✴️ Cây cối xay

Nhận biết cây cối xay ngoài tự nhiên

Cây cối xay còn có tên gọi khác là cây kim hoa thảo, cây nhĩ hương thảo, hay ma mãnh thảo. Đây là loại cây mọc thành bụi cao khoảng 1.5m và sống khá lâu năm. Toàn cây có một lớp lông tơ bao phủ. Lá hình tim, mềm, viền lá có răng cưa, bề rộng khoảng 10cm, mọc so le. Hoa màu vàng, 5 cánh to. Quả có 20 lá noãn. Mỗi lá có khoảng 3 hạt màu đen nhạt hình như quả thận. Nhìn bên ngoài quả trông như hình cối xay nên dân gian gọi tên là cây cối xay.

Cây cối xay là vị thuốc nam khá đặc trưng của tỉnh Hòa Bình. Chúng mọc rất nhiều ở ven các sườn đồi, thậm chí cả ven đường. Ở các nước châu Á khác cũng có cây cối xay như Indonexia, Malayxia, Ấn Độ…

Bộ phận dùng cây cối xay làm thuốc là lá, thân, rễ và quả.

Thành phần hóa học có trong cây cối xay

  • Cây chứa tinh dầu với nhiều thành phần như geraniol, farnesol, alemen, borneol…

  • Hạt chứa 1.6% raffinose và nhiều glycerid của các acid oleic, stearic, linoleic….

  • Lá chứa asparagin và nhiều chất nhầy

  • Rễ cây cối xay chủ yếu b- sitosterol, các chứa béo…

công dụng của cây cối xay

 

Tác dụng chữa bệnh của cây cối xay và cách dùng cây cối xay điều trị các bệnh

Trong y học cổ truyền có vị ngọt nhẹ, tính bình hòa. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng, lợi tiểu…

Cây cối xay chữa sỏi thận

Cơ chế hình thành sỏi thận – tiết niệu đến nay vẫn còn chưa rõ ràng. Nhiều thuyết ra đời tuy nhiên chưa nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia. Tuy vậy có 4 yếu tố được xem là góp phần hình thành sỏi trong hệ thống tiết niệu.

  • Tình trạng bão hòa các chất hòa tan trong nước tiểu.

  • Tình trạng giảm nồng độ các chất ức chế kết tinh các tinh thể trong nước tiểu hoặc sự tăng các chất hoạt hóa kết tinh tinh thể.

  • Thể tích nước tiểu giảm

  • pH nước tiểu kiềm hoặc acid. Bình thường pH nước tiểu nằm trong khoảng từ 5 – 9. Tức là xoay xung quanh vùng trung tính.

Cây cối xay chữa sỏi thận nhờ vào tác dụng lợi tiểu làm tăng số lượng nước tiểu. Tuy nhiên chỉ nên áp dụng cho sỏi thận kích thước nhỏ, chưa có gây ra các biến chứng như tiểu máu, nhiễm trùng đường tiểu, viêm thận…

Dùng lá, hoa, quả cây cối xay đã phơi khô đem nấu nước uống hàng ngày. Mỗi ngày dùng khoảng 40g cây cối xay đun với 1.5 lít nước. Đun uống thay nước hàng ngày. Lưu ý mỗi ngày không uống quá 2 lít. Và nên kiên trì dùng trong 2 tháng.

Cây cối xay chữa ù tai

Ù tai thường được chia làm 2 loại theo âm thanh là ù tai âm cao (tiếng ve kêu) và ù tai âm trầm (tiếng cối xay lúa). Cây cối xay đúng theo tên gọi, có khả năng cải thiện thính lực trong các trường hợp ù tai âm trầm. Đối với các trường hợp ù tai âm cao cũng có thể dùng được nhưng hiệu quả không cao bằng ù tai âm trầm.

Cối xay 30g quả hoặc 60g toàn cây nấu cùng thịt lơn nạc, ăn cả nước và cái. Có thể ăn cùng với cơm. Dùng liên tục trong 2 tuần sẽ có hiệu quả

Cách dùng cây cối xay chữa trĩ

200g cây cối xay khô, cho 4 bát nước (loại bát con ăn cơm) sắc đặc lấy 1 bát. Uống hết phần nước sau ăn, ngày uống 1 lần. Phần bã đun lên với nước để ngâm hậu môn. Lúc nước ngâm còn nóng thì xông hậu môn, lúc ấm thì ngâm độ 10 phút rồi rửa hậu môn. Việc xông và ngâm hậu môn nên thực hiện 3-4lần/ngày.

Cây cối xay chữa phù thũng

8g lá cối xay và 12g rễ thóc lép cho vào 300ml nước, đun sôi trong 30 phút. Chia ngày uống 3 lần hoặc dùng 30g lá cối xay với 16g ích mẫu nấu với 300ml nước lấy 150ml chia 3 lần uống trong ngày.

Điều trị chứng tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ít, nước tiểu sậm màu trong viêm đường tiết niệu

30g cây cối xay + 20g rễ cây tranh + 12g râu ngô + 20g bông mã đề + 12g rau má + 8g cỏ mần trầu. Tất cả đun với 1 lít nước, sắc còn 350ml đem chia làm 2 lần uống trong ngày trước ăn. Thông thường dùng trong vòng 10 ngày sẽ hết triệu chứng của bệnh.

Chữa chứng vàng da trong các bệnh viêm gan

Kết hợp nhân trần và cây cối xay mỗi loại 30g, sắc nước uống trong ngày thay trà. Dùng trong 1 tháng sẽ có cải thiện nhiều.

Hỗ trợ trong điều trị các bệnh cơ xương khớp 

5g lá cối xay khô + 5g rễ cây xấu hổ + 3g rễ cỏ xước + 3g rễ gấc + 3g lá lốt, sắc nước uống thay trà hàng ngày. Dùng trong 1 tháng các triệu chứng đau nhức do viêm xương khớp gây ra sẽ được cải thiện.

Ai không nên dùng cây cối xay

Bởi tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nên những người có tình trạng sức khỏe sau không nên dùng cây cối xay

  • Thận hư tiểu nhiều trong ngày, nước tiểu trong, dài.

  • Đại tiện phân lỏng nát, tiêu chảy…

  • Phụ nữ mang thai

Trên đây là cách nhận biết cây cối xay ngoài tự nhiên cùng công dụng và cách dùng cây cối xay trong chữa bệnh. Mặc dù cây cối xay có nhiều lợi ích với sức khỏe tuy nhiên trước khi sử dụng cây cối xay để chữa bệnh bạn vẫn nên tham vấn ý kiến của các bác sỹ y học cổ truyền. Không nên tự ý sử dụng tại nhà. Mỗi bệnh sẽ có nhiều thể bệnh, thêm vào đó bạn có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc. Do đó cần sự hướng dẫn từ các chuyên gia để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn do dược liệu gây ra.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top