✴️Ung thư đại trực tràng: Yếu tố nguy cơ và hướng tầm soát

Ung thư đại trực tràng (ung thư đường tiêu hóa dưới) là bệnh ung thư thường gặp liên quan đến đường tiêu hóa, có số lượng ca mắc và tử vong cao tại Việt Nam. Bệnh có thể xảy ra tại mọi độ tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hãy tham khảo bài viết sau đề nắm được đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cũng như vai trò của tầm soát và các phương pháp thực hiện.

 

1. Bệnh lý ung thư đại trực tràng

Bệnh lý ung thư này thường có nguồn gốc từ đại tràng – phần chính của ruột già. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể bắt nguồn từ trực tràng – phần nối giữa đại tràng và hậu môn. Hầu hết trường hợp ung thư đều khởi phát từ sự tăng sinh của niêm mạc đường tiêu hóa dưới, còn được gọi là polyp.

Từng loại polyp có khả năng ác tính hóa khác nhau. Một số dạng có thể phát triển thành ung thư sau nhiều năm. Hai loại polyp chính tại cơ quan này gồm:

– Polyp tuyến, còn gọi là u tuyến: Có khả năng tiến triển thành ung thư. Loại polyp này còn được gọi là tình trạng tiền ung thư.

– Polyp tăng sản và polyp viêm phổ biến hơn nhưng thường không tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Một dạng tiền ung thư khác là chứng loạn sản. Khi đó, bản thân polyp hoặc lớp niêm mạc ruột có các tế bào bất thường nhưng không giống tế bào ung thư.

Đại tràng và trực tràng được cấu tạo từ nhiều lớp. Ung thư khởi phát từ lớp niêm mạc nằm ở trong cùng và có thể xâm lấn đến một vài hoặc tất cả các lớp khác. Tế bào ung thư tại thành ống tiêu hóa dưới có thể đi vào trong các mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Từ đó, chúng có thể di căn đến các hạch bạch huyết lân cận, thậm chí di căn xa đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư đại trực tràng

Giai đoạn phát triển của ung thư phụ thuộc vào mức độ xâm lấn theo chiều sâu vào thành ống tiêu hóa và mức độ lan truyền ngoài cơ quan này.

 

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Khả năng mắc phải bệnh ung thư đường tiêu hóa dưới tăng lên ở những đối tượng có các yếu tố nguy cơ như sau:  

– Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ phát triển và tử vong của bệnh. Nguy cơ ung thư ở nam giới thừa cân sẽ cao hơn so với nữ giới.

– Thiếu hoạt động thể chất làm tăng khả năng mắc bệnh. Mỗi người nên vận động nhiều hơn để giảm thiểu nguy cơ này.

– Sử dụng nhiều các loại thực phẩm: thịt đỏ (như thịt lợn, bò, cừu hoặc gan); thịt chế biến sẵn; đồ chiên, nướng, quay;…

– Hút thuốc lá trong thời gian dài có liên quan đến nhiều bệnh lý ung thư, trong đó có ung thư tiêu hóa.

– Lạm dụng đồ uống có cồn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu uống rượu bia không quá 2 ly/ngày với nam giới và 1 ly/ngày với nữ giới có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

– Cao tuổi: Nguy cơ mắc bệnh tăng rõ rệt ở những người trên 50 tuổi.

– Tiền sử gia đình mắc polyp tuyến hoặc ung thư đường tiêu hóa dưới: Có đến 1/5 người bệnh có thành viên trong gia đình cũng mắc căn bệnh này.

– Người có tiền sử bệnh viêm ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.

– Hội chứng di truyền: Khiếm khuyết gen gây ra các hội chứng ung thư gia đình có thể được thừa hưởng qua di truyền. Khoảng 5% – 10% số người bệnh ung thư đường tiêu hóa dưới có đột biến gen này. Các hội chứng di truyền có thể kể đến là polyp tuyến gia đình, hội chứng Lynch và một số hội chứng hiếm gặp khác.

 

3. Triệu chứng điển hình của ung thư đại trực tràng

Bệnh lý ung thư này không biểu hiện thành các triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:

– Các rối loạn về đại tiện:Thay đổi thói quen và tần suất đi ngoài, tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày.

– Đi ngoài ra máu, phân có lẫn máu hoặc sẫm màu do tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa.

– Đau quặn bụng.

– Mệt mỏi, suy nhược.

– Sụt cân nhanh bất thường, không chủ ý.

– Số lượng hồng cầu thấp (khi xét nghiệm máu): Tình trạng mất máu do xuất huyết đường tiêu hóa có thể tăng theo thời gian, gây ra bệnh thiếu máu.

Cần lưu ý rằng, phần lớn các triệu chứng kể trên có liên quan đến nhiều vấn đề tiêu hóa khác như nhiễm trùng, hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ,… Nếu gặp phải bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân và tiến hành điều trị.

Dấu hiệu ung thư đại trực tràng

Đau bụng, rối loạn về đại tiện có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa dưới.

 

4. Vai trò của tầm soát ung thư đại trực tràng và các phương pháp

Quy trình phát hiện ung thư hoặc tiền ung thư ở những người không có triệu chứng bệnh được gọi là tầm soát. Việc tầm soát định kỳ có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện sớm và tăng khả năng chữa khỏi bệnh. Điều này còn đem đến khả năng ngăn ngừa ung thư khi loại bỏ các polyp hoặc khối u trước khi chúng có nguy cơ ác tính hóa.

Để phát hiện và chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa dưới, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như sau:

4.1. Xét nghiệm tìm máu lẫn trong phân

Với xét nghiệm này, máu ẩn trong phân sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi. Các mẫu phân sẽ được đặt trên miếng lam đặc biệt và chuyển đến khảo sát tại phòng xét nghiệm. Đây là phương pháp tầm soát nhanh và thuận tiện, giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm.

4.2. Nội soi đại tràng chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Thủ thuật nội soi giúp phát hiện các polyp hoặc tổ chức ung thư trong toàn bộ đường tiêu hóa dưới. Một ống nội soi mềm có gắn máy quay phóng đại và đèn được đưa qua hậu môn qua trực tràng đến đại tràng. Hình ảnh thu được sẽ chiếu trực tiếp trên màn hình, giúp bác sĩ quan sát và đưa ra chẩn đoán.

Người bệnh có thể lựa chọn nội soi đại tràng không đau để có trải nghiệm êm ái nhất. Hiệu quả phát hiện sớm ung thư được nâng cao nhờ ứng dụng công nghệ dải tần ánh sáng hẹp (NBI) hiện đại.

4.3. Nội soi đại tràng xích-ma bằng ống mềm

Đây là thủ thuật giúp phát hiện các polyp hoặc ung thư trong trực tràng và đại tràng xích-ma. Ống nội soi mềm có gắn máy quay phòng đại sẽ được qua hậu môn vào đại tràng xích-ma để quan sát.

4.4. Chụp CT đại tràng chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Phương pháp nội soi đại tràng ảo này tầm soát polyp tiền ung thư ở đại tràng bằng máy CT. Bác sĩ có thể quan sát bên trong ruột già mà không cần thực hiện nội soi.

4.5. Lưu ý khi thực hiện tầm soát

Tất cả mọi người được khuyến cáo tuân thủ một trong các chương trình kiểm tra sau kể từ độ tuổi 50:

– Thực hiện nội soi đại tràng xích-ma bằng ống mềm 5 năm/lần.

– Thực hiện nội soi đại tràng 10 năm/lần.

– Chụp CT đại tràng (hay nội soi đại tràng ảo) 5 năm/lần.

Tuy nhiên, kế hoạch tầm soát của từng người sẽ khác nhau tùy theo tiền sử bệnh của bản thân và gia đình. Những người có nguy cơ cao nên thực hiện tầm soát ung thư đại tràng hàng năm. Hãy trao đổi cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn chương trình tầm soát phù hợp nhất.

Ung thư đại trực tràng có các yếu tố nguy cơ bắt nguồn từ lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt cũng như yếu tố tuổi tác, di truyền. Chủ động thăm khám tiêu hóa giúp phát hiện sớm ung thư và các bệnh lý đường tiêu hóa dưới nói chung.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top