Tên tiếng Việt: Củ chóc, Bán hạ nam, Bán hạ lá ba thuỳ, Phiắc héo (Tày)
Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott
Tên đồng nghĩa: Arum trilobatum L.
Họ: Ráy (Araceae)
Công dụng: Chống nôn, chữa nôn mửa ở phụ nữ có thai, nôn do viêm dạ dày mạn tính, ho, hen suyễn, long đờm. Còn dùng chữa họng viêm có mủ, đau đầu hoa mắt, ngực chướng đầy.
1. Mô tả:
- Cây thảo, sống hàng năm, cao 20-30 cm. Thân củ hình cầu, có những khía ngang. Lá mọc từ củ, có cuống dài pha màu đỏ tím nhạt, phần gốc loe ra thành bẹ; phiến lá chia 3 thùy, thùy giữa to hình thoi, hai thùy bên hẹp hơn, xòe ngang, gốc hình tim, đầu nhọn, mép uốn lượn, gân mặt dưới lá đôi khi cũng có màu đỏ tím.
- Cụm hoa là một bông mo, ngắn hơn lá, mo có phần ống hình trứng hoặc bầu dục thuôn màu lục pha đỏ tím, phân thùy thành bản rộng thuôn nhọn dần ở đầu, mặt ngoài màu lục nhạt, mặt trong màu đỏ hồng, trục hoa màu hồng, phần mang hoa cái hình trụ ngắn, phần mang hoa không sinh sản dài hơn, tiếp đến là phần không mang hoa dài gấp đôi phần mang hoa không sinh sản, phần mang hoa đực có nhiều hoa, phần cuối trục hình dùi, thẳng, gốc hơi loe rộng, hoa có mùi khó ngửa, nhất là về buổi chiều.
- Mùa hoa: tháng 5 – 7 .
- Loài Typhonyum divaricatum (L.) Decne (củ chóc ri, bán hạ dại) có dáng nhỏ hơn, lá hình mũi tên, hai thùy bên ngắn hẹp, phần thùy của mo kéo dài thành mũi nhọn cong, màu đỏ thẫm. Cây cũng được dùng νới công dụng tương tự nhưng ít phổ biến hơn.
2. Phân bố, sinh thái:
Chi Typhonium Schott có khoảng 38 loài trên thế giới đều là những cây thảo, phân bố rải rác ở vùng ôn đới ấm, cận nhiệt đới và nhiệt đới châu Á, Bắc Phi, châu Đại Dương và một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, chi này có 10 loài (Nguyên Văn Dư, 2000) trong đó 3 loài được dùng làm thuốc. Loài củ chóc phân bố tương đối rộng rãi từ đồng bằng đến trung du và miền núi (dưới 1000 m), trong đất liền cũng như ở một số đảo lớn. Cây còn phân bố ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Ấn Độ.
Củ chóc có thân ngầm dạng củ, thường mọc ở đất ẩm trong vườn, bãi sông, ruộng trồng hoa màu và nương rẫy. Hàng năm, cây thường mọc vào khoảng cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3.Sau khi ra hoa quả, phần trên mặt đất tàn lụi vào tháng 6 – 7. Cây mọc từ hạt, được một năm củ còn nhỏ. Song ở những củ có đường kính 4 cm thường có hiện tượng thối gốc.
3. Cách trồng:
Củ chóc có thể nhân giống hữu tính và vô tính. Hạt củ chóc chín vào mùa đông, rụng xuống đất , sang xuân nảy mầm, thành cây con rồi đánh đi trồng. Cũng có thể tách mầm từ cây mẹ để làm giống.
Cây trồng được trên nhiều loại đất khác nhau ở trung du và đồng bằng, nhưng cần chọn chỗ ẩm ướt, có bóng râm. Cây trồng ngoài sáng hoặc bị che bóng toàn phần thường còi cọc. Khi trồng, bổ hốc với khoảng cách 30 – 40 cm, tốt nhất là trồng xen với các loại cây trồng khác. Củ chóc thu hoạch hàng năm vào thời kỳ cây tàn lụi
4. Bộ phận dùng:
Thân củ thu hái vào khoảng tháng 7- 12, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, đem đồ vừa chín, củ con để nguyên, củ to thái phiến sau đó phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng người ta chế biến tiếp.
Có nhiều phương pháp chế biến khác nhau, nhưng tất cả đều nhằm giảm bớt độ độc tức là loại trừ tác dụng gây ngứa (tẩm cam thảo, phèn chua, nước vo gạo, nước vôi) hoặc làm tăng tác dụng trị ho (tẩm gừng, nước bồ kết ).
Dược điển Việt Nam I tập 2 quy định ngâm củ chóc vào nước vo gạo 1-2 ngày, rồi vớt ra, rửa sạch, ngâm với phèn chua trong hai ngày, khi nhấm không còn thấy tê cay thì vớt ra, rửa sạch, để ráo nước, giã hơi giập, phơi qua, phân loại củ to nhỏ, tầm nước gừng, ủ 2 – 3 giờ rồi đem sao cháy cạnh.
Củ chóc chuột được chế thành vị nam tinh, còn củ chóc ri được dùng làm bán hạ.
5. Thành phần hóa học:
Củ chóc chứa 69,9% nước, 1,4% protein, 0.1% chất béo, 1% chất sợi, 26% các carbonhydro khác, 1,6% cá chất vô cơ, 35mg % cali, 20mg % phosphor, 1,3mg % sắt, 9mg % sodium, 237mg % kalium.
– Ngoài ra còn có 0.07mg % thiamin, 0,7mg % niacin, 78mg % caroten, 17,5 mg % acid folic, 3,7 ppm fluorin,0,8 % ppm iodin, 22,85mg % cholin( dạng muối chlorid). Dịch chiết cồn củ chóc chứa sitosterol và một hợp chất ở dạng tinh thể. Củ chóc Việt Nam chứa alcaloid và stigmasterol.
6. Tác dụng dược lý:
- Củ chóc cho vị bán hạ ở Việt Nam, ít được nghiên cứu về dược lý. Trong khi đó cây bán hạ Trung Quốc (Pinellia ternata) cho vị bán hạ bắc có cùng công dụng như bán hạ ở Việt Nam, đã được nghiên cứu về dược lý như:
- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, dịch chiết bán hạ tiêm dưới da có tác dụng ức chế hoạt động tự nhiên của súc vật thí nghiệm.
- Tác dụng chống nôn: thí nghiệm trên chó và mèo gây nôn bằng apomorphin hoặc đồng sulfat, nước sắc bán hạ có tác dụng chống nôn mửa do 2 chất trên gây nên, còn dịch chiết bán hạ chỉ ức chế được nôn do đồng sulfat gây nên.
- Theo y học văn cổ, bán hạ sống có tác dụng gây nôn còn bán hạ chế lại có tác dụng ức chế nôn do chất gây nôn bị phá hủy trong quá trình bào chế, sao tẩm.
- Tác dụng chống ho: Nước sắc bán hạ sống hoặc bán hạ chế cho thẳng vào dạ dày mèo với liều 0,6-0,1g/kg có tác dụng ức chế ho do tiêm dung dịch cồn iod 1% (1ml) vào lồng ngực. Tác dụng này kéo dài 5 giờ, hiệu lực của bán hạ 0,6g/kg gần tương đương với codein 1mg/kg.
- Tác dụng giảm đau: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây đau bằng phương pháp bản nhiệt, dịch chiết bán hạ có tác dụng nâng cao ngưỡng kích thích đau.
- Tác dụng giải co thắt cơ trơn: Thí nghiệm trên tiêu bản ruột cô lập của chuột lang, dịch chiết bán hạ có tác dụng ức chế co bóp của ruột do acetylcholin gây nên, còn đối với co bóp do histanin và barichlorid, bán hạ có tác dụng đối kháng yếu.
- Đối với tử cung: Thí nghiệm trên tử cung cô lập chuột cống trắng, cao bán hạ với liều thấp có tác dụng kích thích co bóp, liều cao ức chế co bóp.
- Tác dụng hạ nhãn áp: Trên thỏ thí nghiệm , nước sắc bán hạ 20% dùng với liều 10ml/kg cho thẳng vào dạ dày có tác dụng hạ nhãn áp, y học Trung Quốc dùng bán hạ chữa bệnh glaucom cấp tính.
- Tác dụng chống loét dạ dày: Dịch chiết bán hạ có tác dụng ức chế loét dạ dày thực nghiệm. Tiêm dưới da, dịch chiết bán hạ có tác dụng ức chế sự phân tiết dịch vị và làm giảm độ acid của dịch vị.
- Củ chóc tươi mọc ở Ấn Độ có vị cay, có tác dụng kích thích mạnh. Hoạt chất gây cay là một chất dễ bay hơi nên qua quá trình đun nấu hay chế biến vị cay không còn nữa. Củ chóc còn dùng chữa bệnh đau dạ dày, đau bụng và chữa trị. Cũng ở Ấn Độ củ chóc ri được xác định có tác dụng gây xung huyết da khi dùng đắp tại chỗ và chữa bệnh tiêu chảy.
7. Tính vị công năng:
Củ chóc có vị cay, tính ôn, có độc, vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng tán phong đờm, hạ khí, giáng nghịch, hòa vị, chống nôn.
8. Công dụng:
Củ chóc là một vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền, với tác dụng chống nôn mửa ở phụ nữ có thai, nôn mửa trong trường hợp đau dạ dày mạn tính. Chữa ho có đờm, ho lâu ngày, hen suyễn. Liều dùng: mỗi ngày 3-10g.
Dùng ngoài lấy củ chóc tươi giã nát đắp tại chỗ chữa mụn nhọt sưng đau.
Bài thuốc có củ chóc:
- Chữa ho gió, ho có đờm, ho lâu ngày, nôn mửa:
-
- Củ chóc, vỏ quýt khô, rễ dâu, mỗi thứ 150g, cát cánh, ô mai, lá chanh, lá táo, cam thảo dây, mỗi thứ 100g, đường 200g. Củ chóc, vỏ quýt, rễ dâu, cát cánh phơi sấy đến khô giòn, tán bột, ô mai bóc lấy cùi giã nhuyễn; lá chanh, lá táo, cam thảo dây sắc với 400 ml nước còn khoảng 100 ml. đường nấu thành siro. Tất cả trộn đều làm viên 0,5g. Người lớn dùng 15 – 20 viên/ngày. Trẻ em tùy tuổi 5 – 15 viên. Ngậm làm nhiều lần.
- Hoặc củ chóc 15g, vỏ quýt 15g, hạt cải củ 15g. hạt cải bẹ 10g. Sắc nước uống.
- Chữa đờm rãi kéo lên vướng cổ nghẹt thở, ho tức ngực, đau bụng nôn mửa di ngoài: Củ chóc ri 8g, trần bì 8g, gừng sống 6g, Sắc nước uống.
- Chữa trúng gió, răng cắn không nói được, động kinh rược đờm, chảy rãi không tỉnh: Dùng bột củ chóc thổi vào lỗ mũi cho hắt hơi sẽ tỉnh, và xát củ chóc vào lợi răng bệnh nhân sẽ há miệng nói được.
- Chữa hoắc loạn, bụng đầy trướng: Củ chóc (chế với gừng), quế, mỗi vị có lượng bằng nhau, tán bột uống với nước sắc lá lấu và xương bồ.
Bài thuốc có bán hạ dùng ở Trung Quốc (để tham khảo)
- Chữa phụ nữ nôn mửa trong thời gian thai nghén (Tiểu bán hạ gia phục linh thang): Bán hạ 8g, phục linh 6g, sinh khương 3g. Nước 300 ml, sắc còn 100 ml. uống dần trong ngày.
- Chữa ho có đờm, chống nôn (Nhi trần thang): Bán hạ (chế với nước gừng tươi), trấn bì, phục linh, mỗi thứ 6g, cam thảo 3g, nước khoảng 2 bát, sắc còn 1 bát, uống khi nóng.
- Chữa đờm ẩm, ho hen, bụng trướng đầy, nôn ợ, đau đầu, tim đập hồi hộp (Nhị trần hoàn): Khương bán hạ 150g, trần bì 150g, phục linh 90g, cam thảo 45g. Tất cả nghiền thành bột trộn đều. Dùng gừng tươi 30g thái mỏng, thêm nước, lấy nước chắt nhào với bột trên làm thành viên nhỏ, hong khô. Mỗi lần uống 5 – 6g, ngày uống 1 – 2 lần với nước sôi để nguội.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp