Tên tiếng Việt: Màn màn hoa trắng, Bạch hoa thái
Tên khoa học: Cleome gynandra L.
Họ: Capparaceae (Màn màn)
Công dụng: Tê thấp, sốt, sốt rét (Lá sắc uống). Sát trùng, chấy rận (Hạt). Nhức đầu (Lá xông). Còn được dùng chữa lao xương; dùng ngoài đắp rút mủ mụn nhọt độc, vết cắn của bọ cạp và rắn cắn.
Cây thảo, sống hàng năm, cao khoảng 1m. Thân và cành hình trụ, có khía dọc, nhẵn hoặc hơi có lông. Lá mọc so le, kép chân vịt, có cuống dài, 5 lá chét, hình mác hẹp, dài 2,5 – 3cm, rộng 0,7 – 1,5cm, gốc và đầu thuôn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm; lá bắc hình lá; hoa nhỏ, màu trắng; đài 4 răng nhỏ; tràng 4 cánh mỏng; nhị 6 rất dài; bầu mang bởi cuống nhụy. Quả thuôn dài 4 – 7cm, giống quả cải; hạt hình thận. Mùa hoa quả: tháng 4-7.
Chi Gynandropsis L. gồm một số loài phân bố chủ yếu ở Ấn Độ, Srilanca, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Campuchia, Lào, Việt Nam và phía nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, chi này có 3 loài có tên gọi chung là màn màn, nhưng có sự phân biệt theo màu hoa: trắng và tím hồng.
Màn màn hoa trắng có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ. Cây phân bố khá phổ biến ở các nước trong vùng Đông Nam Á và Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây mọc rải rác ở các tỉnh từ đồng bằng đến vùng núi thấp, độ cao thường dưới 600m. Cây ưa sáng, mọc thành đám lẫn với nhiều loài cỏ dại khác trên đất ẩm ở ven đường đi, ruộng trồng hoa màu mới bỏ hoang hay nương rẫy. Màn màn hoa trắng được gieo giống tự nhiên chủ yếu từ hạt; cây con xuất hiện vào tháng 3-4, riêng ở các tỉnh phía nam có thể sớm hơn khoảng 2 tháng. Cây sinh trưởng nhanh; ra hoa quả nhiều; quả khi già tách thành 2 mảnh để hạt rơi vãi ra xung quanh, sau đó toàn cây tàn lụi. Trồng dễ dàng bằng hạt.
Hạt và toàn cây dùng tươi hay phơi khô.
Hạt màn màn trắng có vị đắng, cay, tính ấm, hơi độc, có tác dụng hạ khí, khu phong, tán hàn, hoạt huyết, giảm đau. Toàn cây có vị cay, đắng, tính mát, có tác dụng tiêu đờm, hoạt huyết, giải uất, thanh nhiệt. Hạt và lá có tác dụng kích ứng da.
Hạt màn màn trắng (6 – 12g) được dùng để gây trung tiện, nhưng nếu dùng nhiều sẽ bị đầy hơi, căng dạ dày. Hạt còn chữa lậu và lỵ. Dùng ngoài, để diệt chấy rận và ruốc cá. Rễ (4 – 10g) sắc uống trị sốt, sốt rét, lậu, lỵ, chảy máu chân răng. Lá gây kích ứng da, rộp da, nhưng lại dùng đắp ngoài trong thời gian ngắn để chữa đau lưng, đau đầu, đau khớp, đắp chữa herpes (bệnh mụn rộp). Toàn cây (9 – 15g) sắc uống, chữa đau khớp, phong thấp, hoặc nấu kỹ để rửa chỗ bị trĩ. Cây tươi giã nát, đắp chữa mụn nhọt, sưng khớp, bọ cạp đốt, rắn cắn. Cành lá màn màn trắng có thể dùng muối dưa hoặc nấu làm rau ăn, ăn nhiều thì cồn cào khó chịu, ăn vừa thì chống được hàn thấp, tăng cường tiêu hóa.
Thuốc làm dịu cơn đau thận: Lá màn màn trắng (40 – 60g), giã nát với 1 – 2 củ hành và ít muối, làm thành bánh, đắp vào bụng dưới.
Chữa đau đầu: Lá màn màn trắng (30 – 40g), rửa sạch, giã nát, làm thành 2 miếng, đắp vào hai bên thái dương.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh