✴️ Biện chứng luận trị thủy thũng

ĐỊNH NGHĨA.

Thủy thũng là bệnh ứ nước lại trong cơ thể tràn ra ngoài tổ chức như dưới da, các màng cơ và thanh mạc gây nên đầu, mặt, mi mắt, chân tay, bụng lưng thậm chí toàn thân phù thũng.

 

NGUYÊN NHÂN.

Ngoại cảm phong tà:

Phong tà tác động vào phế làm phế khí không tuyên thông, phế khí không giáng thì không điều hoà được đường tuần hoàn của nước ở thượng tiêu, nước không xuống được bàng quang, ứ lại tràn ra thành thũng.

Thủy thấp:

Như ở nơi ẩm thấp, dầm mưa dầm nước lâu, thấp xâm nhập vào cơ thể

trung tiêu, làm cho tỳ bị bao vây ảnh hưởng chức năng vận hoá thấm thấp, nước ứ lại tràn ra mà gây nên phù thũng.

Nội thương:

Do độc tố xâm phạm các cơ quan chủ yếu là phế, tỳ, thận làm cho chúng không vận hóa, khí hóa được thuỷ dịch ứ lại gây phù thũng.

Ăn uống:

Ăn uống không điều độ, thiếu chất dinh dưỡng hoặc không hấp thu được do tỳ vị hư nhược, tỳ không vận hóa được làm cho thủy dịch đình lại, nếu bị nặng ảnh hưởng đến thận khí, khi thận khí bị tổn thương thì khai hạp không bình thường, thận không khí hóa được thủy dịch xuống bàng quang nên thủy dịch bị rối loạn tràn ra ngoài gây phù thũng.

 

PHÂN LOẠI.

Có nhiều cách phân loại khác nhau, tuy vậy có hai cách phân loại được nhiều người ứng dụng là cách phân loại ở tài liệu Kim Quĩ yếu lược và Chu Đan Khê.

Theo Kim Quĩ yếu lược ( chia làm 8 thể):

Phong thủy: cảm phải phong tà gây phù, sợ gió, mạch phù,  không khát.

Chính thủy: phù gây khó thở mạch trầm trì.

Thạch thủy: phù nhiều ổ bụng, bụng chướng mạch trầm nhưng không khó thở.

Tâm thủy: phù mà phiền táo, đoản khí đoản hơi.

Can thủy: bụng cổ chướng, sườn đau mạch huyền.

Phế thủy: phù mà đái khó, đại tiện lỏng nhưng ít.

Tỳ thủy: bụng to, chân tay phù nặng nề, đái ít.

Thận thủy: lưng và thắt lưng đau, bí đái, chân tay lạnh buốt.

Theo Chu Đan Khê (chia làm 2 thể, đây là phân loại thường dùng hiện nay):

Dương thủy: chủ yếu do ngoại tà như phong tà, thủy thấp tác động vào phế, tỳ thường bệnh nhẹ điều trị có hiệu quả nhanh.

Âm thủy: do nội thương, ẩm thực, cơ thể mệt mỏi nhiều làm cho tỳ ận khí hư thường là bệnh kéo dài, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Như vậy thủy thũng liên quan chặt chẽ chủ yếu đến 3 tạng phế, tỳ, thận, do ngoại tà thủy thấp thường gây nên thể dương thủy, phép điều trị thường là tả pháp thanh trừ thấp, nhiệt lợi niệu, tả hạ là chủ yếu. Nếu do nội thương ẩm thực thường gây nên âm thủy, phép điều trị lấy ôn làm chủ.

Theo Y học hiện đại (YHHĐ) người ta bị phù do nhiều nguyên nhân: phù do viêm thận, phù do xơ gan, phù do suy tim, phù do thiểu dưỡng, phù do dị ứng. ngoài ra phù còn có các nguyên nhân khác như: do lao, do ung thư. Phù có thể gặp ở đầu, mặt, chân tay, lưng, bụng và phù cả bên trong như tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, mào tinh hoàn, tràn dịch đa màng…

Khi gặp chứng phù thũng ta phải biết kết hợp YHHĐ với Y học cổ truyền (YHCT) để chẩn đoán thể loại, chẩn đoán nguyên nhân, cần biết mức độ nặng nhẹ, ảnh hưởng của từng phương pháp mà vận dụng YHCT đơn thuần hay kết hợp YHCT với YHHĐ, để đạt được kết quả cao nhất.

 

BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ.

Dương thủy:

Dương thủy chủ yếu do ngoại tà phong và thấp tác động vào phế tỳ gây nên có 2 thể:

Thể phong thủy lan tràn:

Triệu chứng: do ngoại cảm phong tà gây ra các triệu chứng sốt nóng, sợ gió, sợ lạnh, đau đầu, tay chân mỏi mệt, thường có ho, họng đỏ sưng đau, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác. Kèm theo có phù mi mắt xuất hiện đầu tiên sau đó bệnh phát triển nhanh phù ra toàn thân, tiểu ít khó đi.

Phương pháp điều trị: phát hãn, tuyên phế lợi thủy.

Phương thuốc 1: việt tỳ thang gia giảm

Ma hoàng 10g

Thạch cao 30g

Cam thảo 6g

Sinh khương 12g

Phục linh 15g

Bạch mao căn 20g

Kim ngân hoa 20g

 

 

Ý nghĩa bài thuốc: ma hoàng, thạch cao để thanh nhiệt tuyên phế, sinh khương để sơ tán ngoại tà; phục linh, mao căn để trừ thấp lợi niệu; kim ngân hoa, cam thảo để giải độc.

Nếu ho nhiều gia cát cánh 12g, tô tử 12g:

Nếu phong hàn thịnh thì bỏ thạch cao gia phòng phong, tô diệp, quế chi, hạnh nhân mỗi vị 12g.

Phương thuốc 2:

Lá tía tô 20g

Cam thảo đất 20g

Hành tăm 12g

Lá chanh 12g

Lá tre 12g

Cát căn 12g

Sinh khương 12

Bông mã đề 20g

 

Sắc uống ngày 1 thang.

Thể thủy thấp:

Triệu chứng: phù toàn thân, phù nhiều ở bụng và chi dưới, phù ấn lõm rõ, người nặng nề, mệt mỏi, ăn kém, ngực sườn đầy tức, tiểu ít, rêu lưỡi trắng bẩn hoặc vàng bẩn, chất lưỡi bệu nhợt, mạch nhu tế, bệnh thường phát triển từ từ kéo dài.

Phương pháp điều trị: thông dương, hóa thấp, lợi thủy.

Phương thuốc: ngũ linh tán hợp ngũ bì ẩm gia giảm.

Phục linh 30g

Trư linh 15g

Bạch truật 15g

Tang bạch bì 15g

Đại phúc bì 12g

Quế chi 12g

Sinh khương bì 12g

Trạch tả 12g

Trần bì 6g

Thương truật 10g

Hậu phác 10g

Cam thảo 6g

Sắc uống ngày 1 thang.

 

 

Ý nghĩa bài thuốc: phục linh, trư linh, trạch tả để kiện tỳ lợi thủy thẩm thấp. Bạch truật, thương truật để kiền tỳ hoá thấp. Quế chi để giải biểu trợ giúp qúa trình khí hoá của bàng quang. Sinh khương bì để tán thủy ẩm, tang bạch bì để túc phế giáng khí thông thủy đạo, đại phúc bì, trần bì, hậu phác để hành khí thông tiêu đầy trướng, hoá thấp trọc, cam thảo để giải độc điều hòa vị thuốc.

Nếu thấp thắng, dương khí yếu, người lạnh, sợ lạnh, chân tay lạnh, mạch trầm trì thì gia thêm phụ tử chế 12g, can khương 12g để trợ dương hóa khí giúp cho hành thủy trừ thấp.

Âm thủy:

Thể tỳ dương hư suy:

Triệu chứng: phù nặng từ thắt lưng trở xuống, bụng căng đầy, ăn kém, đại tiện lỏng, sắc mặt vàng xạm, chân tay lạnh, người mệt mỏi, tiểu ngắn ít, chất lưỡi bệu bệch, rêu lưỡi trắng trơn, mạch trầm hoãn.

Phương pháp điều trị: ôn bổ tỳ dương, lợi thủy.

Phương thuốc: thực tỳ ẩm gia giảm.

Bạch truật 12g

Phục linh 15g

Phụ tử chế 10g

Can khương 6g

Đẳng sâm 20g

Hậu phác 12g

Mộc qua 20g

Đại phúc bì 12g

Quế chi 10g

Thảo quả 10g

Chích cam thảo 6g.

Sắc uống ngày 1 thang.

Ý nghĩa bài thuốc: đẳng sâm, bạch truật, phục linh, phụ tử chế, can khương để ôn bổ tỳ dương, trừ thấp lợi thủy. Hậu phác, mộc qua, đại phúc bì, quế chi, thảo qủa để hạ khí đạo trệ, hóa thấp hành thủy, cam thảo để giải độc điều hòa vị thuốc.

Một số bài thuốc nghiệm phương:

Hoàng kỳ ích mẫu thảo thang:

Hoàng kỳ 60g

Ích mẫu thảo 90g

Bạch biển đậu 20g

Khiếm thực 20g
Phúc bồn tử 15g

Đẳng sâm 15g
Phá cố chỉ 10g

Bạch truật 15g
Phụ tử chế 10g

Trần bì 10g.

Sắc uống ngày 1 thang.

 

Ích khí hoạt huyết hóa thấp thang:

Hoàng kỳ 12g

Đẳng sâm 12g

Đan sâm 12g

Đương qui 12g

Ích mẫu thảo 12g

Ý dĩ nhân 12g

Sắc uống ngày 1 thang

Thể thận khí hư:

Triệu chứng: phù toàn thân, phù nặng từ thắt lưng trở xuống, phù ấn lõm lâu lên; đau mỏi nhiều vùng thắt lưng, chân tay và vùng bụng dưới lạnh, người mệt mỏi, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi bệu, mạch trầm tế.

Phương pháp điều trị: ôn thận hóa khí lợi thủy.

Phương thuốc: chân vũ thang gia vị.

Phụ tử chế 12g

Phục linh 15g

Trư linh 15g

Bạch truật 15g

Bạch thược 15g

Nhục quế 6g

Ba kích 12g

Trạch tả 12g

Sinh khương 10g

Sắc uống ngày 1 thang.

 

 

Ý nghĩa bài thuốc: phụ tử chế, nhục quế để ôn thận trợ dương, sinh khương giúp phụ tử ôn dương tán hàn, ba kích để bổ thận trợ dương, bạch truật, phục linh, trư linh, trạch tả để kiện tỳ trừ thấp, bạch thược để dưỡng âm tiếp dương. Hoặc dùng bài thận khí hoàn (bát vị quế phụ + sa tiền tử ngưu tất).

Bài thuốc kinh nghiệm:

Thổ phục linh 20g

Tỳ giải 12g

Hoài sơn 12g

Đại hồi 10g

Nhục quế 6g

Tiểu hồi 8g

Sa tiền tử 20g

Đậu đỏ sao 20g

Cỏ xước 20g

Đậu đen sao 10g

Can khương 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

 

CHẾ ĐỘ ĂN.

Đảm bảo cho bệnh nhân một lượng calo đủ và cân bằng, ít nhất phải đạt 35 Kcalo/kg/24h. Khi suy thận có urê máu cao chỉ nên dùng thức ăn dạng bột: gạo, mì, khoai (nên dùng 100g gạo/ ngày)

Phải đảm bảo đủ protit nhất là các axit amin cần thiết. Nếu bệnh nhân mất nhiều protit thì phải bù thêm; trung bình cho protit 1g/kg/24h với bệnh nhân có hội chứng thận hư (đái >3.5g/lit/ngày), trẻ em cho 2g/kg/24h.

Bệnh nhân suy thận nặng chỉ cho 20g protit/ngày tốt nhất là trứng và sữa.

Chế độ ăn nhạt thực hiện khi bệnh nhân có phù, cao huyết áp, suy tim.

Uống nước: lượng nước vào = nước uống + ăn canh + nước sinh ra do chuyển hóa (300ml), lượng nước ra gồm: nước tiểu + lượng nước mất qua mồ hôi và hơi thở (600ml/24h ở nhiệt độ bình thường) + mất qua phân (100 – 150ml/24h).

Nếu có sốt, ỉa chảy thì lượng nước mất nhiều hơn, như vậy phải cân bằng lượng nước vào ra.

Nếu bệnh nhân phù, tiểu ít, suy tim cần hạn chế nước, lượng nước vào ít hơn lượng nước ra.

Nếu bệnh nhân đái nhiều, mất nước thì lượng vào phải nhiều hơn ra.

Các bệnh nhân suy thận phải ăn theo chế độ giảm đạm và nhiều calo và cần được bổ sung thêm các loại vitamin (đa sinh tố) có thể dùng nước ép hoa quả giàu sinh tố, các loại rau sạch như rau bầu, bí, mướp…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top