Viêm nang lông: Phân loại, biểu hiện lâm sàng và biện pháp điều trị hỗ trợ

Tổng quan

Viêm nang lông là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính của các nang lông – cấu trúc bao quanh chân lông – thường do nhiễm khuẩn, nấm, virus hoặc các yếu tố cơ học, hóa học gây kích ứng. Đây là bệnh da liễu phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào có lông, bao gồm da đầu, thân mình, chi và vùng sinh dục. Đa số trường hợp có mức độ nhẹ, tiến triển lành tính và đáp ứng tốt với chăm sóc tại nhà.

 

Phân loại lâm sàng

Viêm nang lông có thể được phân loại theo nguyên nhân và đặc điểm lâm sàng:

  • Viêm nang lông do tụ cầu khuẩn: thường gặp nhất, tổn thương là các sẩn, mụn mủ nhỏ ở nền viêm đỏ.

  • Viêm nang lông do nấm (Malassezia, Candida): hay gặp ở vùng lưng, ngực.

  • Viêm nang lông do pseudomonas (viêm nang lông do tắm bồn nước nóng): thường xảy ra sau khi tiếp xúc với nước nóng không đảm bảo vệ sinh.

  • Viêm nang lông do ánh sáng mặt trời: xuất hiện ở vùng da tiếp xúc trực tiếp ánh nắng sau tắm biển hoặc cạo lông.

  • Viêm nang lông do cơ học: do cọ xát, tì đè, mặc đồ bó sát hoặc do tẩy/cạo lông.

 

Triệu chứng lâm sàng

Tổn thương điển hình là:

  • Các sẩn đỏ, sẩn mụn, mụn mủ nhỏ tập trung quanh lỗ chân lông

  • Ngứa, rát hoặc châm chích tại vùng tổn thương

  • Da có thể khô, bong vảy nhẹ hoặc sần sùi

  • Đôi khi có cảm giác đau căng, nhất là khi tổn thương lan rộng

Các trường hợp nặng có thể hình thành nhọt hoặc tụ mủ sâu, kèm theo triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, mệt mỏi.

 

Biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà

Các trường hợp viêm nang lông nhẹ có thể được cải thiện bằng các biện pháp sau:

1. Vệ sinh vùng da tổn thương

  • Rửa nhẹ vùng da bằng xà phòng sát khuẩn dịu nhẹ và nước ấm ngày 1–2 lần

  • Tránh cọ xát, gãi hoặc nặn tổn thương để hạn chế lan rộng nhiễm trùng

2. Mặc trang phục thông thoáng

  • Tránh quần áo bó sát, cọ xát như legging, quần tập thể dục

  • Ưu tiên quần áo thấm hút mồ hôi, vải cotton, tránh ẩm ướt kéo dài

  • Thay quần áo sau khi đổ mồ hôi hoặc bị ướt

3. Chườm ấm bằng dung dịch nước muối

  • Chuẩn bị dung dịch NaCl 0,9% hoặc pha loãng muối sinh lý tại nhà (1 thìa cà phê muối/500ml nước đun sôi để nguội)

  • Dùng gạc tiệt trùng thấm dung dịch, chườm vùng tổn thương trong 10–15 phút, lặp lại 2–3 lần/ngày

4. Gel nha đam nguyên chất

  • Có tác dụng làm dịu viêm, chống ngứa, hỗ trợ tái tạo biểu bì

  • Thoa lớp mỏng sau khi vệ sinh vùng da

5. Dung dịch sát khuẩn tại chỗ (oxy già 3%)

  • Pha loãng hoặc dùng trực tiếp trên vùng viêm nang lông, tránh lan sang vùng da lành

  • Không nên lạm dụng vì có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có lợi trên da

6. Kem kháng sinh bôi tại chỗ

  • Như mupirocin hoặc bacitracin, có tác dụng với viêm nang lông do tụ cầu khuẩn

  • Chỉ sử dụng trong thời gian ngắn và theo hướng dẫn

7. Kem chứa hydrocortisone 1% (OTC)

  • Giảm ngứa, viêm, sưng đỏ trong trường hợp tổn thương kích ứng nhiều

  • Không sử dụng kéo dài quá 7 ngày nếu không có chỉ định

8. Liệu pháp băng gạc ướt

  • Phù hợp trong trường hợp viêm lan tỏa, ngứa dữ dội

  • Gạc ẩm đắp trực tiếp, sau đó phủ thêm lớp khô, giữ trong vài giờ

9. Tránh cạo hoặc tẩy lông trong giai đoạn viêm

  • Hạn chế các tác động cơ học gây viêm nang lông mới

  • Khi cần cạo lông, sử dụng dao cạo sạch, sắc bén, vệ sinh da trước và sau cạo

10. Tinh dầu kháng khuẩn (tea tree, lavender, eucalyptus)

  • Pha loãng vào dầu nền trước khi sử dụng

  • Không dùng tinh dầu nguyên chất trực tiếp lên da

11. Triệt lông bằng laser

  • Là lựa chọn lâu dài giúp giảm tái phát viêm nang lông do cạo/tẩy lông thường xuyên

  • Cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa da liễu để lựa chọn phương pháp phù hợp với loại da

 

Khi nào cần đến cơ sở y tế?

Người bệnh nên khám chuyên khoa Da liễu nếu:

  • Tổn thương lan rộng, có mủ, tái phát nhiều lần

  • Sốt, nổi hạch, đau lan, biểu hiện nhiễm trùng toàn thân

  • Không đáp ứng với các biện pháp tại nhà sau 5–7 ngày

 

return to top