Ung thư có luôn gây đau không ?

Nội dung

Thống kê tại Nhật Bản cho thấy hầu hết bệnh nhân ung thư dạng đặc không bị đau khi chẩn đoán ở giai đoạn 0 hoặc I. Khi ung thư ở giai đoạn xâm lấn tại chỗ, hoặc giai đoạn II-III thì cũng chỉ có 25-30% bệnh nhân nói rằng họ bị đau do ung thư. Khi ung thư ở giai đoạn muộn và giai đoạn cuối, tỉ lệ người bệnh bị đau tăng lên nhưng cũng chỉ tầm 65-80%. Điều này có nghĩa là không phải ai mắc ung thư cũng bị đau. Trong kinh nghiệm của tôi, có khoảng 20% bệnh nhân không hề đau đớn gì mà chỉ dần dần chán ăn, suy yếu lúc cuối đời và ra đi nhẹ nhàng như những chiếc lá sắp về cội.

Ngay cả trong tình huống bị đau, thậm chí đau nhiều thì bệnh nhân cũng không phải quá lo lắng. Hiện nay, y học đã có nhiều phương pháp giảm đau hữu hiệu sử dụng các thuốc kháng viêm – giảm đau thông thường như paracetamol hay các thuốc dòng opioid như tramadol, morphine, fentanyl,…Các bác sĩ cũng có thể tùy theo tình huống dùng thêm các thuốc hỗ trợ khác như thuốc giãn cơ, an thần để kiểm soát cơn đau. Một số kỹ thuật xạ trị, thủ thuật phong bế thần kinh cũng có thể giảm thiểu cơn đau đáng kể khi áp dụng đúng chỉ định. Các liệu pháp không dùng thuốc như massage, châm cứu, kỹ thuật thư giãn, thiền định,…cũng ngày càng phổ biến hơn và được thử nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới.

Song song với những cố gắng điều chỉnh thuốc men và kết hợp nhiều phương pháp của y bác sĩ, bệnh nhân và người thân cũng cần có hiểu biết đúng về giảm đau để hợp tác tốt. Điều này bao gồm lưu ý ghi lại nhật ký cơn đau (vị trí, tính chất, thời điểm, mức độ đau…) và biết cách giao tiếp hiệu quả với nhân viên y tế để có thể thay đổi và chọn ra cách điều trị đau phù hợp cho mình.

Cần chẩn đoán nguyên nhân gây đau để điều trị phù hợp

Cũng xin nói thêm là bệnh nhân ung thư có thể bị đau do nhiều lý do khác nhau và đôi khi là có 2-3 nguyên nhân xảy ra cùng lúc. Đau có thể xảy ra chính bản thân khối u nguyên phát quá lớn gây chèn ép tắc ruột hoặc tắc đường mật bệnh ung thư. Cơn đau cũng có thể xảy ra do khối u di căn tới xương, gây chèn ép tủy sống hoặc thần kinh. Bệnh nhân cũng có thể bị đau do các thủ thuật y tế, các xét nghiệm như khi sinh thiết chẩn đoán, chọc hút/sinh thiết tủy xương. Các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật cắt bỏ và xạ trị cũng có thể gây đau tùy vào vị trí ảnh hưởng. Những thay đổi tâm lý như buồn chán, lo lắng, trầm cảm cũng có thể gây đau hoặc tăng cảm nhận về đau. Vì thế, các bác sĩ sẽ cần hỏi bệnh và thăm khám chi tiết, kết hợp chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, CT, MRI) và đôi khi phải theo dõi qua một thời gian thì mới có thể chẩn đoán và đánh giá chính xác nguyên nhân gây đau để điều trị phù hợp.

 

Nhưng vì sao nhiều bệnh nhân vẫn than đau?

Là một trong những admin của nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư_Y học cộng đồng, tôi nhận được khá nhiều bài viết kể chuyện ung thư bị đau như thế nào cũng như tìm kiếm lời khuyên về cách giảm đau cho người nhà. Về cơ bản, điều này cũng dễ gây cảm nhận sai/bias vì những bệnh nhân bị đau nhiều mới thường lên nhóm than phiền, trong khi người không đau sẽ dành thời gian làm việc khác chứ hiếm ai đăng bài lên khoe “Tôi không hề thấy đau gì cả”.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta cần làm nhiều việc hơn để cải thiện tình hình. Theo một báo cáo từ WHO, chỉ tầm 10% bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được đáp ứng đầy đủ thuốc giảm đau nhóm opioids, phản ánh thực trạng vẫn còn nhiều bệnh nhân ung thư chưa được kiểm soát đau tối ưu. Vì kết quả này xảy ra do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, do nhân viên y tế và cũng do hiểu lầm từ người bệnh, cần những phương thức cải thiện đồng bộ từ việc phổ biến và thực thi các chính sách về chăm sóc giảm nhẹ, đến việc nâng cao nhận thức về quyền được giảm đau hợp lý của bệnh nhân tại cộng đồng.

 

TS. BS Phạm Nguyên Quý (BV Trung ương Kyoto Miniren)

return to top