✴️ 8 thảo dược giúp hỗ trợ phòng thiếu máu não

Thục địa, xích thược

Thục địa, xích thược có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, sinh huyết; tăng cường số lượng và chất lượng của máu, giúp cho máu lưu thông tốt hơn.

Thục địa không phải là tên một loài cây mà là một loại thảo dược được bào chế từ phần rễ củ của cây địa hoàng (Rehmannia glutinosa) thuộc họ hoa mõm sói. Thục địa có vị ngọt, tính hàn. Các hoạt chất trong thục địa giúp chống huyết khối, ngăn ngừa cục máu đông. Thục địa cũng bổ huyết nên được kết hợp trong nhiều bài thuốc điều trị thiếu máu.

Xích thược còn được gọi là mẫu đơn đỏ, thược dược hay xuyên xích thược, có tên khoa học là Paeonia liacliflora Pall - thuộc họ Hoàng Liên (Ranunculaceae). Phần rễ củ của xích thược được sử dụng làm dược liệu có vị chua đắng, tính hơi hàn, tác dụng hoạt huyết, giải độc, tiêu ung chỉ thống. Ngoài ra còn có tác dụng giãn động mạch vành, chống kết tập tiểu cầu, ngăn ngừa hình thành huyết khối, chống thiếu máu cơ tim.

 

Ngưu tất, ích mẫu, hồng hoa

Ngưu tất, ích mẫu, hồng hoa có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, làm giảm độ nhớt của máu, giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông, giảm tình trạng xơ vữa động mạch, giúp cho máu lưu thông ở trong lòng mạch được tốt hơn.

Ngưu tất còn gọi là hoài ngưu tất, cỏ xước, có tên khoa học là Achyranthes bidentata. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ. Ngưu tất vị đắng, chua và tính ôn giúp hoạt huyết trừ ứ, điều kinh, có tác dụng tăng cường tưới máu cho phần dưới của cơ thể.

Ích mẫu tên khoa học là Leonurus japonicas, có vị cay, đắng, tính hơi hàn, có khả năng trục ứ huyết, sinh huyết mới, tăng khí huyết lưu thông. Vị thuốc này có tác dụng tăng lưu lượng máu động mạch vành, cải thiện tuần hoàn máu bị rối loạn.

Hồng hoa có tên khoa học là Carthamus tinctorius, có vị cay, tính ôn. Vị thuốc có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, tăng cường lưu thông máu. Đặc biệt, hồng hoa còn giúp giảm chỉ số kết tập tiểu cầu, ức chế hình thành huyết khối từ đó giảm nguy cơ nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, cải thiện tuần hoàn máu.

Xuyên khung, đương quy

Xuyên khung và đương quy vừa có tác dụng bổ huyết, tăng cường chất lượng của máu vừa hoạt huyết, làm giảm kết tập tiểu cầu, giảm độ nhớt của máu, giúp cho máu lưu thông tốt.

Xuyên khung là loại cây đơn thuộc họ hoa tán, tên khoa học là Ligusticum striatum. Thảo dược này có vị đắng và cay, tính ôn, giúp khu phong, trừ thấp, giảm đau, hoạt huyết, lợi cho gan, mật và tim.

Đương quy còn được gọi là bạch chỉ Trung Quốc, là cây cỏ thơm. Tên khoa học của đương quy là Angelica sinensis. Phần đầu của đương quy (quy đầu) vừa có tác dụng bổ huyết lại vừa thiên về chỉ huyết. Phần đuôi rễ (quy vĩ) có tác dụng bổ huyết và hoạt huyết. Do đó đương quy dùng để trị bệnh thiếu máu dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, da xanh xao, người gầy yếu hoặc khí và huyết đều kém, người mệt mỏi, vô lực.

 

Bạch quả

Tên khoa học của bạch quả là Ginkgo biloba. Cao bạch quả là vị thuốc y học cổ truyền tăng cường lưu thông máu lên não. Trong bạch quả chứa các flavonoid làm giảm độ nhớt của máu, giảm kết tập tiểu cầu, giúp cho máu lưu thông tốt lên não, giúp bảo vệ các tế bào thần kinh trước tác nhân gây bệnh, tăng cường chống oxy hóa, khử các gốc tự do, giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, cải thiện trí nhớ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top