✴️ Học thuyết kinh lạc (P1)

Nội dung

KHÁI NIỆM.

Cũng như học thuyết âm dương ngũ hành, tạng tượng, học thuyết về doanh vệ khí huyết, tinh, thần, tân, dịch; học thuyết kinh lạc là cơ sở lý luận và là một bộ phận cấu tạo nên hệ thống lý luận của YHCT phương Đông, một học thuyết có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong sinh lý, bệnh lý, trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật. Khi thực hành châm cứu, tuyến quân y đơn vị không thể không nắm vững hệ thống kinh lạc.

Kinh lạc (meridian) là đường liên tục thông suốt của khí huyết, kinh là đường thẳng đi khắp cơ thể, lạc là đường liên lạc giữa các kinh, tạo thành màng lưới thấu suốt trong ngoài, quán triệt trên dưới, liên hệ với các cơ quan tạng phủ với các tổ chức của cơ thể (không đâu mà không tới).

Trong kinh lạc có kinh khí vận hành: khí là cơ sở vật chất, là kết quả của quá trình chuyển hóa các chất đạm, đường, mỡ; khi khí hoá cho ra năng lượng thúc đẩy hoạt động của các tạng phủ; khí quan hệ chặt chẽ với huyết (là cơ sở vật chất) vì vậy chức năng của kinh lạc là vận chuyển khí huyết dinh dưỡng, duy trì hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể sống.

Sự hoạt động của hệ kinh lạc có tính quy luật tùy theo bệnh lý từ trong ra hay từ ngoài vào, đều có biểu hiện bất thường của hệ kinh lạc. Thầy thuốc phải nắm vững quy luật chuyển hóa của kinh lạc để phục vụ cho chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tật.

 

SƠ BỘ CẤU TẠO CỦA HỆ THỐNG KINH LẠC.

Mười hai kinh mạch chính:

12 kinh biệt.                            

12 kinh cân.

12 khu da bì bộ. 

Tám mạch kỳ kinh (kỳ kinh bát mạch).

Mười lăm biệt lạc.

Huyệt: 

Huyệt trên 12 kinh chính, huyệt trên mạch nhâm và mạch đốc, huyệt ngoài kinh và một số huyệt mới (tân huyệt).

Đại trường kinh (LI)

Bàng quang kinh (BL)

 

CÁCH GỌI TÊN CỦA 12 KINH MẠCH CHÍNH.

Ba kinh âm ở tay:

Thủ thái âm phế kinh, gọi tắt là kinh phế.

Thủ thiếu âm tâm kinh, gọi tắt là kinh tâm.

Thủ quyết âm tâm bào lạc kinh, gọi tắt là kinh tâm bào.

Ba kinh dương ở tay:

Thủ dương minh đại trường kinh, gọi tắt là kinh đại trường. - Thủ thái dương tiểu trường kinh, gọi tắt là kinh tiểu trường.

Thủ thiếu dương tam tiêu kinh, gọi tắt là kinh tam tiêu.

Ba kinh âm ở chân:

Túc thái âm tỳ kinh, gọi tắt là kinh tỳ.

Túc thiếu âm thận kinh, gọi tắt là kinh thận.

Túc quyết âm can kinh, gọi tắt là kinh can.

Ba kinh dương ở chân:

Túc dương minh vị kinh, gọi tắt là kinh vị.

Túc thiếu dương đởm kinh, gọi tắt là kinh đởm.

Túc thái dương bàng quang, gọi tắt là kinh bàng quang.

 

SỰ VẬN HÀNH VÀ CHỦ TRỊ CỦA KINH LẠC.

Khái quát chung:

Mười bốn kinh mạch đều có vị trí tuần hành nhất định. Trừ haii kinh nhâm và đốc mạch, còn 12 kinh lạc phân bố đối xứng nhau hai bên chi thể và có sự liên tiếp theo thứ tự nhất định.

Đại cương về sự tuần hành và chủ trị của 12 kinh chính và 2 mạch nhâm, đốc:

Ba kinh âm ở tay:

Bắt đầu từ ngực đi lên trên xuất ra mặt trước trong tay và liên tiếp với 3 kinh dương ở tay. Các chứng bệnh ở vùng ngực có thể lấy huyệt của ba âm kinh ở tay để điều trị.

Thủ thái âm phế kinh:

Thuộc phế, liên lạc với đại trường, đi ra ngoài chỗ xương đòn, thuộc huyệt trung phủ vòng ra mặt ngoài chi trên đi xuống dưới, dừng ở mé ngón tay cái nơi huyệt thiếu thương rồi liên tiếp với kinh thủ dương minh đại trường.

Chủ trị: các chứng bệnh ở vùng phế, ngực, hầu, họng, chứng sốt cao, tự hãn, tiêu khát, có thể chỉ định các huyệt mà kinh đi qua.

Thủ quyết âm tâm bào kinh:

Thuộc tâm bào, liên lạc với tam tiêu, ra ngoài nơi đầu vú (nơi huyệt thiên trì) đi chính giữa mặt trong chi trên và xuống dưới dừng ở đầu ngón tay giữa (nơi huyệt trung xung) và liên tiếp với kinh thủ thiếu dương tam tiêu kinh.

Chủ trị: các bệnh thuộc vùng tâm, vị, ngực, các bệnh thần chí, suy nhược thần kinh, nhược não, hen suyễn, sốt rét và điều trị các chứng bệnh theo vùng kinh đi qua.

Thủ thiếu âm tâm kinh:

Thuộc tâm, liên hệ với tiểu trường, đi ra ngoài nơi hõm nách (huyệt cực tuyền) theo mặt trước ngoài chi trên xuống dưới, dừng ở huyệt thiếu xung, mé ngoài ngón tay áp út, tiếp nối với kinh thủ thái dương tiểu trường.

Chủ trị: các chứng bệnh ở phần tâm và ngực, bệnh thần chí, phát dục chậm, thần kinh suy nhược, trúng phong, thất ngôn và điều trị các chứng bệnh theo vùng mà kinh đi qua.

Ba kinh dương ở tay:

Ba kinh dương ở tay đều bắt đầu từ tay đi lên trên hành ở phía dưới chi trên và liên tiếp với ba kinh dương ở trên. Nói chung khi điều trị các chứng bệnh  ở đầu, trán, mặt, mắt, tai, mũi, hầu, họng và sốt cao đều lấy huyệt ở ba kinh dương tay.

Thủ dương minh đại trường kinh:

Thuộc đại trường, liên lạc với phế, bắt đầu từ ngón tay trỏ (nơi huyệt thương dương) men theo phía sau ngoài của chi trên, lên bả vai, cổ và phần xương hàm bắt chéo ở huyệt nhân trung, dừng ở cánh mũi bên đối diện (nơi huyệt nghinh hương) và liên tiếp với kinh dương minh vị ở huyệt thừa khấp.

Chủ trị: các chứng bệnh vùng trước đầu, mặt, răng, mắt, tai, mũi, hầu, họng, các bệnh vùng ngực, bệnh phát sốt, phong chẩn, cao huyết áp và điều trị các chứng bệnh nơi mà đường kinh đi qua.

Thủ thiếu dương tam tiêu kinh:

Thuộc tam tiêu liên lạc với tâm bào. Bên ngoài kinh bắt đầu từ ngón tay vô danh nơi huyệt quan xung đi lên trên chính giữa phần dưới mặt sau chi trên đến vai, phía ngoài cổ vào tai, qua thái dương và dừng ở đuôi mắt nơi huyệt ty trúc không, tiếp nối với kinh túc thiếu dương đởm nơi huyệt đồng tử liêu.

Chủ trị: các bệnh vùng đầu, tai, mắt, hầu, các chứng bệnh ngực sườn, sốt cao, phong chẩn, tiện bế và điều trị các chứng bệnh ở vùng kinh đi qua.

Thủ thái dương tiểu trường kinh:

Kinh thuộc tiểu trường, liên lạc với tâm bên ngoài kinh bắt đầu từ ngón tay út nơi huyệt thiếu trạch, đi lên theo mặt duỗi thành trụ lên trên vai, cổ đến hàm, dừng ở trước tai, nơi huyệt thính cung và liên tiếp với kinh túc thái dương bàng quang.

Chủ trị: các chứng bệnh vùng bả vai, cổ, đầu, mắt, tai, hầu, họng, bệnh thần chí, phát sốt, đau lưng và điều trị các chứng bệnh theo vùng mà kinh đi qua.

Ba kinh âm ở chân: đều bắt đầu từ chân đi lên trên theo mặt trong chi dưới, lên bụng, ngực, nói tiếp với 3 kinh âm ở tay. Nói chung các chứng bệnh ở vùng tiết niệu, sinh dục và phần bụng có thể lấy huyệt ở 3 kinh âm ở chân để điều trị.

Túc thái âm tỳ kinh: Thuộc tỳ, liên lạc với vị. Bên ngoài kinh bắt đầu từ ngón chân cái, nơi huyệt ẩn bạch theo mặt trong chân đến mé trong sau xương đùi lên tiểu khung vào tủy cùng và tủy sống rồi lên trước ngoài ngực và bụng, dừng lại ở dưới nách nơi huyệt đại bao (gian sườn 6 trên đường giữa nách) liên tiếp với thủ thiếu âm tâm kinh.

Chủ trị: bệnh vị trường, bệnh tiết niệu, sinh dục và các vị trí bị bệnh mà kinh đi qua, ngoài ra kinh còn có tác dụng điều trị chảy máu, thiếu máu, mất ngủ, phù…

Túc quyết am can kinh: Thuộc can liên hệ với đởm, tuần hành ở mặt ngoài cơ thể bắt đầu từ mé ngoài ngón cái (huyệt đại đôn) theo mặt trong chân vào thành trong tiểu khung và thành bụng, dừng lại ở gian sườn sáu dưới vú, nơi huyệt kỳ môn, liên tiếp với kinh thủ thái âm phế.

Chủ trị: các chứng bệnh thuộc can đởm bao gồm; bệnh cao huyết áp, đau đầu, mất ngủ, hay mê, các bệnh thuộc hệ thống sinh dục, tiết niệu và các chứng bệnh ở nơi mà kinh đi qua.

Túc thiếu âm thận kinh: Thuộc thận, liên hệ với bàng quang, bên ngoài kinh bắt đầu từ giữa lòng bàn chân nơi huyệt dũng tuyền, theo mé sau trong cổ chân lên thành trong đùi vào bụng, ngực, hai bên của đường trắng giữa dừng lại ở giữa dưới xương đòn (huyệt du phủ) liên tiếp với kinh thủ quyết âm tâm bào.

Chủ trị: các bệnh thuộc hệ thống nội tiết và hệ thống sinh dục, tiết niệu, thần kinh suy nhược, bệnh ở hầu, ngực, vùng lưng và điều trị các chứng bệnh theo vùng mà kinh đi qua.

Ba kinh dương ở chân: đều xuất phát từ vùng đầu xuống ngực bụng và đi xuống mặt trước ngoài chân liên tiếp với 3 kinh âm ở chân. Nói chung các chứng bệnh ở đầu, mặt, phát sốt và bệnh thần chí đều dùng các huyệt ở 3 kinh dương ở chân để điều trị.

Túc dương minh vị kinh: Kinh thuộc vị, liên lạc với tỳ, bên ngoài từ dưới mi mắt, nơi huyệt thừa khấp theo gò má đến quanh môi, miệng, vào xương hàm dưới tới góc hàm phân thành hai nhánh, một nhánh lên trước tai tới góc trán nơi huyệt đầu duy, nhánh khác ra phía ngoài xương hàm đi xuống dưới hố thượng đòn xuống trước ngực, bụng và trước chi dưới, dừng lại ở mé ngoài ngón chân thứ hai nơi huyệt lệ đoài.

Chủ trị: các chứng bệnh thuộc vùng hầu, họng, răng, miệng, mặt, đầu, bệnh ở vị trường, thần chí, cao huyết áp, thiếu máu, chứng bạch cầu giảm và điều trị bệnh ở các cơ quan mà kinh đi qua.

Túc thiếu dương đởm kinh: Thuộc đởm, liên lạc với can, bên ngoài bắt đầu từ ngoài đuôi mắt (nơi huyệt đồng tử liêu) quanh phía trước tai vòng lên thái dương, sau đó tới thành ngoài ngực, bụng, mạn sườn và hạ chi, dừng lại ở mé ngoài đầu ngón chân thứ tư, nơi huyệt túc khiếu âm tiếp nối với kinh quyết âm can.

Chủ trị: các chứng bệnh vùng đầu, mắt, tai, ngực, sườn, bệnh thuộc can đởm, bệnh thần chí, sốt cao, các chứng tiện bế, phù thiếu B1 (cước khí) ngoài ra kinh còn có tác dụng điều trị bệnh tật theo vùng mà kinh đi qua.  - Túc thái dương bàng quang kinh: Kinh thuộc bàng quang, liên lạc với thận, bên ngoài bắt đầu từ khoé mắt trong nơi huyệt tình minh đi lên đỉnh đầu và vùng chẩm, xuống phía sau cổ, đi 2 bên cột sống xuống mặt sau chi dưới và phía sau ngoài cổ chân theo mé ngoài, dừng lại ở ngón út bàn chân nơi huyệt chí âm rồi liên tiếp với kinh túc thiếu âm thận.

Chủ trị: các chứng bệnh vùng thắt lưng, cột sống lưng, vùng sau cổ, chẩm, mắt… ngoài ra còn điều trị các chứng bệnh theo vùng mà kinh lạc đi qua.

Tóm lại:     

Thủ tam âm liên tiếp thủ tam dương.

Thủ tam dương liên tiếp túc tam dương.

Túc tam dương liên tiếp túc tam âm.

Túc tam âm liên tiếp với thủ tam âm.

Nhâm mạch:

Nhâm mạch bắt đầu từ giữa tầng sinh môn (giữa hậu môn và cơ quan sinh dục - nơi huyệt hội âm) đi lên phía trước giữa bụng, dừng lại ở giữa rãnh môi hàm dưới nơi huyệt thừa tương, tương giao với kinh đốc mạch. Nhâm mạch có tác dụng tổng quản các kinh âm của cơ thể là: “âm kinh chi hải”  * Chủ trị: bệnh hệ thống sinh dục, tiết niệu, các chứng bệnh vị trường, phế hầu, họng, bệnh về thần chí, thân thể hư nhược, ngoài ra còn điều trị bệnh ở các cơ quan thuộc kinh lạc chi phối.

Đốc mạch:

Đốc mạch bắt đầu từ xương cùng nơi huyệt trường cường, đi lên chính giữa lưng, qua gáy tới trước đầu mũi và dừng lại ở huyệt nhân trung, liên kết với kinh nhâm mạch. đốc mạch có tác dụng tổng đốc các kinh dương của toàn thân “đốc mạch vi dương kinh chi hải”.

Chủ trị: các bệnh vùng đầu, mặt, hầu, họng, bệnh thuộc tâm, phế, vị trường, bệnh sinh dục, tiết niệu, sốt cao, bệnh thần chí “não phát dục bất toàn”, giảm bạch cầu, toàn thân hư nhược, suy nhược thần kinh, ngoài ra còn điều trị các chứng bệnh ở vùng mà kinh đi qua.

Quy luật phân bố 12 kinh ở ngoài cơ thể:

Phần đầu mặt: 

Ba kinh dương tay, chân, đều phân bố ở đầu, mặt. Người xưa cho rằng ”Thủ vi giả dương chi hội”. Thủ túc dương minh kinh ở mặt trước và ở trước đầu. Thủ túc thiếu dương kinh ở mặt bên thủ thái dương kinh phân bố mặt bên thái dương, túc thái dương kinh phân bố ở sau đầu, trước trán và đỉnh chẩm.

Phần thân người:

Ba kinh âm ở tay, chân đều phân bố ở mặt trước, ba kinh âm chân phân bố ở ngực, bụng; ba kinh âm tay phân bố ở ngực. Trong ba kinh dương chân, kinh túc dương minh phân bố ở ngực bụng, túc thiếu dương kinh phân bố ở mặt bên thân người, kinh túc thái dương phân bố ở mặt lưng.

Chi trên: ba kinh âm phân bố ở mặt gấp, kinh thái âm ở trước, kinh thiếu âm ở sau, kinh quyết âm ở giữa. Ba kinh dương ở tay phân bố mặt duỗi, kinh dương minh ở trước, kinh thái dương ở sau, kinh thiếu dương ở giữa. 

Chi dưới: ba kinh âm phân bố ở mặt trong, thứ tự phân bố giống như chi trên, chỉ là giao hoán vị trí của huyết âm và thái âm, túc dương minh phân bố ở trước, kinh túc thiếu dương phân bố ở ngoài, kinh túc thái dương phân bố ở sau. Lưu ý vị trí các kinh không mô tả theo giải phẫu mà mô tả theo hình người ở tư thế đứng hai tay giơ cao, lòng bàn tay theo hướng trước trong.

Cần phải nắm vững qui luật phân bố của kinh lạc vì nó có ý nghĩa trong việc chẩn đoán và bệnh tật.

Qui luật biểu lý của 12 kinh :

Mười hai kinh mạch phân bố ở tạng phủ, kinh âm thuộc tạng (liên lạc với phủ) là lý, kinh dương thuộc phủ (liên lạc với tạng) là biểu. Do mối liên hệ của kinh lạc tuần hành bên trong cơ thể mà tạo nên quan hệ biểu lý, âm dương của kinh lạc và tạng phủ. Hai kinh biểu và lý liên tiếp thông nhau qua lạc mạch tương hỗ, vì vậy về phương diện sinh lý và bệnh lý của hai kinh biểu lý đều là mối quan hệ tương hỗ và ảnh hưởng tương hỗ. Nắm vững qui luật này, trong điều trị thường vận dụng cách lấy huyệt trên các kinh có liên quan biểu lý để phối hợp nhằm làm tăng hiệu quả điều trị.

 

HUYỆT LÀ VỊ TRÍ CHUYỂN HÓA CỦA KHÍ (VITAL ENERGY) THƯỜNG Ở PHẦN DA CỦA CƠ THỂ.

Tác dụng sinh lý của huyệt là chuyển hóa năng lượng (khí) cũng là nơi xâm nhập của tà khí, vì vậy huyệt có tác dụng chẩn đoán, dự phòng và điều trị bệnh tật.  

Các loại huyệt:

Học thuyết kinh lạc chia 3 loại huyệt:

Kinh huyệt: các huyệt nằm trên 12 kinh chính và mạch nhâm, mạch đốc. Kinh huyệt còn chia ra: huyệt nguyên, huyệt lạc, huyệt du, huyệt mộ, huyệt ngũ du (tỉnh, huỳnh, du, kinh, nguyên, hợp), huyệt Khích, 8 huyệt hội, huyệt giao hội…

Huyệt ngoài kinh, gọi là kinh ngoại kỳ huyệt: là huyệt không nằm trên đường kinh chính (14 đường kinh) và cũng có thể nằm trên đường đi của kinh nhưng không phải huyệt của kinh đó. Một số nhà châm cứu hậu sinh đã phát hiện khoảng 200 huyệt ngoài kinh mặc dù theo tổ chức y tế thế giới (Malina, 1991) xác định có 48 huyệt ngoài kinh.

Huyệt ở chỗ đau, gọi là a thị huyệt. Số lượng huyệt là tùy theo nhiều hay ít chỗ đau.

Qui luật chủ trị của huyệt ở 14 kinh:

 “ Kinh lạc sở quá chủ trị sở tại” tức là kinh lạc tuần hành qua đâu thì có tác dụng điều trị bệnh ở nơi đó. Nói chung các huyệt vùng mặt phần lớn có tác dụng điều trị cục bộ, nhưng cũng có một số huyệt có tác dụng điều trị bệnh toàn thân: bách hội, nhân trung, tố liêu, phong phủ. 

Các huyệt hợp ở vùng thân người:  không những có tác dụng điều trị tại chỗ mà còn có tác dụng điều trị các tạng phủ trong cơ thể. Ví dụ: huyệt vị vùng bụng, ngực đều có tác dụng điều trị bệnh tại chỗ, bệnh nội tạng cấp tính. Huyệt phần lưng điều trị bệnh tại chỗ, bệnh nội tạng, bệnh mãn tính như huyệt đản trung, quan nguyên, khí hải, đại chùy, mệnh môn, thận du đều có thể điều trị bệnh toàn thân.

Ba kinh dương tay,chân: huyệt ở tay hoặc ở chân lên đều có tác dụng điều trị bệnh ở đầu, mặt, ngũ quan, phát sốt, bệnh thần chí. Huyệt ở trên và thành trước tiểu khung đều  điều trị bệnh ở tạng phủ bao gồm ngực, bụng, lưng, thắt lưng. Còn ba kinh dương tay đa số điều trị các chứng bệnh đầu, mặt, cổ, lưng, vai. 

Ba kinh âm tay,chân: phân bố ở tay và chân, điều trị bệnh ở phế ngực, hầu, họng và bệnh thần chí; riêng phần huyệt ba kinh âm ở chân có thể điều trị bệnh hệ thống sinh dục, tiết niệu và bệnh can, tỳ, thận. Huyệt ba kinh âm ở tay chủ trị thuộc bệnh tâm phế, tâm bào là chính. Huyệt ba kinh âm ở chân trị bệnh can, tỳ, thận là chủ, còn lại phần lớn điều trị cục bộ.

Ngoài việc điều trị bệnh cho tạng hoặc phủ mà kinh chi phối, kinh lạc còn điều trị các chứng và bệnh ở các tạng phủ có liên quan biểu lý với nó.

 

SINH LÝ VÀ BỆNH LÝ CỦA KINH LẠC.

Tác dụng sinh lý của kinh lạc là: hành khí huyết, dưỡng (doanh) âm dương, nhu cân cốt và lợi khớp xương (lợi quan tiết). Kinh lạc liên hệ khắp toàn thân, từ trong tạng phủ đến các cơ khớp và chi thể, thấu suốt trong ngoài để vận hành khí tiết, duy trì mọi chức năng sinh lý bình thường của các tổ chức, cơ quan trong cơ thể. Mọi cơ quan, tổ chức của ngũ quan, của khiếu, da, cơ, cân cốt, tứ chi, lục phủ, ngũ tạng của cơ thể đều phải dựa vào sự nhu dưỡng của khí huyết và sự liên hệ của kinh lạc. Luôn phát huy chức năng sẵn có và hiệp đồng tương hỗ, kinh lạc tạo thành một thể hữu cơ hoàn chỉnh.

Khi bệnh lý: kinh lạc có liên quan chặt chẽ tới phát sinh và phát triển (chuyển biến) của bệnh tật.

Nếu như tà khí xâm phạm vào cơ thể mà tác dụng bảo vệ của kinh lạc (kinh khí bên ngoài thất thường thì thông qua kinh lạc bệnh tà chuyển vào tạng phủ. Ví dụ: phong tà xâm phạm cơ biểu rồi chuyển vào trong cơ thể xuất hiện triệu chứng của phế, khái thấu; khạc đàm, ngực tức, ngực đau; do phế và đại trường tương quan biểu lý nên có khi còn xuất hiện triệu chứng của đại trường; đau bụng, ỉa lỏng hoặc tiện bế.

Ngược lại, khi có bệnh ở tạng phủ cũng thông qua kinh lạc có liên quan sẽ phản ảnh qua các vùng da, cơ tương ứng. Ví dụ: bệnh ở can thường xuất hiện đau sườn, bệnh ở thận thường đau lưng, bệnh ở phế thường đau vai lưng (kiên bối) vùng liên bả. Nhưng nói chung chỉ là tương đối, quan trọng là xem  bệnh tà (tính chất mạnh yếu) so với sự thịnh suy của chính khí, của cơ thể để quyết định điều trị được tốt.

 

ỨNG DỤNG HỌC THUYẾT KINH LẠC  TRÊN LÂM SÀNG.

Ứng dụng trong chẩn đoán (Kinh lạc chẩn) :

Dựa trên đường đi của kinh lạc người ta có thể đoán biết được vị trí khi tạng phủ bị bệnh hoặc khi kinh khí tụ lại, thường xuất hiện các phản ứng cảm giác đau khi ấn hoặc co cứng ở dưới tay khi sờ nắn, vì vậy có thể hỗ trợ thêm cho chẩn đoán bệnh ở tạng phủ và ở kinh lạc.

Ví dụ: phế có bệnh có điểm đau ở phế du hoặc trung phủ. Vị có bệnh thì tỳ du hoặc vị du ấn đau, khi viêm ruột thừa thấy đau khi ấn huyệt lan vĩ, khi viêm túi mật ấn huyệt điểm túi mật thấy đau.

Căn cứ vào sự phân bố của kinh lạc có thể chẩn đoán bệnh trên đường kinh. Ví dụ: kinh đởm phân bố ở ngoài cơ thể, khi kinh đởm hoặc đởm bị bệnh thì thường bệnh nhân có triệu chứng đau sườn, miệng khô, mắt hoa, tai điếc. Người xưa còn dựa vào sự phân bố của 14 đường kinh để chẩn đoán bệnh: Ví dụ đau đầu trước trán liên quan đến kinh dương minh, đau thành bên liên quan đến kinh thiếu dương, đau vùng chẩm gáy liên quan đến kinh dương minh, thái dương, đau vùng đỉnh đầu liên quan đến kinh túc quyết âm can hoặc kinh đốc mạch.

Ứng dụng kinh lạc để lựa chọn tác dụng của thuốc.

Một số thuốc đối với tạng phủ kinh lạc có tác dụng chọn lọc (tác  dụng ưu tiên). Vì thế việc nghiên cứu lý luận qui kinh của dược vật sẽ có tác dụng chỉ đạo nhất định trong việc dùng thuốc trên lâm sàng. 

Ví dụ: cùng là thuốc trị đau đầu, nhưng cảo bản vào kinh thái dương trị đau đầu do bệnh của kinh thái dương. Bạch chỉ vào kinh dương minh trị bệnh đau đầu do bệnh của kinh dương minh, tử hồ vào kinh thiếu dương trị đau đầu do bệnh của kinh thiếu dương. 

Ngoài ra một số thuốc không những chỉ ưu tiên để vào kinh nào đó mà nó còn có tác dụng hướng dẫn các thuốc khác đi vào các kinh khác nhau. Ví dụ: khương hoạt là thuốc dẫn vào kinh thái dương bàng quang…

Ứng dụng kinh lạc trong điều trị:

Trong những năm gần đây dựa trên cơ sở kết hợp giữa Y học hiện đại với Y học cổ truyền, lý luận châm cứu và kinh lạc được phát triển hoàn thiện hơn, vì vậy việc ứng dụng các thủ thuật, thủ pháp tác động trên huyệt ngày càng phong phú và đa dạng: thủy châm, điện châm, chôn chỉ, châm lase, châm sóng ngắn, gài viên từ sẽ lần lượt được giới thiệu các phương pháp này trong thực hành điều trị.

Một số tư liệu nghiên cứu hiện đại liên quan đến kinh lạc huyệt vị.

Những nghiên cứu thực chất về hệ kinh lạc.

Khi châm đắc khí có thông điện thấy tê chướng nặng thường thường lan theo đường kinh gọi là hiện tượng kinh lạc vận hành, vậy cơ sở vật chất của kinh lạc là gì? Thực chất kinh lạc là thế nào ? Hiện nay còn chưa được giải thích rõ ràng nhưng sơ bộ có 3 hướng giải thích về kinh lạc.

Hướng thứ nhất: người ta cho rằng thực chất của hệ kinh lạc là hệ thần kinh, những ý kiến về mặt này đều thông qua nghiên cứu về giải phẫu học của huyệt vị thấy rõ phân bố của huyệt ở tứ chi rất gần với đường đi của thần kinh nên khi kích thích kim châm vào huyệt làm biến đổi chức năng của các cơ quan thuộc thần kinh chi phối nhưng nói chung chưa được rõ ràng.

Từ kích thích tiếp nhận truyền vào và truyền ra đều có sự tham gia của thần kinh (bao gồm dây thần kinh và mặt đoạn thần kinh thành huyết quản) quá trình này có liên quan mật thiết với thần kinh trung ương.

Thực nghiệm đã chứng minh: hiện tượng kinh lạc có thể bị cắt đứt (dập tắt) hoặc hiện tượng tê biến mất hoặc giảm yếu khi dẫn truyền thần kinh bị cản trở. Ví dụ: châm huyệt túc tam lý của thỏ có thể dẫn đến tăng nhu động của ruột non, nhưng nếu cắt đứt thần kinh hông to và thần kinh đùi thì phản ứng tăng nhu động ruột của ruột non không có nữa, điều này chứng tỏ kích thích truyền vào và dây thần kinh có quan hệ khăng khít. Hoặc giả sau khi phá hủy hoàn toàn tủy sống cũng lại cho châm huyệt túc tam lý phản ứng trên ở ruột non cũng không có, rõ ràng phản ứng này còn có vai trò tham gia của tủy sống. Khi gây tê thắt lưng rồi châm túc tam lý không thấy có cảm giác tê tức, sau khi lưng hết tê cảm giác tê tức lại hồi phục, sau khi phóng bế thần kinh giao cảm, rồi châm các huyệt vùng mặt không thấy cảm ứng kích thích. Sau khi gây mê vỏ đại não, châm huyệt đại chùy thấy hiệu ứng hạ sốt rõ ràng, nếu như lại phong bế thần kinh giao cảm và phó giao cảm thấy hiệu ứng hạ sốt không xuất hiện lại.

Những năm gần đây khi nghiên cứu châm tê, các tác giả quan sát huyệt hợp cốc có thể làm cho mức đau của toàn cơ thể nâng cao, sau khi dùng novocain phóng bế cả lớp nông và lớp sâu của huyệt hoặc chỉ phóng bế tổ chức ở lớp sâu thì mức đau không chỉ tăng cao trở lại huyệt hợp cốc (phần tổ chức sâu) của vùng huyệt do dây thần kinh trụ chi phối, nếu như kích thích điện riêng huyệt hợp cốc có thể ghi được sự biến đổi thông điện ở phía trên khớp khuỷu vì kích thích điện truyền theo vùng da thuộc thần kinh trụ chi phối, cùng thấy sự biến đổi điện độ tương tự khi châm kích thích tam âm giao, túc tam lý ở chân sau của mèo.

Tóm lại: căn cứ vào kết quả quan sát trên động vật  thực nghiệm và lâm sàng cho phép người ta suy đoán thực chất của kinh lạc là thần kinh.

Hướng thứ hai: các tác giả cho rằng thực chất của kinh lạc là công năng điều tiết tổng hợp từ thần kinh đến thể dịch. Kinh lạc được lưu thông, ngoài nhờ đường thần kinh ra còn có sự điều tiết dịch thể nội tại, có khi ngừng kích thích điện lâu nhưng hiệu ứng điện thế vẫn duy trì trong một thời gian dài. Thực nghiệm cũng chứng minh khi viêm ruột thừa cấp, châm có thể làm cho hàm lượng kích tố bì chất trong huyết dịch tăng cao. Châm còn có thể kích thích thùy trước tuyến yên tiết kích thích tố noãn bào và sinh thành tố thể vàng, ảnh hưởng đến bài noãn.

Hướng thứ ba: nhóm này cho rằng thực chất của kinh lạc có thể là hiện tượng điện sinh vật. Các tác giả thông qua nghiên cứu thông điện và điện trở đã phát hiện nhiều điểm dẫn điện, điểm dẫn điện và huyệt vị của kinh lạc rất gần nhau.

Kết quả nghiên cứu của cả ba hướng đều đã chứng minh khách quan sự tồn tại của hệ kinh lạc, tuy nhiên kết quả nghiên cứu của các tác giả vẫn chưa được thống nhất.

Nghiên cứu về hệ kinh lạc có nhiều tài liệu rất phong phú và các tác giả đều thống nhất: kinh lạc có cơ sở vật chất. Kinh lạc và hệ thống thần kinh có liên quan tương đối mật thiết, kinh lạc thông qua hệ thống nội tiết điều tiết công năng hoạt động của toàn cơ thể, đó là vai trò của hệ thần kinh và thần kinh thể dịch. Châm các huyệt có tác dụng tới hoạt động của hệ thống nội tiết, hệ thống huyết quản. Quy luật hoạt động của hệ thống thần kinh cho tới nay còn nhiều điều chưa rõ, do vậy dựa theo lý luận về thần kinh không thể giải thích hoàn toàn hoạt động của hệ kinh lạc.

Học thuyết kinh lạc một trong những lý luận cơ bản của Y học cổ truyền, nó có ý nghĩa chỉ đạo các khoa châm cứu lâm sàng. Ngày nay trên thực tế đã khẳng định hiệu quả của phương pháp châm cứu chữa bệnh. Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh tác dụng giảm đau, chống viêm và điều hòa cơ thể của phương pháp châm cứu chữa bệnh cho nên châm cứu ngày càng được khẳng định là có tác dụng điều trị tốt được nhiều chứng và bệnh thường gặp trên lâm sàng.

Có nhiều thuyết giải thích về hiệu quả của châm cứu: những thuyết về thần kinh (Neurological theories), những thuyết về thần kinh thể dịch (thuyết dẫn truyền thần kinh) - Humoral theories - Neurotransmitter theories. Đáng chú ý thuyết giải phóng endorphin của Bruce Pomeranz, 1976, tại Đại học Toronto (Canada), thuyết này cho rằng: dưới tác dụng của châm điện, châm tê kích thích tuyến yên sản xuất ra endorphin là một proteine có nhiều axit amin ghép lại do tuyến yên tiết ra để có thể tự bảo vệ để chống lại sự đau đớn. Chất này có tác dụng ức chế các nơrol nhận tín hiệu đau (Guillemin đã tách ra được 3 loại endorphin là 3 lọai proteine: α endorphin có 16 a.m, β endorphin 31 a.m, γ endorphin có 17 a.m trong đó β endorphin có tác dụng chấn đau mạnh nhất).

Thí nghiệm được tiến hành thứ tự: tiêm lượng nhỏ βE cho chuột không có cảm giác đau, tiêm liều cao gây trạng thái hưng phấn khẩn trương (Catatonique) kéo dài trong 3 giờ (sau khi bị co giật trong vài giây chuột cứng đờ như gỗ).

Dùng chất naxolon tiêm cho chuột có trạng thái (catatonique) chuột trở về trạng thái bình thường nhanh. Theo Guillemin thì ba chất endorphin là ba khúc của β lypôtroopin (một protein lớn); chất β lypoptropin này bình thường không có tác dụng chấn đau nhưng khi bị kích thích bởi các men thích hợp β lypôtroopin  phân cắt thành các chất endorphin có hoạt tính chấn đau. β lypôtroopin là chất dự trữ  sẵn ở não người, có thể huy động nó khi cần.

Pomeranz cho rằng: khi kim châm kích thích thần kinh, xung động truyền đến tuyến yên, kích thích tuyến yên sản xuất (giải phóng) chất endorphin, chất này có tác dụng ức chế tế bào não dạng đáp ứng lại kích thích đau.

Pomenranz đã thí nghiệm: ghi lại hoạt động điện của các tế bào thần kinh đáp ứng đau. Sau đó châm huyệt gây tê để ức chế và dập tắt hoạt động điện não của nơrol kia. Pomenranz cắt bỏ tuyến yên con vật và làm thí nghiệm châm thấy không còn tác dụng với các loại tế bào tiếp nhận đau đớn. Mặt khác tiêm naxolon cũng làm mất hiệu lực chấn đau của endorphin.

Bác sỹ Pavid JMayer (Đức) cũng làm xét nghiệm tương tự: khi kích thích tủy răng gây đau, trái lại khi làm ám thị thôi miên để loại trừ đau đớn thấy hiệu lực chấm đau không hề bị naxolon thủ tiêu giảm thấp. Cuối cùng Pomeranz đã chứng minh chặt chẽ cơ chế chấn đau của endorphin trong máu trước, trong và sau khi châm tê.

Nghiên cứu giải phẫu học liên quan đến huyệt vị:

Chủ yếu là liên quan huyệt vị với thần kinh và mạch máu.

Từ quan sát trên giải phẫu đến các huyệt châm của 12 kinh mạch, số nửa phân bố gần thần kinh lớn và trên thần kinh, ngoài ra nằm gần thần kinh hoặc thông qua thần kinh. Dưới kính hiển vi thấy trong vùng huyệt các mạt đoạn thần kinh rất phong phú ngoài ra còn có các thụ cảm thể thần kinh và các kết cấu khác của huyệt.

Phân bố huyệt có liên quan mật thiết với thần kinh ở da và tổ chức dưới da, không ít huyệt nằm trên thần kinh bì hoặc chỗ phân nhánh giao nhau của thần kinh. Do đó châm có quan hệ với bì thần kinh và kinh lạc tuần hành ở tứ chi. Phế kinh hướng đi theo thần kinh giữa, kinh bàng quang hướng theo thần kinh hông to, trên cơ bản là thống nhất. Huyệt lạc (lạc mạch) nơi tiếp giữa hai đường kinh đều có sự tiếp nối giữa hai nhánh của thần kinh.Ví dụ: giữa kinh phế và kinh đại trường huyệt lạc là liệt khuyết nơi tiếp nối giữa thần kinh quay và thần kinh cơ bì cẳng tay. Huyệt công tôn tiếp nối giữa kinh vị và kinh tỳ (huyệt lạc) liên quan thần kinh hiển và thần kinh mác trước.

Phân bố huyệt vị cũng liên quan với các mạch máu rất mật thiết. Một số ít huyệt nằm ngay trên các mạch máu, khoảng 50% huyệt nằm cạnh các huyết quản. Qua động vật thực nghiệm người ta thấy rằng: xung động thần kinh do kích thích huyệt được truyền tới trung khu thông qua thần kinh ở thành các huyết quản.

 

XEM TIẾP

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top