Triệu chứng khi đầu gối duỗi quá mức

Nội dung

Khi gặp tình trạng này, bạn có thể điều trị bằng phương pháp nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và đôi khi là phẫu thuật. Vậy, làm thế nào để biết bạn có bị duỗi đầu gối quá mức hay không? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây:

Triệu chứng khi đầu gối duỗi quá mức

Đầu gối duỗi quá mức khi khớp gối gập về phía sau gây tổn thương mô và sưng tấy. Hầu hết các tổn thương xảy ra ở dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau, 2 dây chằng ở giữa đầu gối. Những dây chằng này nối xương cẳng chân với xương đùi và giúp kiểm soát chuyển động của xương cẳng chân.

Khi đầu gối duỗi quá mức, bạn sẽ gặp phải những triệu chứng như:

  • Đau đầu gối: bạn có thể cảm thấy đau từ nhẹ đến nặng bên đầu gối bị ảnh hưởng.
  • Khó cử động: việc duỗi và gập đầu gối trở nên khó khăn hơn.
  • Sưng tấy: sưng và cứng khớp ở bên đầu gối bị ảnh hưởng.
  • Đầu gối có thể bị yếu, khiến bạn đi lại hoặc đứng khó khăn.

Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể bị bong gân dây chằng gần đầu gối. Các dây chằng có thể bị bong gân bao gồm dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau.

 

Nguyên nhân gây duỗi đầu gối quá mức

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, những nguyên nhân phổ biến gồm: 

Một cú ngã nặng hoặc tiếp đất sai tư thế khi nhảy có thể khiến đầu gối bị duỗi quá mức. Mặc dù ai cũng có thể gặp phải tình trạng này nhưng với các vận động viên sẽ thường xuyên hơn do liên tục thực hiện các hoạt động làm tổn thương dây chằng như một cú đánh trực tiếp vào đầu gối khi chơi các môn thể thao có tác động mạnh: thể dục dụng cụ, bóng rổ, bóng đá.

Các vận động viên nữ có nguy cơ gặp chấn thương dây chằng chéo trước cao hơn. Ngoài ra, những người có cơ bắp yếu hoặc từng bị chấn thương đầu gối hay người thừa cân, béo phì cũng có thể gặp các vấn đề về đầu gối tương tự. Đối với trẻ em, nếu đầu gối bị duỗi quá mức cũng có thể khiến các mảnh xương nhỏ bị gãy khỏi xương chính.

 

Chẩn đoán duỗi đầu gối quá mức

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn vận động khớp gối và kiểm tra. Nếu đầu gối bị sưng tấy do dịch khớp hoặc máu, bác sĩ sẽ dùng kim để dẫn lưu. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn chụp X-quang để biết liệu bạn có bị gãy xương hay không và chụp MRI để kiểm tra vết thương ở dây chằng.

Dựa trên kết quả các xét nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị bong gân dây chằng. Trong trường hợp nghiêm trọng, dây chằng bị rách một phần hoặc bị tách thành hai mảnh, hướng xử lý thường phải thực hiện phẫu thuật.

 

Điều trị triệu chứng duỗi đầu gối quá mức

Đối với tình trạng nhẹ

Nếu duỗi đầu gối quá mức ở mức độ nhẹ, bạn có thể thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ như:

  • Nghỉ ngơi: hãy nghỉ giải lao sau các hoạt động luyện tập thể thao.
  • Chườm đá bên gối bị duỗi quá mức để giảm sưng.
  • Có thể dùng thuốc chống viêm để giảm đau.
  • Nâng cao chân, giữ chân cao hơn tim khi có thể.
  • Sử dụng băng nén để giảm sưng.
  • Nẹp đầu gối.
  • Duy trì chuyển động: giữ nguyên đầu gối lâu hơn 2-3 ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị cứng khớp lâu dài và các biến chứng khác.
  • Vật lý trị liệu.

Đối với tình trạng nặng

Nếu bạn bị bong gân nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật dây chằng. Bác sĩ sẽ phải lấy một đoạn gân từ nơi khác, như gân khoeo và sử dụng để thay thế dây chằng bị tổn thương. Sau phẫu thuật, bạn cần thực hiện vật lý trị liệu bao gồm các bài tập giúp tăng cường cơ bắp chân. Bạn cũng có thể đeo nẹp đầu gối để cải thiện độ ổn định của khớp khi hồi phục.

Trong hơn 80% trường hợp, phẫu thuật dây chằng chéo trước cùng với vật lý trị liệu sẽ phục hồi hoàn toàn chức năng đầu gối. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật dây chằng lần tiếp theo nếu lần đầu không thành công. Tuy nhiên, những ca phẫu thuật sau có thể khó khăn hơn và kết quả kém hơn.

Nhìn chung, một số cơn đau và sưng tấy có thể vẫn còn sau phẫu thuật. Điều này có thể xảy ra nếu các chấn thương đầu gối khác như rách sụn tồn tại cùng lúc với tình trạng duỗi quá mức đầu gối. Trong mọi trường hợp, ngay cả những chấn thương đầu gối nhẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ bạn bị chấn thương đầu gối sau này.

 

Phục hồi đầu gối

Thời gian phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, nhưng vật lý trị liệu có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục. Bên cạnh đó, thời gian hồi phục của mỗi người là khác nhau.

Nếu như tình trạng duỗi đầu gối quá mức của bạn ở mức độ nhẹ, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn sau hai tuần áp dụng các biện pháp điều trị thông thường như nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu ở tình trạng nặng, quá trình phục hồi sau phẫu thuật dây chằng mất khoảng 6 tháng.

Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên gặp chuyên gia vật lý trị liệu và bạn có thể tiếp tục chơi thể thao sau 6 tháng. Nếu bạn vận động trước khi đầu gối lành hoàn toàn, bạn có thể bị tổn thương vĩnh viễn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top