầm soát là:

  • Phát hiện bệnh sớm, khi ung thư còn ở giai đoạn có khả năng điều trị hiệu quả.

  • Tăng cơ hội khỏi bệnh, giảm thiểu các can thiệp xâm lấn và chi phí điều trị.

 

2. Tại sao cần tầm soát ung thư?

Tầm soát đúng cách giúp:

  • Phát hiện sớm ung thư ở giai đoạn chưa di căn.

  • Giảm tỷ lệ tử vong ở một số loại ung thư (ví dụ: ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng).

  • Tiết kiệm chi phí điều trị so với phát hiện muộn, vốn đòi hỏi can thiệp phức tạp và tốn kém hơn.

Chỉ số then chốt để đánh giá hiệu quả tầm soát là: giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, chứ không đơn thuần là tăng số lượng ca được phát hiện sớm.

 

3. Phát hiện sớm không luôn đồng nghĩa với giảm tử vong

Không phải tất cả các ca phát hiện sớm đều đem lại lợi ích.

Một chương trình tầm soát chỉ được xem là hiệu quả khi:

  • bằng chứng khoa học rõ ràng cho thấy giúp giảm tử vong thực sự.

  • Không gây tác hại do chẩn đoán và điều trị quá mức.

► Ví dụ:

  • Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (như thể nhú nhỏ): dù tỉ lệ phát hiện tăng mạnh nhờ siêu âm, tỷ lệ tử vong không giảm → nhiều ca được phẫu thuật không cần thiết.

  • Ung thư tiền liệt tuyến: tầm soát bằng PSA có thể phát hiện các khối u tiến triển chậm, không nguy hiểm. Điều trị sớm trong các trường hợp này đôi khi gây hại nhiều hơn lợi.

Kết luận: Chỉ nên tầm soát nếu việc phát hiện sớm mang lại lợi ích rõ ràng, đã được kiểm chứng.

 

4. Không phải loại ung thư nào cũng cần tầm soát

Một loại ung thư chỉ được khuyến cáo tầm soát nếu đồng thời thỏa cả 3 tiêu chí sau:

  1. Phổ biến trong cộng đồng.

  2. phương pháp tầm soát hiệu quả, giúp cải thiện tỷ lệ sống.

  3. phương pháp điều trị sớm phù hợp và hiệu quả.

Các loại ung thư được khuyến cáo tầm soát phổ biến:

  • Ung thư vú

  • Ung thư cổ tử cung

  • Ung thư đại trực tràng

  • Ung thư phổi (ở nhóm nguy cơ cao)

  • Ung thư gan (ở người có bệnh gan mạn tính như viêm gan B, C)

 

5. Nguyên tắc cơ bản khi tầm soát

  • Chọn đúng đối tượng: theo độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh, yếu tố nguy cơ.

  • Chọn đúng phương pháp: sử dụng các xét nghiệm đã được kiểm chứng về hiệu quả.

  • Hiểu rõ lợi ích và nguy cơ: kết quả sai lệch (dương tính giả, âm tính giả) có thể gây hoang mang hoặc trì hoãn chẩn đoán.

  • Không lạm dụng: thực hiện tầm soát bừa bãi có thể dẫn đến tác hại nhiều hơn lợi ích.

 

6. Các sai lầm thường gặp

  • Dùng xét nghiệm dấu ấn ung thư (tumor markers) để tầm soát ở người khỏe mạnh: Sai. Độ chính xác thấp, gây hiểu lầm.

  • Nghe theo quảng cáo không có cơ sở khoa học: Sai. Phải dựa trên khuyến cáo chính thống.

  • Cho rằng tầm soát sẽ phát hiện tất cả các loại ung thư: Sai. Không có xét nghiệm nào hoàn hảo 100%.

 

7. Khi nào nên hỏi ý kiến bác sĩ?

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn:

  • nguy cơ cao (tiền sử gia đình ung thư, hút thuốc, viêm gan B/C…).

  • Không rõ loại ung thư nào cần tầm soát, hoặc ở độ tuổi nào nên bắt đầu.

  • Muốn hiểu thêm về lợi ích – rủi ro của các xét nghiệm cụ thể.

return to top