Chứng đau nhức đầu là một triệu chứng thường gặp nhất trong các bệnh lý của nhiều bệnh. Theo YHCT, nếu đau đầu đột ngột và kéo dài vài ngày là do ngoại cảm; nếu lúc đau lúc không và đau âm ỉ là nội thương. Đau đầu do ngoại cảm phần lớn là thực chứng.
Người bệnh bị nhức đầu do ngoại cảm phong nhiệt có các triệu chứng: đau đầu, sợ gió, khát nước, đau cổ họng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác. Phép chữa là sơ phong, thanh nhiệt. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh.
Bài 1: lá dâu 16g, cúc hoa 12g, mạn kinh tử 12g, bạc hà 10g, kinh giới 10g. Sắc uống chia uống 2 lần trong ngày, sau khi ăn. Trẻ em chia uống 3 - 4 lần. Có thể tán giập, hãm trong phích cho uống.
Bài 2 - Tang cúc ẩm gia vị: tang diệp 10g, cúc hoa 6g, liên kiều 6g, bạc hà 4g, cát cánh 8g, hạnh nhân 8g, lô căn 10g, cam thảo 4g, hoàng cầm 8g, chi tử 8g. Sắc uống.
Mạn kinh tử (quả chín phơi hoặc sấy khô của cây mạn kinh).
Gia giảm:
Nếu nhiệt thịnh thương tân, tâm phiền miệng khát, lưỡi đỏ rêu ít, thêm cát căn 12g, sinh thạch cao 8g, tri mẫu 8g, thiên hoa phấn 8g.
Nếu ho không thoát đờm, đờm vàng dính, miệng khát họng đau, thêm bối mẫu 4g, qua lâu nhân 6g, sa sâm 8g.
Nếu đại tiện bế sinh mụn nhọt ở mũi, miệng, phủ khí không thông, thêm đại hoàng 6g.
Bài 3 - Thanh không cao gia vị: khương hoạt (rượu sao) 4g, phòng phong 4g, xuyên khung 4g, thạch cao 8g, hoàng cầm (1 nửa phần sao rượu) 12g, hoàng liên (rượu sao) 4g, sài hồ 4g, chích thảo 6g, tri mẫu 6g. Sắc uống.
Bài 4: xuyên khung 3g, lá chè 6g. Đun sôi 5-10 phút, gạn nước uống trước bữa ăn
Bài 5: nha tạo 3g, nga bất thực thảo 3g, thanh đại 2g, tế tân 2g. Tất cả tán bột mịn. Mỗi đợt dùng 7 ngày, ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng 0,2 - 0,4g thổi vào mũi gây hắt hơi là được.
Bài 6: Củ cải tươi, giã vắt lấy nước, nghiền thêm ít băng phiến; nhỏ vào mũi. Mỗi lần 2-3 giọt, ngày 2 - 3 lần. Dùng liền trong 5 ngày.
Bài 7: Cúc hoa, bạc hà, tang diệp, vỏ đỗ xanh, liều lượng bằng nhau. Cho vào lõi gối để nằm. Dùng trong 1 tháng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh