Đây là biện pháp sử dụng chỉ khâu phẫu thuật vi cấy ghép vào huyệt vị được cứu ứng dụng nhằm nâng cao sức khỏe, điều trị, dự phòng và phục hồi chức năng. Phương pháp này có thể còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như cấy chỉ, chôn chỉ, vùi chỉ, nhu châm… đã thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới.
Cấy chỉ thường sử dụng chỉ tự tiêu (chỉ catgut) cấy ghép vào huyệt vị châm cứu của hệ kinh lạc bằng kim chuyên dụng. Chỉ catgut sẽ tự tiêu trong 15 đến 20 ngày, tương đương 1 lần cấy chỉ có tác dụng như 15 đến 20 ngày châm cứu. Một liệu trình điều trị trung bình 05 lần cấy ghép, mỗi lần cách nhau 15 đến 20 ngày. Do vậy, cấy chỉ có thể được coi là một bước tiến, một sự chuyển mình mạnh mẽ trong châm cứu, tạo ra một cuộc các mạng thay đổi quan niệm và cách thức tác động vào huyệt vị, có cơ sở khoa học như châm cứu.
Châm cứu truyền thống là dùng kim châm hoặc dùng ngải cứu kích thích vào huyệt trong một khoảng thời gian nhất định. Một số phương pháp tân châm như tiêm thuốc vào huyệt, kích thích điện, kích thích bằng từ, bằng laser… Khác với các hình thức trên, sử dụng chỉ khâu phẫu thuật cấy ghép vào huyệt vị có tác dụng tồn lưu lâu dài trên huyệt trong một khoảng thời gian dài ít nhất 15-20 ngày nên nâng cao được hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị… Bên cạnh đó, tính khoa học của công nghệ này là việc kế thừa và phát triển của các nghiên cứu khoa học về bản chất của huyệt đạo và hệ kinh lạc.
Cấy chỉ vào huyệt vị có tính khoa học, dân tộc và đại chúng. Cấy chỉ vào huyệt vị đã kế thừa và phát triển các nghiên cứu khoa học về bản chất của huyệt đạo, hệ kinh lạc và các cách tác động vào huyệt vị. Theo y học hiện đại, dưới sự tác động vào huyệt vị của chỉ khâu phẫu thuật tự tiêu đã kích thích cơ thể thay đổi đáp ứng miễn dịch, tăng sinh các chất nội sinh có tác dụng giảm đau chống viêm như beta endorphin, adenosin…; kích thích cân bằng nội tiết, điều hòa thần kinh thực vật, cân bằng trương lực cơ, cân bằng huyết áp, điều chỉnh cơ chế chuyển hóa, an thần… Với công nghệ vi cấy ghép, cấy chỉ vào huyệt vị đã phát triển được tính đại chúng là do công nghệ đã thể hiện những ưu điểm, khắc phục nhược điểm gây đau, chảy máu của các công nghệ khác, tạo thuận lợi cho việc phát triển châm cứu trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như dễ phổ cập cho các cơ sở y tế.
Cấy chỉ thực chất chỉ là một hình thức tác động vào huyệt vị như các phương pháp tác động khác. Điểm khác biệt là do sự tồn lưu của chỉ khâu phẫu thuật trong khoảng thời gian nhất định có tác dụng chữa bệnh.
Cấy chỉ cũng là một hình thức tác động vào huyệt vị, thông qua đó có tác dụng điều hòa âm dương, khí huyết, hành khí thông kinh, khai uất trệ, chỉ thống (giảm đau)… Theo y học hiện đại, cấy chỉ có tác dụng theo cơ chế phản xạ thần kinh và hóa sinh học. Tại các huyệt vị được cấy chỉ, các bó cơ tăng sinh và điều hòa trương lực cơ (nếu giảm sẽ làm tăng, nếu tăng sẽ làm giảm đi). Các nghiên cứu y sinh học còn cho thấy có sự thay đổi các chất hóa sinh trong cơ thể sau khi cấy chỉ vào các huyệt vị.
Cấy chỉ có thể được áp dụng cho các trường hợp thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, nhức đầu, thiểu năng tuần hoàn não, thoát vị đĩa đệm, viêm đại tràng mạn tính… Ngoài ra, có thể áp dụng cấy chỉ để điều trị – phục hồi chức năng nhiều bệnh lý trong một lần điều trị. Ở người cao tuổi, người bệnh có thể cùng lúc mắc nhiều căn bệnh khác nhau như đau lưng, đau vai gáy do thoái hóa – thoát vị đĩa đệm trên bệnh nhân đái tháo đường, mỡ máu cao, mãn kinh, thiếu máu não, đau thắt ngực…đều có thể điều trị – phục hồi chức năng các bệnh nói trên chỉ trong một lần điều trị. Do vậy, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như không phải đi lại nhiều lần, không phải nằm viện do chỉ cần điều trị ngoại trú… Riêng với bệnh ung thư thì cấy chỉ được xem là hỗ trợ điều trị, khắc phục tình trạng suy nhược, đau đớn, thiếu máu, di chứng do xạ trị, mất ngủ… sau điều trị hóa chất và phóng xạ. Tuy nhiên, biện pháp này không được áp dụng cho các bệnh ngoại khoa cấp cứu mà người bệnh cần đến các bệnh viện để được điều trị.
Trong y khoa, biến chứng, tai nạn điều trị là điều không mong muốn ở cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Biến chứng không mong muốn và có thể gặp ở cấy chỉ là nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do thực hiện không tốt công tác vô khuẩn như thầy thuốc không rửa tay sạch, không đi găng tay bảo vệ, cơ thể bệnh nhân không sạch sẽ, sau cấy chỉ bệnh nhân nhanh chóng tiếp xúc với môi trường ô nhiễm… Để tránh biến chứng này, người thực hiện cần tuân thủ việc đảm bảo vô khuẩn khi tiến hành thủ thuật cấy chỉ cho bệnh nhân.
Người thầy thuốc phải rửa tay sạch và cần đeo găng tay phẫu thuật khi cấy chỉ vào huyệt.
Người bệnh cần tìm đến cơ sở có uy tín, có quy trình đảm bảo vô khuẩn tốt, thực hiện nguyên tắc một chiều (dụng cụ cấy chỉ dùng riêng cho từng bệnh nhân); cần phải giữ gìn vệ sinh cá nhân như nên tắm rửa sạch sẽ trước khi cấy chỉ, kiêng tắm khoảng 6 giờ sau khi cấy, tránh gió lùa và môi trường ô nhiễm…
Tuy nhiên, cần chú ý phân biệt việc nhiễm khuẩn với phản ứng viêm vô khuẩn có thể hình thành sau cấy chỉ vào huyệt. Trường hợp này không cần phải xử trí gì và người bệnh không phải lo ngại. Bên cạnh đó, để mang lại hiệu quả cao trong điều trị, trước khi điều trị bằng cấy chỉ, người bệnh cần chú ý: Không ăn quá no, không uống rượu, không uống nước ngọt, cà phê…, không quá đói và không lao động thể lực quá sức, không quá mệt mỏi. Nên ngồi nghỉ ngơi tại chỗ trước khi điều trị và cần tắm rửa trước khi đến điều trị. Để tiện cho việc điều trị, người bệnh nên mặc quần áo rộng rãi.
Sau khi cấy chỉ, người bệnh cần ngồi nghỉ tại phòng khám 10 – 15 phút và không lao động thể lực quá sức. Có thể tắm rửa 4 – 6h sau khi điều trị. Không nên ăn các loại thức ăn tanh như tôm, cua, cá, mực và đồ ăn nếp (xôi nếp, bánh chưng…).
Cấy chỉ thực chất chỉ là một hình thức tác động vào huyệt vị như các phương pháp tác động khác. Điểm khác biệt là do sự tồn lưu của chỉ khâu phẫu thuật trong khoảng thời gian nhất định có tác dụng chữa bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh