ĐẠI CƯƠNG
Điều trị ung thư bằng nguồn xạ áp sát liều thấp là một kỹ thuật xạ trị ứng dụng các nguồn xạ áp sát, cắm vào mô, đặt trực tiếp vào khối u, một trong những kỹ thuật xạ trị hiện đại và hiệu quả cao trong điều trị ung thư. Nguồn xạ áp sát liều thấp thường dùng là Radium-226, Cesium- 137, Vàng-198, Iodine-125, Phốtpho-32…
CHỈ ĐỊNH
Xạ trị đơn thuần, triệt để.
Xạ trị phối hợp với phẫu thuật, hóa trị, nội khoa.
Xạ trị triệu chứng: chống đau, chống chèn ép, chống chảy máu.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định tuyệt đối.
Tạm thời trong các trường hợp giai đoạn muộn, lan tràn toàn thân, tiên lượng xấu, bệnh nội khoa phối hợp nặng, hoặc có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trọng yếu, nguy cơ chảy máu nhiều, hoại tử nặng sau xạ trị áp sát liều thấp.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Bác sĩ xạ trị, kĩ sư vật lý xạ trị, kỹ thuật viên xạ trị, kỹ thuật viên tính liều xạ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ gây mê khi có chỉ định.
Phương tiện
Hệ thống xạ trị áp sát liều thấp, nguồn xạ, các bộ dụng cụ xạ trị áp sát, hệ thống tính liều xạ trị áp sát chuyên dùng, máy mô phỏng thường quy, CT mô phỏng, hệ thống đo chuẩn liều xạ.
Hệ thống phụ trợ chế tạo khuôn, các thiết bị cố định, cắt khuôn chì che chắn, thiết bị bù trừ mô hoặc hỗ trợ cho các kỹ thuật xạ trị áp sát liều thấp.
Hệ thống an toàn bức xạ, theo dõi người bệnh, an ninh các nguồn xạ.
Người bệnh
Người bệnh và người nhà phải được bác sĩ xạ trị giải thích tỉ mỉ, tư vấn về chỉ định, kỹ thuật xạ trị áp sát liều thấp, các tác dụng không mong muốn, phác đồ và kết qủa điều trị, chi phí điều trị và ký cam kết đồng ý xạ trị. Người bệnh xạ trị áp sát liều thấp phải là người bệnh nội trú, thời gian điều trị mỗi đợt là một tuần.
Hồ sơ bệnh án
Bệnh án ung bướu theo quy định, giấy cam kết đồng ý xạ trị, hồ sơ xạ trị áp sát liều thấp, biên bản thông qua chỉ định xạ trị áp sát liều thấp của khoa phòng.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Đánh giá lâm sàng: Các bác sĩ xạ trị khám bệnh, chẩn đoán xác định, thông báo cho người bệnh về phác đồ điều trị, chuẩn bị cho người bệnh và đồng ý ký cam kết xạ trị áp sát liều thấp trước khi tiến hành các bước tiếp theo.
Thông qua phác đồ xạ trị: duyệt phác đồ xạ trị áp sát liều thấp, mục đích xạ trị triệt căn hay điều trị triệu chứng, chỉ định xạ trị áp sát, kỹ thuật, liều xạ, thể tích điều trị…Phác đồ điều trị phải được ký duyệt của trưởng khoa hoặc của người được ủy quyền.
Xác định thể tích điều trị: vị trí khối u và vùng lan tràn, các cơ quan nhạy cảm và vùng cần bảo vệ, đo lường kích cỡ cơ thể người bệnh, các biện pháp xác định chu vi cơ thể.
Thực hiện điều trị: Người bệnh được bác sĩ xạ trị đặt bộ dụng cụ trong phòng thủ thuật, được bác sĩ gây mê cho gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Kiểm tra vị trí bộ dụng cụ bằng máy x-quang di động. Người bệnh tiếp tục được chụp mô phỏng hoặc CT mô phỏng và chuyển về phòng điều trị. Bác sĩ xạ trị và kỹ thuật viên tính liều xạ kiểm tra phim chụp, dự kiến số lượng và độ dài nguồn xạ sẽ sử dụng.
Lập kế hoạch xạ trị: Lựa chọn kỹ thuật xạ trị áp sát liều thấp, phương thức xạ trị áp sát và nguồn xạ thích hợp, lựa chọn thể tích điều trị, lựa chọn đường đồng liều phù hợp và tối ưu. Tính liều xạ và phân bố liều lượng và các thể tích. Xác định các tổn thương khối u và cơ quan lành. Kiểm tra thiết bị. Tính thời gian điều trị.
Điều trị: Kiểm tra hồ sơ xạ trị áp sát liều thấp. Chuyển tải các dữ liệu điều trị đến máy xạ trị áp sát liều thấp hoặc nạp nguồn bằng tay. Thực hiện các bước người bệnh và tiến hành điều trị. Ghi nhận hồ sơ, thời gian nạp nguồn, thời gian rút nguồn.
Dữ liệu hình ảnh của quá trình điều trị: Sử dụng x-quang thường quy, CT mô phỏng hoặc cộng hưởng từ tuỳ tình hình thực tế với các nguồn giả.
Tính liều xạ sau khi đặt: Tính liều xạ dựa trên cơ sở thực thế đã cắm, đặt, áp các bộ dụng cụ. Kiểm soát trong thời gian điều trị, kiểm soát khi rút nguồn kết thúc điều trị tại phòng bệnh. Mặc dù phòng điều trị đã được che chắn bảo vệ an toàn bức xạ, các bình phong che chắn giường người bệnh cần được sử dụng, tăng khoảng cách an toàn với nguồn xạ, rút ngắn thời gian tiếp xúc trực tiếp nguồn xạ áp sát liều thấp.
Người bệnhđược nằm viện trong suốt thời gian điều trị xạ trị áp sát liều thấp. Hạn chế thời gian tiếp xúc, chăm sóc người bệnh của điều dưỡng, nhân viên y tế và người nhà trong khu vực xạ trị áp sát liều thấp.
Rút bộ dụng cụ và nguồn xạ sau khi kết thúc điều trị bởi các nhân viên y tế đã được đào tạo, một số trường hợp các nguồn xạ được rút theo thời gian khác nhau tuỳ theo chỉ định của bác sĩ xạ trị.
Đánh giá đáp ứng điều trị, đáp ứng khối u, các tác dụng không mong muốn. Người bệnh có thể tiếp tục đợt điều trị thứ hai sau 1-2 tuần nghỉ.
THEO DÕI
Người bệnh được theo dõi hàng ngày, hàng tuần về sức khỏe chung, tác dụng không mong muốn, tâm lí người bệnh, sự tiến triển của bệnh và đáp ứng của xạ trị áp sát liều thấp.
XỬ TRÍ TAI BIẾN
Các phản ứng cấp như mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn: dùng thuốc chống nôn, an thần trong xạ trị áp sát.
Phản ứng của da, niêm mạc: chăm sóc tại chỗ.
Rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy: dùng thuốc cầm ỉa, chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Hạ bạch cầu: nâng cao thể trạng, dùng thuốc tăng bạch cầu khi có chỉ định.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh