Mướp đắng được coi là một loại thực phẩm và có chứa các hợp chất hỗ trợ trong điều trị các bệnh như tiểu đường. Các chất chiết xuất từ quả và hạt mướp đắng phổ biến rất rộng rãi dưới hình thức thực phẩm chức năng.
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng các hợp chất được tìm thấy trong mướp đắng có thể có tác dụng tương tự như insulin, là hormone giúp các tế bào của cơ thể sử dụng được glucose trong máu.
Vì các chất trong mướp đắng có hoạt động giống insulin nên có thể giúp bảo vệ chống lại sự kháng insulin và giữ lượng đường trong máu của bạn không tăng lên. Do vậy mướp đắng được cho là có thể giúp chống lại bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, mướp đắng được cho là giúp hỗ trợ điều trị và/hoặc ngăn chặn các vấn đề sức khỏe sau đây:
Mướp đắng cũng được cho là có thể chống ung thư và giúp giảm cân.
Mặc dù một số nghiên cứu sơ bộ trên động vật cho thấy mướp đắng có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường, nhưng những thử nghiệm lâm sàng để chứng minh những phát hiện này vẫn còn thiếu.
Đối với một báo cáo được công bố trên Cochrane Database of Systematic Reviews vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã phân tích bốn thử nghiệm lâm sàng được công bố trước đây (với tổng số 479 người tham gia) thử nghiệm những lợi ích tiềm năng của trái mướp đắng trong việc điều trị bệnh tiểu đường. Tác giả của báo cáo đã không chứng minh được tác dụng tích cực của mướp đắng lên đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Dưới đây là một số các nghiên cứu khác có sẵn trên mướp đắng và lợi ích có thể của nó:
1) Cholesterol
Trong một nghiên cứu trên chuột công bố trong Nutrition Research vào năm 2013, các nhà khoa học quan sát thấy rằng động vật được áp dụng một chế độ ăn uống giàu chiết xuất từ mướp đắng đã giảm được đáng kể nồng độ cholesterol.
2) Ung thư
Mướp đắng được hứa hẹn trong việc phòng chống ung thư vú, theo một nghiên cứu sơ bộ được công bố trong Cancer Research vào năm 2010. Trong nghiên cứu, thử nghiệm trên các tế bào ung thư vú đã chứng minh rằng điều trị bằng chiết suất từ mướp đắng có thể giúp ức chế sự tăng trưởng tế bào ung thư.
3) Béo phì
Một nghiên cứu trên chuột công bố trong Diabetes Research and Clinical Practice năm 2008 cho thấy mướp đắng có thể giúp chống lại tình trạng mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng đặc trưng bởi sự tích tụ của chất béo xung quanh dạ dày và bụng, mỡ nội tạng có liên quan với tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường và bệnh Alzheimer.
Mướp đắng có thể gây tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy và đau đầu.
Vì mướp đắng có thể làm hạ đường huyết của bạn nên việc sử dụng mướp đắng kết hợp với các thuốc tiểu đường có thể làm lượng đường trong máu giảm xuống mức thấp một cách nguy hiểm.
Do đó, cá nhân sử dụng bất kỳ loại thuốc tiểu đường nào cũng nên thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng mướp đắng.
Mặc dù không có loại thực phẩm chức năng nào có thể được sử dụng thay thế cho chăm sóc tiêu chuẩn của bệnh tiểu đường, có một số bằng chứng cho thấy một số biện pháp tự nhiên có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu của bạn và hỗ trợ trong kiểm soát bệnh tiểu đường. Những biện pháp đó bao gồm các loại thảo mộc như quế, nhân sâm, và nghệ.
Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng các phương pháp như uống trà một cách thường xuyên và duy trì mức độ tối ưu của vitamin D có thể có lợi cho việc bảo vệ chống lại bệnh tiểu đường.
Nhiều cửa hàng tạp hóa và chợ bán mướp đắng như một loại thực phẩm. Ngoài ra, thực phẩm bổ sung có chứa chiết xuất từ mướp đắng có thể được tìm thấy trên trang mạng trực tuyến, hiệu thuốc, và các cửa hàng chuyên về các sản phẩm thảo dược.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh