✴️ Lượng giá chức năng tri giác và nhận thức

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Lượng giá chức năng tri giác

Định nghĩa: Lượng giá chức năng tri giác là kỹ thuật lượng giá bằng thang điểm Glasgow (Glasgow Coma Scale) để đánh giá chức năng tri giác (tình trạng hôn mê) của người bệnh. 

Thang điểm này ra đời năm 1974, tại trường Đại học Glasgow, Scotland, hiện nay  đây vẫn là công cụ phổ biến nhất để lượng giá chức năng tri giác của người bệnh.

Thang điểm Glasgow gồm 3 yếu tố: đáp ứng mắt, đáp ứng lời nói và đáp ứng vận động (mỗi yếu tố được tính điểm từ thấp đến cao, điểm càng thấp càng nặng). 

+ Đáp ứng mắt: 

  • Không mở mắt 
  • Mở mắt khi đau 
  • Mở mắt khi gọi
  • Mở mắt tự nhiên 

+ Đáp ứng lời nói: 

  • Không đáp ứng 
  • Ú ớ, không nói được thành lời 
  • Nói những từ không thích hợp 
  • Trả lời nhầm lẫn 
  • Trả lời chính xác 

+ Đáp ứng vận động:

  • Không đáp ứng 
  • Duỗi cứng mất não (khi kích thích đau) 
  • Co cứng mất vỏ (khi kích thích đau) 
  • Rút chi lại khi bị kích thích đau 
  • Gạt đúng khi bị kích thích đau 
  • Làm đúng theo yêu cầu 

Tổng điểm Glasgow thấp nhất là 3 (hôn mê sâu hoặc tử vong), và cao nhất là 15 (hoàn toàn tỉnh táo).

Phân loại:

  • 3-8: hôn mê nặng;
  • 9-12: Vừa;
  • 13-15: Nhẹ

Lượng giá chức năng nhận thức:

Định nghĩa: Lượng giá chức năng nhận thức là kỹ thuật lượng giá bằng thang điểm Rancho Los Amigos (thường gọi tắt là Thang điểm Rancho) để đánh giá khả năng nhận thức của người bệnh, người khuyết tật. 

Thang điểm này do Bệnh viện Rancho Los Amigos, California, Hoa Kỳ phát triển sau đó được công nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. 

Thang điểm Rancho bao gồm 8 mức độ nhận thức của người bệnh, được đánh số từ I đến VIII. Quá trình phục hồi nhận thức diễn ra rất nhanh trong giai đoạn đầu, sau vài tháng, sự phục hồi diễn ra chậm dần và ổn định ở một mức nhận thức nào đó. Rất khó để đoán trước người bệnh sẽ ổn định ở mức nào. Một số người bệnh có thể có triệu chứng của nhiều mức độ nhận thức khác nhau ở cùng một thời điểm.

+ Mức I: Không đáp ứng (No Response)

Ngủ sâu; không đáp ứng với mọi kích thích từ bên ngoài như giọng nói, âm thanh, ánh sáng hay chạm vào cơ thể.

+ Mức II: Đáp ứng toàn thể (Generalized Response)

Phản ứng một cách không đặc hiệu, không nhất quán và không có mục đích; thường phản ứng đầu tiên là đáp ứng với kích thích đau; có thể mở mắt nhưng dường như không tập trung vào vật gì cụ thể.

+ Mức III: Đáp ứng khu trú (Localized Response)

Phản ứng một cách đặc hiệu hơn nhưng còn chậm và thiếu nhất quán đối với các kích thích; có thể tập trung vào một vật trước mặt; có thể làm theo một số yêu cầu đơn giản.

+ Mức IV: Lú lẫn - Kích động (Confused, Agitated)

Trạng thái tăng động; lú lẫn; không thể tự chăm sóc bản thân; không nhận thức được các sự kiện đang diễn ra. Phản ứng của người bệnh xuất phát từ sự lú lẫn, sợ hãi và mất định hướng về mặt nhận thức; có thể có hành vi kích động, quá khích.

+ Mức V: Lú lẫn-Không thích hợp-Không kích động (Confused, Inappropriate, Non-Agitated)

Có vẻ lanh lợi hơn; đáp ứng được các yêu cầu; làm theo các yêu cầu trong khoảng 2-3 phút nhưng rất dễ bị xao nhãng bởi môi trường xung quanh; mau nản lòng; sử dụng ngôn ngữ không thích hợp; chưa tiếp thu được thông tin mới.

+ Mức VI: Lú lẫn - Phản ứng thích hợp (Confused, Appropriate) 

Làm theo các hướng dẫn đơn giản một cách nhất quán; cần gợi ý; có thể học lại được các kỹ năng cũ; trí nhớ bị tổn thương nặng nhưng đang cải thiện dần; mức độ tập trung khá hơn; có thể thực hiện một số hoạt động tự chăm sóc mà không cần giúp đỡ; bắt đầu nhận thức được bản thân và những người xung quanh.

+ Mức VII: Tự động - Phản ứng thích hợp (Automatic, Appropriate)

Nếu điều kiện thể chất cho phép, người bệnh có thể tự làm được các hoạt động sinh hoạt hằng ngày nhưng có thể còn vụng về; bắt đầu có thể học các kiến thức mới nhưng ở mức kém hơn bình thường; có thể tương tác xã hội nhưng khả năng nhận định, giải quyết vấn đề và lập kế hoạch vẫn còn kém.

+ Mức VIII: Có mục đích – Phản ứng thích hợp (Purposeful, Appropriate)

Lanh lợi, định hướng tốt; hồi tưởng được những sự kiện đã qua; học được các kỹ năng mới và có thể tự thực hiện không cần giám sát; có kỹ năng sinh hoạt tại nhà độc lập; có thể lái xe được; khả năng chịu đựng stress và khả năng phán xét chưa bình thường; một số chức năng tương tác xã hội kém hơn mức bình thường.

 

CHỈ ĐỊNH

Chấn thương sọ não

Các trường hợp tổn thương não khác có ảnh hưởng đến tri giác và nhận thức.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có chống chỉ định tuyệt đối.

Thang điểm đánh giá tri giác và nhận thức trên không phù hợp để đánh giá ở trẻ nhỏ.

 

CHUẨN BỊ

Người lượng giá: Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu

Phương tiện: Phiếu lượng giá chức năng tri giác theo Glasgow và lượng giá chức năng nhận thức theo Rancho.

Người bệnh

Hồ sơ bệnh án

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Thực hiện kỹ thuật

Thời gian cho một lần lượng giá chức năng tri giác và nhận thức khoảng 20’. - Kết hợp quan sát, hỏi người bệnh, đưa ra các yêu cầu để người bệnh thực hiện theo các tiêu chí đã nêu trong Thang điểm Glasgow và Thang điểm Rancho.

Đánh giá tri giác người bệnh, ghi nhận tổng điểm (từ 3 đến 15).

Đánh giá nhận thức của người bệnh, xếp loại mức độ (từ I đến VIII).

Điền vào phiếu đánh giá.

Ghi lại ngày giờ đánh giá. Ký, ghi rõ họ tên người đánh giá.

 

THEO DÕI

Tiến hành lượng giá chức năng tri giác và nhận thức của người bệnh định kỳ trong suốt thời gian nằm viện và khi người bệnh xuất viện. Theo dõi sự thay đổi về tri giác và nhận thức của người bệnh.

 

XỬ TRÍ TAI BIẾN

Đây là một phương pháp lượng giá đơn giản, không can thiệp; chưa ghi nhận tai biến nào trong quá trình đánh giá.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top