✴️ Xét nghiệm Nitrit niệu

Nitrit là gì?

Nitrat là sản phẩm phụ của nitơ được thải qua đường nước tiểu, nitrat trong nước tiểu được chuyển thành nitrit khi có vi khuẩn Gram âm như E.coli và Klebsiella. Sự xuất hiện của Nitrit là một dấu ấn về sự nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân phổ biến nhất của nitrit trong nước tiểu là nhiễm trùng đường tiểu - có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu. Nhiễm trùng niệu thường ảnh hưởng đến đường tiết niệu dưới như bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng ở bàng quang hoặc niệu đạo thường có các triệu chứng sau:

  • Tăng áp suất vùng chậu;

  • Cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên;

  • Máu trong nước tiểu, tiểu buốt;

  • Đau bụng dưới;

  • Nóng rát khi đi tiểu;

  • Nước tiểu sẫm màu hoặc đục;

  • Nước tiểu có mùi hôi.

Nhiễm trùng niệu có thể lan lên phía trên của hệ thống tiết niệu như niệu quản và thận. Các triệu chứng của nhiễm trùng thận bao gồm:

  • Sốt cao, ớn lạnh;
  • Đau lưng hoặc mạn sườn;
  • Buồn nôn hoặc nôn;

Nhiễm trùng thận là tình trạng rất nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải nhập viện để điều trị chuyên sâu hơn.

     xét nghiệm nitrit niệu

Khi nào nên xét nghiệm nitrit trong nước tiểu?

Xét nghiệm tìm nitrit có thể được thực hiện trong khi mang thai, trước khi phẫu thuật hoặc nếu cần đặt ống thông tiểu. Bác sĩ sẽ yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra nitrit nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ nhiễm trùng tiểu. Thông thường, xét nghiệm nitrit nước tiểu được chỉ định trong các tình huống sau:

  • Phụ nữ mang thai;

  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát;

  • Theo dõi tình trạng bệnh lý thận;

  • Trước khi tiến hành phẫu thuật;

  • Sàng lọc bệnh tiểu đường;

  • Trong quá trình nhập viện, đặc biệt là khi cần đặt ống thông tiểu.

Tiến hành xét nghiệm

Trước khi tiến hành lấy mẫu, bệnh nhân được cung cấp một cốc nhựa vô trùng và hướng dẫn cách lấy mẫu đúng cách.

Xét nghiệm nước tiểu sẽ kiểm tra sự hiện diện của nitrit, tế bào bạch cầu và protein trong nước tiểu, đồng thời cũng có thể xác định được độ pH hoặc độ axit.

Nếu xét nghiệm nước tiểu cho thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như nitrit và bạch cầu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngay. Một số trường hợp có thể cần để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng trước khi kê đơn thuốc kháng sinh.

     

Điều trị

Khi phát hiện nitrit xuất hiện trong nước tiểu, lựa chọn đầu tiên được áp dụng thường là sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên bác sĩ cũng cần xem xét đến tiền sử bệnh án của từng bệnh nhân trước khi tiến hành kê đơn thuốc.

Đối với phụ nữ mang thai có thể được áp dụng phương pháp điều trị hoặc một loại kháng sinh thay thế vì một số loại kháng sinh có thể gây hại trong thai kỳ.

Người bị nhiễm trùng tiểu nên uống nhiều nước để làm loãng nước tiểu và giúp loại bỏ vi khuẩn. Nếu nhiễm trùng lan đến thận, bệnh nhân có thể phải nhập viện để tiêm kháng sinh và truyền dịch.

Biến chứng

Nếu được điều trị kịp thời, nhiễm trùng niệu ở đường tiết niệu dưới gây ra rất ít biến chứng. Tuy nhiên nếu nhiễm trùng lan đến thận, các biến chứng sau đây có thể xảy ra:

  • Nhiễm trùng huyết;

  • Bệnh thận mãn tính;

  • Sẹo thận;

  • Tăn huyết áp;

  • Suy thận.

Phụ nữ mang thai có triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhiễm trùng tiểu có thể gây ra chuyển dạ sinh non hoặc trẻ sinh nhẹ cân.

Tổng kết

Nguyên nhân phổ biến nhất của nitrit trong nước tiểu là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Hầu hết các trường hợp mắc UTI, nhất là nhiễm trùng ở bàng quang và niệu đạo được điều trị dễ dàng trong vòng một tuần sau khi dùng thuốc kháng sinh.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng tiểu ở đường dưới có thể lan đến thận và gây ra các biến chứng nặng hơn.

Bất cứ ai có triệu chứng nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng thận nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm: PH nước tiểu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top