Bí tiểu sau khi sinh là một trong những biến chứng thường gặp, đặc biệt đối với bà mẹ khi sinh ngả âm đạo. Đây là tình trạng rối loạn đường tiểu, biểu hiện triệu chứng là mắc đi tiểu nhưng không thể đi được và có cầu bàng quang căng khi khám. Bí tiểu sau sinh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến bà mẹ, gây ra nhiều khó chịu về vận động và cảm giác.
Biểu hiện trên lâm sàng là sau khi sinh khoảng 3 - 4 giờ trở đi, người mẹ có cảm giác mắc đi tiểu nhưng không thể nào đi tiểu được. Khám lâm sàng thấy bụng mềm, vùng dưới rốn ngoài khối cầu an toàn đó là khối tử cung co hồi tốt, xuất hiện một khối cầu khác đó là cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ. Nhưng kết quả người mẹ cũng không tự đi tiểu được, và cảm giác căng tức, khó chịu ngày càng tăng.
Nguyên nhân của bí tiểu có thể do
- Tình trạng phù nề trong và quanh âm đạo, đặc biệt nếu bệnh nhân sinh thường, có rách và khâu tầng sinh môn.
- Tổn thương thần kinh chậu trong quá trình sinh sinh.
- Gây tê ngoài màng cứng có thể làm giảm cảm giác bụng dưới tới 8 giờ, từ đó ảnh hưởng tạm thời đến bàng quang.
Nguy cơ bí tiểu tăng lên khi:
- Sinh con lần đầu
- Có gây tê ngoài màng cứng hay gây tê tuỷ sống
- Chuyển dạ kéo dài
- Sinh có hỗ trợ bằng dụng cụ như forceps, giác hút…
- Có rách hay phải khâu tầng sinh môn
- Viêm nhiễm đường tiểu hoặc tiền sử bệnh lý tiết niệu trước đó
Phương pháp điều trị:
Sau khi rút sonde tiểu 6 giờ, nếu sản phụ không tiểu được tự nhiên, một số phương pháp hỗ trợ như sau:
- Thuốc giảm đau: giúp giảm cảm giác đau đớn và khó chịu, giúp sản phụ thư giãn để tiểu dễ dàng hơn.
- Vận động (ngồi dậỵ và đi lại)
- Tắm nước ấm
* Nếu sau sinh 8 giờ, sản phụ vẫn chưa tiểu được, việc đặt lại sonde tiểu có thể được chỉ định.
Áp dụng thêm Đông y
Theo Y học cổ truyền, bí tiểu thuộc chứng long bế hay lung bế, nguyên nhân do thận khí bất túc, thấp nhiệt bàng quang hay sang chấn. Bí tiểu sau sinh thuộc nhóm nguyên nhân sang chấn.
Phương pháp điều trị: Chủ yếu dùng các phương pháp không dùng thuốc như châm, cứu, nhĩ châm, kết hợp với dùng thuốc thang nhằm điều hoà khí cơ, hành khí hoạt hoạt, thông lâm.
Phương huyệt: Tùy vào nguyên nhân, các huyệt hay dùng: Khí hải, Quan nguyên, Trung cực, Bàng quang du, Tam âm giao, Túc tam lý, Âm lăng tuyền, Thận du, Tỳ du.
Nhĩ châm các huyệt: Thận, Bàng quang, Phế, Tỳ, Thần môn, Nội tiết, Giao cảm.
Các bài thuốc sẽ được kê đơn theo từng bệnh nhân sau khi được thăm khám đầy đủ theo tứ chẩn của YHCT.
Bí tiểu sau đẻ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và tinh thần của sản phụ, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc phục hồi sức khoẻ sau sinh, tiết sữa, chăm sóc con nhỏ… Sản phụ xuất hiện bí tiểu sau sinh nên đến khám để được tư vấn và điều trị sớm, tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh