✴️ Mức hematocrit bình thường là gì?

Hematocrit là gì?

Hematocrit là thước đo tỷ lệ phần trăm hồng cầu trong máu. Ví dụ: nếu một người có 50 ml hồng cầu trong 100 ml máu, mức hematocrit của họ là 50%.

Các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và tạo cho máu có màu đỏ đặc trưng. Ngoài oxy, chúng còn chứa hemoglobin -  một loại protein liên kết với các phân tử oxy.

Có đủ lượng tế bào hồng cầu là điều cần thiết để giữ cho các hoạt động của cơ thể được diễn ra một cách bình thường.

Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm tế bào hồng cầu trong máu có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố lối sống và thậm chí cả những thay đổi về môi trường. Theo nghiên cứu, số lượng tế bào hồng cầu có xu hướng tăng lên khi ở những người sống ở các vùng có độ cao lớn.

Tập thể dục, đặc biệt là tập luyện sức bền, cũng có thể ảnh hưởng đến mức hematocrit. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy những phụ nữ tham gia 16 tuần tập thể dục sức bền có mức hematocrit thấp hơn vào cuối so với khi họ bắt đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ có quy mô mẫu nhỏ gồm 26 phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ trung niên, ít vận động, vì vậy cần có thêm những nghiên cứu quy mô hơn trước khi đưa ra công bố cuối cùng.

Khi nào cần kiểm tra nồng độ hematocrit?

Có nhiều điều kiện có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu hoặc vòng đời của chúng. Điều này có thể gây khó khăn cho chuyên gia y tế trong việc chẩn đoán các tình trạng này. Bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm hematocrit để xác nhận xem liệu số lượng tế bào hồng cầu của một người có ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe hay không.

Các bác sĩ thường kiểm tra nồng độ hematocrit như một phần của xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC). Xét nghiệm công thức máu giúp kiểm ra các thông số như:

  • Số lượng tế bào máu
  • Số lượng hồng cầu lưới
  • Nồng độ hemoglobin
  • Phân tích các tế bào hồng cầu, bao gồm cả kích thước và hình dạng
  • Số lượng bạch cầu
  • Số lượng tiểu cầu

Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ thu thập các thông tin về giới tính và tuổi tác của một người nhằm có cơ sở để chẩn đoán một số tình trạng liên quan đến máu, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, ảnh hưởng đến các nhóm nhân khẩu học cụ thể với tỷ lệ cao hơn.

Mất nước có thể làm tăng nồng độ hematocrit, vì vậy xét nghiệm này cũng sẽ có giá trị chẩn đoán nếu bác sĩ nghi ngờ mất nước nghiêm trọng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hematocrit để theo dõi ảnh hưởng của hóa trị liệu lên tủy xương của người bệnh.

Mức độ hematocrit bình thường là bao nhiêu?

Mức hematocrit bình thường là:

  • Nam: 41–50%
  • Nữ: 36–48%
  • Trẻ em: 30–44%, tùy theo độ tuổi và giới tính

Trẻ sơ sinh có mức hematocrit cao và giảm dần khi chúng lớn lên.

Nếu được truyền máu trong thời gian gần so với lúc xét nghiệm có thể ảnh hưởng đến kết quả. Ngoài ra, những người mang thai có thể có chỉ số thấp hơn bình thường vì cơ thể tăng lượng máu trong thai kỳ.

Các yếu tố khác có thể khiến chỉ số tăng cao, chẳng hạn như hút thuốc và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Các triệu chứng và nguyên nhân của mức hematocrit thấp

Khi một người có mức hematocrit thấp sẽ có hướng xuất hiện với các triệu chứng sau:

  • Nước da nhợt nhạt
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Khó thở
  • Nhịp tim không đều
  • Tay hoặc chân lạnh

Những triệu chứng này cũng cho thấy thiếu máu, một tình trạng mà nồng độ hemoglobin thấp hơn bình thường.

Thiếu máu nhẹ có thể điều trị được đặc biệt phổ biến ở phụ nữ. Trong trường hợp thiếu máu nghiêm trọng có thể báo hiệu một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn cần có những phương pháp chẩn đoán và điều trị chuyên sâu.

Thiếu máu thường có liên quan với một số tình trạng sức khỏe bao gồm:

  • Thiếu chất dinh dưỡng

Một người có thể thiếu B12, folate hoặc sắt trong chế độ ăn uống.

  • Chảy máu kéo dài

Tình trạng này thường xảy ra do loét đường tiêu hóa, là vết loét do vi khuẩn H.pylori gây ra hoặc do sử dụng các loại thuốc chống viêm như ibuprofen, các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) và aspirin trong thời gian dài. Nhiều phụ nữ cũng bị mất máu nhiều do kinh nguyệt ra nhiều.

  • Rối loạn tủy xương

Bao gồm thiếu máu bất sản, làm tổn thương các tế bào gốc giúp sản sinh các tế bào máu trong tủy xương.

  • Ung thư

Một số bệnh ung thư có thể di căn đến tủy xương, chẳng hạn như bệnh bạch cầu và ung thư hạch.

  • Suy thận

Bệnh thận có thể làm giảm sản xuất hồng cầu, giảm nồng độ hematocrit.

  • Thalassemia

Ở người bị tình trạng này, cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin cần thiết.

  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm

Tình trạng này làm thay đổi hình dạng của các tế bào hồng cầu. Các tế bào này thường có tuổi thọ ngắn hơn bình thường, đồng thời dễ hình thành huyết khối làm cản trở lưu lượng máu.

  • Bệnh tự miễn

Các tình trạng như viêm khớp dạng thấp và lupus có thể làm giảm số lượng hồng cầu.

Các triệu chứng và nguyên nhân của mức hematocrit cao

Ở người có mức hematocrit cao có xu hướng xuất hiện với các triệu chứng sau:

  • Da ửng đỏ
  • Chóng mặt
  • Các vấn đề về thị lực
  • Đau đầu
  • Lá lách to

Những triệu chứng này báo hiệu bệnh đa hồng cầu, một tình trạng trong đó cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu khiến máu đặc hơn và dễ bị vón cục hơn.

Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh đa hồng cầu, vì vậy việc điều trị có thường tập trung vào quản lý triệu chứng. Mục tiêu chính là giúp bệnh nhân tránh được tình trạng đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).

Trong một số trường hợp, mất nước gây ra bệnh đa hồng cầu. Khi một người không uống đủ, nồng độ trong huyết tương trong máu giảm xuống, và điều này làm tăng tỷ lệ tế bào hồng cầu trong thể tích máu của họ. Đối với tình trạng này, có thể khắc phục bằng cách bù nước.

Một số tình trạng có thể gây ra mức hematocrit cao bao gồm:

  • Bệnh phổi

Khi phổi không thể hấp thụ oxy hiệu quả và lượng oxy giảm xuống, cơ thể sẽ bù đắp bằng cách tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn. Một tình trạng phổ biến gây ra điều này là thuyên tắc phổi (COPD).

  • Bệnh tim

Nếu cấu trúc của tim giảm khả năng bơm máu đi khắp cơ thể, thì các cơ quan quan trọng sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt oxy. Để khắc phục tình trạng này, cơ thể sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn.

  • Ung thư thận

Đôi khi các tế bào ung thư thận tạo ra nhiều erythropoietin hơn làm kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn.

  • Bệnh di truyền

Gen JAK2, kiểm soát số lượng tế bào máu được tạo ra trong tủy xương, có thể ảnh hưởng đến một số tình trạng nhất định. Khi ai đó có gen JAK2 bị đột biến, cơ thể có thể tạo ra một loại protein báo hiệu tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn mức cần thiết.

Khi nào cần đi khám bác sĩ

Nên nói chuyện với bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên, đó có thể là dấu hiệu của mức hematocrit cao hoặc thấp. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, suy nhược, các vấn đề về thị lực và chóng mặt.

Những triệu chứng này cũng có thể chỉ ra một tình trạng tiềm ẩn, vì vậy điều quan trọng là cần được bác sĩ thăm khám cũng như chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Xét nghiệm kiểm tra tốc độ lắng của tế bào máu (ESR)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top