✴️ Chỉ số xét nghiệm SGOT là gì? Khi nào cần xét nghiệm SGOT ?

Nhiều người không biết xét nghiệm SGOT là gì? Đây có thể được hiểu là xét nghiệm máu thường được chỉ định đối với bệnh nhân gặp các vấn đề về gan, cũng là xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng tổn thương gan (nếu có). Sự tăng, giảm của chỉ số SGOT có nhiều ý nghĩa, giúp phản ánh tình trạng bệnh lý về gan mà người bệnh có thể đang gặp phải.

 

1. Xét nghiệm SGOT là gì?

Xét nghiệm SGOT là xét nghiệm đánh giá tình trạng men gan. Men gan là tên gọi chung của các enzyme có trong gan, có vai trò tổng hợp và chuyển hóa các chất trong gan như glucid, protid, lipid,…

Khi tế bào gan gặp tổn thương, hư hại thì các chất men này có trong máu nhiều hơn. Do đó, xét nghiệm men gan trong đó có SGOT cho thấy định lượng các enzyme gan tăng, nghĩa là gan của bệnh nhân đang bị nguy hại.

Chỉ số men gan ở người có sức khỏe gan bình thường là:

– Chỉ số AST (SGOT): 20 – 40 UI/L.

– Chỉ số ALT (SGPT): 20 – 40 UI/L.

– Chỉ số GGT: 5 – 65 UI/L và tùy từng hệ thống máy khác nhau sẽ có khoảng tham chiếu khác nhau.

Trong đó, chỉ số AST (SGOT) là viết tắt của Serum Glutamic Oxaloacetic Transaminas, đặc trưng cho các tổn thương tế bào gan do xơ, viêm hay ung thư, ngoài ra cũng thể hiện tổn thương tim do nhồi máu, hoặc bệnh tiểu đường,…

Xét nghiệm SGOT là một trong những xét nghiệm được chỉ định đối với bệnh nhân gặp các vấn đề về gan. (ảnh minh họa)

Xét nghiệm SGOT là một trong những xét nghiệm được chỉ định đối với bệnh nhân gặp các vấn đề về gan

 

2. Ý nghĩa các chỉ số men gan

2.1 Chỉ số SGOT

Khi enzyme được giải phóng vào máu với lượng bình thường thì các hoạt động trao đổi và chuyển hóa chất trong cơ thể diễn ra bình thường. Ngược lại, nếu chỉ số vượt quá mức bình thường thì nguy cơ bệnh nhân mắc các bệnh về gan rất lớn. Chỉ số càng cao thì lượng tế bào gan bị tổn thương càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Chỉ số SGOT thông thường khoảng từ 20- 40 UI/L, chủ yếu có ở các mô chuyển hóa cao như gan, tim hay cơ xương. Chỉ số SGOT tăng cao chủ yếu trong trường hợp tổn thương gan do viêm, xơ hay ung thư. Ngoài ra, các tổn thương tim do nhồi máu cũng làm tăng lượng SGOT. Ngược lại, nếu chỉ số SGOT giảm có thể trong các trường hợp đang mang thai hoặc bệnh tiểu đường,…

Chỉ số xét nghiệm SGOT (AST), SGPT (ALT) và GGT giúp đánh giá tình trạng tổn thương gan. (ảnh minh họa)

Chỉ số SGOT (AST), SGPT (ALT) và GGT giúp đánh giá tình trạng tổn thương gan

 

2.2 Chỉ số SGPT

Chỉ số SGPT thông thường ở khoảng từ 20- 40 UI/L. Chỉ số này tăng khi có các tổn thương tế bào gan. Chủ yếu dùng để phát hiện tổn thương ở tế bào gan. Khi có tổn thương, chỉ số tăng.

– Nếu 2 chỉ số này tăng nhẹ (<2 lần) thì chưa đáng lo ngại.

– Nếu 2 chỉ số này tăng vừa (> 2-10 lần) hay tăng cao (> 10 lần) thì cần phải xác định nguyên nhân gây ra và bạn cần đến sự thăm khám và tư vấn cụ thể từ bác sĩ.

 

3. Khi nào cần làm xét nghiệm SGOT

Xét nghiệm SGOT được chỉ định khi nghi ngờ bệnh nhân có các dấu hiệu mắc bệnh gan, đặc biệt là viêm gan hay rối loạn chức năng gan.

Một số triệu chứng điển hình như:

– Buồn nôn, nôn.

– Bụng sưng hoặc đau.

– Vàng da.

– Nước tiểu đậm màu.

– Người nghiện rượu nặng.

– Cá nhân có gia đình tiền sử mắc bệnh gan.

– Người có tiền sử virus viêm gan.

– Người dùng nhiều thuốc có thể làm rối loạn chức năng gan.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top