LẬU CẦU (NEISSERIA GONORRHOEAE)
Đặc điểm sinh vật học:
Hình thể:
Giống như não mô cầu, lậu cầu là cầu khuẩn Gram âm hình hạt cà phê, kích thước 0,8 x 0,6 mm, thường xếp thành đôi. Trong lậu cấp tính, lậu cầu thường rất nhiều và nằm trong bạch cầu đa nhân. Trong lậu mạn tính lậu cầu ít hơn thường nằm ngoài tế bào.
Tính chất nuôi cấy:
Nuôi cấy khó khăn vì khi ra ngoài cơ thể vi khuẩn rất dễ chết, cần phải cấy ngay vào môi trường. Lậu cầu chỉ mọc ở môi trường giàu chất dinh dưỡng như thạch chocolat, thạch Thayer-Martin. Vi khuẩn phát triển tốt trong điều kiện hiếu khí ở pH 7,2-7,6, nhiệt độ 35-36oC và khí trường có 5-10% CO2. Khuẩn lạc sau 48 giờ nhỏ, tròn, dẹt, màu xám nhạt.
Tính chất sinh hóa:
Oxydase dương tính, catalase dương tính, glucose dương tính không sinh hơi, maltose âm tính, sacharose âm tính.
Sức đề kháng:
Lậu cầu có sức đề kháng kém, chết nhanh khi ra khỏi cơ thể. Trong bệnh phẩm, vi khuẩn chết ở nhiệt độ phòng trong 1-2 giờ, ở nhiệt độ 58oC trong1 giờ. Dung dịch nitrat bạc 1% giết chết lậu cầu trong vòng 2 phút.
Cấu trúc kháng nguyên:
Lậu cầu có nhiều kháng nguyên đặc hiệu nhóm và typ. Trong thực tế, các kháng nguyên đó không giúp ích gì cho việc xác định vi khuẩn.
Khả năng gây bệnh:
Lậu cầu chỉ tìm thấy ở người, không tìm ở trong thiên nhiên. Người mắc bệnh do lây truyền trực tiếp qua đường sinh dục, qua da, niêm mạc, giác mạc. Nó gây viêm niệu đạo (bệnh lậu) ở cả nam và nữ. Nó còn gây nhiễm khuẩn ở những bộ phận khác nhau của đường sinh dục: ở nam gây viêm tiền liệt tuyến, viêm mào tinh và ở nữ gây viêm cổ tử cung, viêm tử cung, viêm vòi trứng. Ngoài ra, lậu cầu có thể gây nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác như nhiễm khuẩn huyết đưa đến nhiễm khuẩn ở khớp, viêm màng trong tim, viêm kết mạc.
Ở trẻ sơ sinh, có thể xảy ra viêm kết mạc do lậu cầu khi đi qua đường sinh dục của mẹ bị bệnh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây mù lòa.
Chẩn đoán vi sinh vật:
Chẩn đoán trực tiếp:
Ở nam, lấy mủ niệu đạo lúc sáng sớm trước khi đi tiểu lần đầu tiên trong ngày.
Ở nữ, lấy mủ ở lổ niệu đạo, cổ tử cung, các lổ của tuyến âm đạo.
Nhuộm Gram:
Chẩn đoán bệnh lậu cấp tính: Soi kính hiển vi tiêu bản nhuộm Gram, nếu có nhiều bạch cầu đa nhân trung tính và nhiều song cầu Gram âm nội bào thì có thể xác định bệnh nhân mắc bệnh lậu.
Chẩn đoán bệnh lậu mãn tính: Trên tiêu bản nhuộm gram bệnh phẩm, thường ít thấy lậu cầu và lậu cầu nằm ngoài bạch cầu đa nhân, có thể có nhiều tạp khuẩn khác, cần nuôi cấy để xác định vi khuẩn.
Chẩn đoán bằng kỹ thuật PCR:
Nuôi cấy: Trong cả hai trường hợp cấp và mãn, cần cấy bệnh phẩm vào môi trường thích hợp, phân lập và định danh vi khuẩn nhờ vào tính chất nuôi cấy và sinh hoá.
Chẩn đoán huyết thanh:
Tìm kháng thể kháng lậu bằng kháng thể đơn dòng gắn huỳnh quang.
Tìm IgM bằng ELISA để chẩn đoán lậu ngoài đường sinh dục.
Phòng bệnh và điều trị:
Phòng bệnh:
Lậu cầu không tạo nên miễn dịch bảo vệ sau khi khỏi bệnh. Chủ yếu phát hiện bệnh và điều trị triệt để, cải thiện hoàn cảnh xã hội. Đối với trẻ sơ sinh để phòng ngừa viêm kết mạc do lậu cầu, sau khi trẻ lọt lòng nhỏ một giọt nitrat bạc 1%.
Điều trị:
Hiện nay, đã xuất hiện những chủng lậu cầu đề kháng với penicillin G, do đó cần phải làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh thích hợp cho việc điều trị bệnh. Tuy nhiên trong thực tê, penicillin G vẫn là kháng sinh thường dùng và nhiều trường hợp cho kết quả tốt. Ngoài ra kháng sinh như ampicillin, oxacillin, spectinomycin, cefoxitin, rifamycin cũng dùng điều trị tốt bệnh lậu. Cần điều trị triệt để để tránh chuyển sang lậu mãn tính. Đối với lậu mãn tính, chẩn đoán khó và điều trị phức tạp, tốn kém.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh