Công dụng của nhân sâm với đường huyết

Rễ của cây nhân sâm- hay củ nhân sâm đã được sử dụng hàng ngàn năm trong y học cổ truyền phương đông để tăng cường năng lượng, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe. Gần đây nhân sâm đã được nghiên cứu như một liệu pháp để giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện tuần hoàn, tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện sức chịu đựng và tăng sức đề kháng với stress.   

Các nghiên cứu về nhân sâm và đường huyết

Một nghiên cứu về những người bị bệnh tiểu đường type 2 sử dụng nhân sâm cho thấy một sự cải thiện đáng kể lượng HbA1C (chỉ số đánh giá tỷ lệ phần trăm trung bình đường huyết của người bệnh trong một khoảng thời gian dài khoảng 2-3 tháng) sau 12 tuần dùng loại thảo dược này. Một nghiên cứu khác cho thấy có sự cải thiện nhẹ về độ nhạy cảm với insulin. Những người bệnh tiểu đường trong nghiên cứu này sử dụng 2 loại "hồng sâm Hàn Quốc " và "nhân sâm Mỹ".

Một nghiên cứu năm 2014 phân tích tổng hợp kết quả của 16 nghiên cứu khác đã xem xét những nhóm người dùng nhân sâm 1 cách ngẫu nhiên, bao gồm nhóm người dùng có kiểm soát trong 30 ngày trở lên, những người có bệnh tiểu đường và những người không mắc. Họ nhận thấy rằng nhân sâm (Panax ginseng) giúp giảm đáng kể nồng độ glucose máu so với nhóm đối chứng. Nhân sâm không có tác động đáng kể đến chỉ số HbA1c (một chỉ số để kiểm soát lượng glucose máu trong một thời gian dài), hàm lượng glucose huyết tương lúc đói hoặc phương pháp đánh giá cân bằng nội môi của kháng insulin. Họ kết luận rằng nhân sâm "chưa tạo được cải thiện đáng kể lượng đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường và những người không mắc tiru đường."

 

Tác dụng phụ của nhân sâm và tương tác với thuốc trong bệnh tiểu đường và các bệnh khác

Nhân sâm có nhiều tác dụng với cơ thể và nên được sử dụng một cách thận trọng sau khi đã tham khảo ý kiến của ​​bác sĩ về các tác động có thể xảy ra với các loại thuốc khác bạn đang sử dụng.

Nhân sâm đã được ghi nhận là gây buồn nôn, nôn, mất ngủ, căng cơ và giữ nước. Tính an toàn của việc sử dụng nhân sâm trong khi mang thai chưa được xác định và do đó nên tránh dùng nhân sâm khi mang thai. Nhân sâm được coi là không an toàn với trẻ sơ sinh và trẻ em.

Nhân sâm còn làm giảm hiệu quả ngăn ngừa cục máu đông của warfarin (Coumadin)- là thuốc làm loãng máu. Nhân sâm cũng không nên sử dụng ở những người có khối u nhạy cảm nội tiết tố (ung thư vú chẳng hạn) hoặc người có tình trạng nhạy cảm về hormone như mắc bệnh lạc nội mạc tử cung.

Nhân sâm có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc điều trị tiểu đường, vì vậy người bệnh tiểu đường phải thảo luận với bác sĩ và dược sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung chứa nhân sâm. Đã có báo cáo ghi nhận nhân sâm có tác động vừa phải tới insulin, glimepiride, glyburide, glipizide và nhiều chất khác, mà điều này có thể dẫn đến hạ đường huyết. Để đảm bảo an toàn, bạn có thể phải thay đổi liều lượng thuốc nếu bạn dùng nhân sâm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top