ĐẠI CƯƠNG
Y học hiện đại
Khái niệm
Bệnh tim thiếu máu cục bộ hay được gọi bệnh động mạch vành, bệnh mạch vành tim là một tình trạng gây ra do động mạch vành bị hẹp làm hạn chế cung cấp máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là một bệnh rất thường gặp ở người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, tiểu đường, béo phì.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể diễn tiến mạn tính hay cấp tính. Biểu hiện lâm sàng của suy động mạch vành là cơn đau thắt ngực (CĐTN).
Suy động mạch vành mãn tính có thể biểu hiện dưới các dạng sau:
Cơn đau thắt ngực ổn định thường gặp nhất.
Cơn đau thắt ngực thay đổi (CĐTN Prinzmetal) rất hiếm gặp.
Thiếu máu cơ tim yên lặng.
Suy động mạch vành cấp tính bao gồm:
Cơn đau thắt ngực không ổn định.
Nhồi máu cơ tim cấp.
Chẩn đoán cơn đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực điển hình
Cơn đau thắt ngực thường xảy ra khi gắng sức: xuất hiện khi đi một quãng đường nhất định, có thể phụ thuộc vào thời tiết, sau ăn cơm, sau xúc động, sau giao hợp…
Vị trí: thường ở sau xương ức và là một vùng; đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị. Hay gặp là hướng lan lên vai trái rồi xuống mặt trong tay trái; có khi thấy đau lên cổ, lên hàm, đau răng…
Tính chất: siết chặt, đè ép, co thắt, nghẹt thở, nóng bỏng, xoắn vặn, nặng ngực…
Thời gian: thường vài phút (dưới 20 phút). Số lần xuất hiện các cơn đau thay đổi theo từng bệnh nhân, có khí rất thưa (1 - 2 cơn/năm) nhưng cũng có khi rất mau.
Giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc nitroglycerin.
Dấu hiệu kèm theo: hồi hộp, lo âu, khó thở, vã mồ hôi.
Cơn đau thắt ngực không điển hình
Vị trí đau: đau vùng thượng vị hay mỏm ức, đau lan lên vai phải, đau lan ra giữa hai bả vai, đau lan xuống bụng…
Thể không đau: tức nặng vùng trước tim, tê tay trái, nghẹt thở, ho.
Cơn đau tư thế nằm: xảy ra khi nghỉ ngơi, có thể đau ban đêm vào một giờ cố định.
Cơn đau Prinzmetal (đau co cứng mạch): đau xuất hiện khi nghỉ vào ban ngày hoặc ban đêm, không xảy ra khi gắng sức. Trong cơn đau, làm ECG sẽ thấy đoạn ST chênh lên ở DI và các chuyển đạo trước tim bên trái (khác với cơn đau thắt ngực thông thường có ST chênh xuống). 50% trường hợp chụp vành không thấy tổn thương, còn lại thì thấy tổn thương của vữa xơ động mạch.
Cơn đau thắt ngực thất thường (không ổn định): là cơn đau liên tiếp, cơn đau tiền nhồi máu.
Đau đột nhiên thay đổi tính chất so với trước đây. Đau cường độ tăng dần, cơn xuất hiện dày lên, thời gian kéo dài hơn, không thuyên giảm khi dùng thuốc nitroglycerin. Cơn đau xuất hiện cả khi nằm nghỉ. Tuy nhiên, chưa phải là nhồi máu cơ tim: ECG làm nhiều lần không thấy sóng Q hoại tử, men tim CK và CKMB bình thường.
Cận lâm sàng
Điện tim: trong cơn đau có thể thấy sóng T âm, đoạn ST chênh xuống dưới 1mm ở chuyển đạo ngoại biên và chuyển đạo trước tim trái; có thể thấy hình ảnh điện tim bình thường hoặc hình ảnh nhồi máu cơ tim cũ, dày thất trái, loạn nhịp tim. Ngoài ra có thể làm điện tim gắng sức, điện tim 24 giờ (holter mạch) để xác định chẩn đoán.
Chỉ định chụp động mạch vành:
Nhồi máu cơ tim cấp: bệnh nhân vẫn đau ngực khi đã điều trị nội khoa tích cực, có rối loạn huyết động học, có biến chứng cơ học… Những bệnh nhân đã ổn định sau nhồi máu cơ tim mà xuất hiện đau ngực lại hoặc có nghiệm pháp gắng sức dương tính.
Đau thắt ngực không ổn định: bệnh nhân vẫn đau ngực sau khi đã điều trị nội khoa tích cực.
Đau thắt ngực ổn định: bệnh nhân đáp ứng điều trị nội khoa kém hoặc có nguy cơ cao với các nghiệm pháp gắng sức dương tính.
Các bất thường ở nghiệm pháp gắng sức (NPGS): bệnh nhân có NPGS dương tính rõ với nguy cơ cao.
Rối loạn nhịp thất hoặc có tiền sử đột tử được cứu sống.
Rối loạn chức năng thất trái: với EF < 40% mà không rõ căn nguyên.
Bệnh van tim: bệnh nhân có bệnh lý van tim cần phẫu thuật > 40 tuổi (nam) và > 50 tuổi (nữ).
Nghề nghiệp: bệnh nhân vì yêu cầu nghề nghiệp mà phải có chẩn đoán xác định (phi công, diễn viên xiếc…).
Ở bệnh nhân trẻ, nghi ngờ nguyên nhân thiếu máu cơ tim không do xơ vữa như bất thường động mạch vành, bệnh Kawasaki, bóc tách động mạch vành, bệnh lý mạch máu do phóng xạ.
Bệnh nhân có nguy cơ cao bị tắt nhánh trái hay bệnh lý ba nhánh động mạch vành.
Chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là hoại tử một phần của cơ tim do thiếu máu cục bộ, xảy ra sau khi tắc nghẽn kéo dài dòng máu mạch vành nuôi dưỡng vùng đó.
Thể điển hình
Đau vùng trước tim: có thể xuất hiện ở bệnh nhân trước đó không hề có dấu hiệu bệnh tim mạch hoặc xảy ra trên bệnh nhân đã nhiều lần bị đau thắt ngực.
Đau trong nhồi máu cơ tim dữ dội hơn so với cơn đau thắt ngực, dùng nitroglycerin không giảm đau. Cơn đau có thể xuất hiện khi nghỉ ngơi, sau gắng sức, sau ăn. Đau kèm theo hồi hộp, vã mồ hôi lạnh, nôn.
Tay chân lạnh, huyết áp bình thường hoặc thấp, giờ đầu thường không sốt nhưng sau 2 - 3 ngày thì có thể sốt.
Thể không điển hình
Thể không đau: khoảng 15% trường hợp nhồi máu cơ tim không đau hoặc đau nhẹ. Một số trường hợp thấy biểu hiện suy tim nặng lên hoặc xuất hiện bệnh van tim.
Đột quỵ não: một số trường hợp bệnh nhân già, có khi nhồi máu cơ tim chỉ biểu hiện dưới dạng của đột quỵ não.
Phù phổi cấp: đột ngột phù phổi cấp, khi làm điện tim và xét nghiệm men tim mới phát hiện ra nhồi máu cơ tim.
Đột tử: 80% trường hợp bệnh nhân chết đột ngột ở người lớn tuổi do bệnh động mạch vành. Có trường hợp có tiền sử bệnh mạch vành nhưng cũng không ít trường hợp không có tiền sử bệnh mạch vành. Nguyên nhân gây đột tử thường do rung thất hoặc cơn nhịp nhanh thất, ít khi do suy tim đột ngột.
Cận lâm sàng
X quang: có thể thấy hình ảnh sung huyết phổi, tĩnh mạch phổi giãn rộng ở thùy trên, các đường Kerley B (lưới mạch phế quản đậm, có dịch ứ đọng ở vách liên tiểu thùy).
Điện tim: biến đổi phức bộ QRS (sóng Q bệnh lý) và của pha cuối (ST chênh lên). Thông qua ECG để xác định vị trí nhồi máu:
Trước bên: (lateral wall infarction): bị ở phần ngoài thành trước và thành bên của thất trái.
Hình ảnh trực tiếp (sóng Q hoặc QS, ST chênh lên, T âm) ở DI, AVL, V4, V5, V6.
Hình ảnh gián tiếp (ST chênh xuống, T dương rất cao) ở DIII, đôi khi AVF.
Trước vách (anteral wall infarction): ở thành trước thất trái và phần trước vách liên thất.
Hình ảnh trực tiếp (sóng Q hoặc QS, ST chênh lên, T âm) ở V1, V2, V3.
Đôi khi thấy T thấp hay âm ở V5, V6, AVL, DI do vùng thiếu máu ăn lan sang thành bên (trái) của thất trái.
Sau dưới (posterior infarction): bị ở thành sau và dưới của thất trái.
Hình ảnh trực tiếp (Q sâu và rộng, ST chênh lên, T âm sâu) ở DIII, AVF, có khi cả DII.
Dưới nội tâm mạc: (subendocardial infarction): đây là loại nhồi máu không có sóng Q. Biểu hiện trên điện tim đồ chủ yếu là sự chênh xuống rõ rệt của đoạn ST, trong đó:
Chủ yếu thành trước bên: ST chênh xuống, đôi khi T biến dạng ở V5, V6, DI, AVL.
Đôi khi là thành sau dưới: ST chênh xuống ở DIII, DII, AVF.
Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh tim thiếu máu cục bộ thuộc phạm trù chứng tâm thống, quyết tâm thống, chân tâm thống, hung tê, hung thống, bào lạc thống. Trong “Linh khu. Quyết bệnh” có nêu: đau tức ngực lan từ tay xuống đến tận ngón, nếu bệnh nặng thì ngày bị và đêm tử vong, hay đêm bị và ngày thì tử vong. Sách “Tố vấn. Tạng quan pháp luận” có nêu: những bệnh nhân đau tim thấy đau vùng trước ngực, đầy tức hai bên mạn sườn, đau lan lên vai và ra sau lưng.
Về điều trị, sách “Kim quỹ yếu lược. Hung tê tâm thống đoản khí biện” có nêu: bản chất bệnh thuộc thượng tiêu dương hư, hạ tiêu âm thịnh, pháp điều trị nên dùng tuyên tê thông dương, bài thuốc hay dùng là bài Qua lâu giới bạch bạch tửu thang... Sách “Thế y đắc hiệu phương. Giả thống” có nêu: pháp điều trị dùng phương hương ôn thông, bài thuốc dùng bài Tô hợp hương hoàn. Cuốn “Chính trị chuẩn thằng. Giả thống môn” có nêu: dùng các thuốc hoạt huyết hóa ứ như hồng hoa, đào nhân, giáng hương, bồ hoàng, ngũ linh chi để điều trị. Cuốn “Y tông kim giám” có nêu: điều trị bệnh tâm thống thì dùng bài Đan sâm ẩm. Cuốn “Y lâm cải thác” có nêu: điều trị tâm thống dùng bài Huyết phủ trục ứ thang.
Nguyên nhân bệnh
Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân phát bệnh có liên quan đến hàn tà xâm nhập, rối loạn tình chí, ăn uống không điều độ; đặc biệt là tuổi già hoặc người trung niên mà lao động quá sức, dưới ảnh hưởng của các nhân tố trên rất dễ phát sinh bệnh. Vị trí bệnh ở tâm và ảnh hưởng đến các tạng can, tỳ, thận.
Hàn tà xâm nhập
Lục dâm là sự biến hóa bất thường của khí hậu tự nhiên, khi công năng của tạng phủ rối loạn, kết hợp với sự xâm nhập của tà khí sẽ là điều kiện để phát bệnh. Trong lục dâm thì thường gặp là phong hàn. Cuốn “Tố vấn. Cử thông luận” có nêu: kinh mạch lưu hành không ngừng, hàn tà xâm nhập mà trì hoãn lâu, hàn trú ở ngoài mạch gây huyết thiếu, hàn trú ở trong mạch gây khí không thông, cho nên đột ngột gây đau. Tâm chủ dương khí toàn thân, chủ huyết mạch, mà huyết được ôn ấm thì hành, gặp hàn thì ngưng. Vì vậy, khi hàn tà xâm nhập làm trệ tắc tâm dương, huyết sẽ mất sự ôn ấm gây trệ tắc không thông, phát sinh ra chứng tâm thống. Từ đó, có thể thấy bệnh lý vành có quan hệ mật thiết đến sự thay đổi của khí hậu. Bất kể thể chất bệnh nhân thuộc hư hay thực thì một trong những nguyên nhân gây nên chứng tâm thống là do hàn tà.
Ăn uống không điều độ
Cuốn “Tố vấn. Kinh mạch biệt luận biên” có nêu: “thực khí nhập vị, trọc khí quy tâm, dâm tinh vu mạch”. Điều đó cho thấy, thức ăn sau khi được chuyển hóa ở tỳ vị thì các chất dinh dưỡng được chuyển về tâm mạch, trợ dương hóa khí và cũng có thể sinh âm hóa trọc để gây bệnh. Vì ăn các chất quá béo ngọt hoặc nghiện rượu gây tổn thương tỳ vị làm cho vận hóa bị trở trệ, tụ thấp sinh đàm, đàm thấp trệ tắc khí cơ, khí huyết vận hành không thông gây nên khí kết huyết ngưng và phát sinh ra bệnh.
Tình chí thất điều
Thất tình không bình thường gây nên khí cơ không thông. Khí là soái của huyết, khí trệ thì huyết ứ, huyết ứ làm tâm mạch trệ tắc gây nên bệnh. Trong “Tâm mạch nguồn lưu” có nêu: suốt ngày lo nghĩ buồn phiền làm tổn thương tâm, khí cơ không thông thoát, làm dương khí trở trệ; hoặc lo nghĩ làm tổn thương tỳ vị gây nên đàm trọc nội sinh, trở trệ dương khí hoặc vì cáu giận làm tổn thương can, làm can mất điều đạt, sơ tiết thất thường, khí trệ huyết ứ, tâm mạch trở trệ, đều gây nên bất thông tắc thống.
Tuổi cao sức yếu
Tuổi ngoài 50, thận khí dần dần suy, thận dương bất túc nên không phù trợ được dương khí của ngũ tạng gây nên tâm khí bất túc hoặc tâm dương bất chấn, doanh huyết hư thiếu, huyết dịch vận hành không được thông thoát, tâm mạch trở trệ, tâm mất sự nuôi dưỡng. Thận âm bất túc nên không nuôi dưỡng được phần âm của ngũ tạng, tâm thận bất giao làm âm thương khí thoát, tâm mạch mất đi sự nuôi dưỡng làm cho vận hành trở trệ hoặc âm hư hoả vượng, nhiệt hun đốt tân dịch gây nên đàm, đàm ứ trệ tâm mạch phát sinh nên bệnh.
BIỆN CHỨNG LUẬN TRỊ
Biện luận về hư thực
Bản hư
Bản hư trong bệnh lý vành là bệnh vị trí thuộc về tâm, chủ yếu ảnh hưởng của tạng tâm và thận, sau đó là đến tạng tỳ.
Tâm chủ dương khí, chủ huyết mạch, vị trí nằm ở thượng tiêu, là tạng dương trong dương. Nếu tâm khí hư, tâm mạch bất chấn làm cho huyết mạch ứ trệ hoặc tân ngưng thành đàm, đàm trọc trệ lạc sinh ra bất thông tắc thống.
Thận chủ tàng tinh, là gốc của nguyên khí, tâm dương phải có nguyên khí mới hoạt động được. Thận khí hư làm tâm khí hư, vì thế trong bệnh lý vành thể thận khí hư cũng thường gặp.
Tỳ chủ vận hóa, là hậu thiên chi bản. Tỳ khí hư làm hậu thiên sinh hóa bất túc, khí huyết không được nuôi dưỡng làm cho tâm khí, tâm dương bất túc. Vì thế, tỳ hư làm cho đàm thấp nội sinh, đàm ứ trệ gây nên bệnh.
Tiêu thực
Hàn ngưng: hàn tính ngưng trệ, khi hàn tà xâm phạm cơ thể làm trệ cách hung dương gây ra khí huyết ứ trệ làm mạch không thông.
Huyết ứ: huyết hành ở trong mạch, lấy việc lưu thông làm chính. Nếu huyết vận hành không thông thoát, bí tắc ở trong mạch sẽ gây nên chứng “hung tê tâm thống”. Từ rất sớm, trong cuốn “Nội kinh” đã nêu lên luận điểm huyết ứ là một nguyên nhân trọng yếu gây nên bệnh lý vành.
Đàm trọc: do tâm thận dương hư, không thể hóa khí hành tân hoặc do tỳ hư không vận hóa được thủy thấp làm cho tân tụ thành đàm gây bí trệ tâm mạch sinh ra bệnh.
Khí trệ: tình chí tổn thương làm cho khí cơ không thông thoát, bí trệ trong ngực mà sinh nên bệnh.
Tóm lại, bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh thuộc bản hư tiêu thực, hư thực thác tạp. Đàm trọc huyết ứ vừa là sản phẩm bệnh lý của rối loạn công năng tạng phủ, vừa là nhân tố gây bệnh làm cản trở khí huyết vận hành. Nguyên tắc điều trị là bổ phần không đầy đủ và tả phần dư thừa. Bản hư thì dùng pháp bổ: dùng pháp điều âm dương, bổ khí huyết, điều chỉnh sự hư suy của tạng phủ. Tiêu thực thì dùng pháp tả: dùng pháp lý khí, hoạt huyết, ôn thông, hóa ứ, trong đó nên trọng dụng một cách thích đáng pháp hoạt huyết tiêu đàm thông lạc. Do bệnh phần lớn là gặp hư thực thác tạp, thời kỳ cấp tính thường gặp tiêu thực là chính nhưng cũng kèm theo bản hư cho nên trong quá trình điều trị nên dùng pháp trong bổ có thông, trong thông có bổ, thông bổ kiêm trị. Nguyên tắc là bổ chính mà không lưu tà, khứ tà mà không tổn thương chính khí.
Biện luận các triệu chứng
Biện luận tính chất đau
Đau dữ dội thường do huyết ứ hoặc đàm ứ hỗ kết gây nên.
Đau nóng rát thường do âm hư hoặc đàm hỏa gây nên.
Đau như châm chích thường do dương hư âm hàn ngưng trệ gây nên.
Đau tức âm ỉ kèm theo tức ngực, thích thở dài thường do khí trệ.
Kèm theo chảy dãi nhiều, rêu lưỡi nhớp là do đàm trọc; kèm theo khí trệ, hồi hộp trống ngực là do tâm khí bất túc.
Biện luận về mạch và lưỡi
Rêu lưỡi trắng thường gặp ở thời kỳ đầu hoặc thời kỳ hồi phục, chủ về hư; nói chung bệnh tình tương đối nhẹ, tiên lượng tốt.
Rêu nhớp thường gặp thời kỳ cấp tính, do đàm trọc gây nên, bệnh tình tương đối nặng.
Rêu lưỡi đen khô thường do tân dịch hao kiệt, là giai đoạn nguy hiểm.
Chất lưỡi hồng bóng là âm tinh dục thoát, bệnh tình nguy hiểm, tiên lượng khó khăn. Chất lưỡi có ban ứ huyết là do huyết ứ và đàm trọc hỗ kết. Chất lưỡi ám nhợt hoặc lưỡi bệu có ấn răng thường do khí hư huyết ứ.
Mạch trầm hoạt thấy ở đàm ứ nội trệ. Mạch trầm tế là do hư hàn. Đau nhiều thì mạch đập không đều, hoặc nhanh hoặc chậm, hoặc sáp. Thời kỳ cấp tính, mạch thốn bên trái và mạch xích bên phải thường tế nhược hoặc trầm tế nhược. Mạch vi muốn tuyệt là do dương thoát.
Nguyên tắc điều trị
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là bệnh cấp tính và nguy hiểm, nên khi bệnh khởi phát phải nhanh chóng cấp cứu, phối hợp chặt chẽ với y học hiện đại để xử lý, bệnh tình ổn định rồi mới tiến hành kết hợp điều trị với y học cổ truyền.
Tiêu: phải phân biệt rõ hàn ngưng, khí trệ, đàm trọc, huyết ứ. Trị tiêu thường dùng pháp phương hương ôn thông, thông dương, hoạt huyết hóa ứ, điều đàm.
Bản: phải phân biệt khí huyết hay âm dương hư. Trị bản dùng phù chính ích khí dưỡng âm, ôn dương bổ khí, dưỡng huyết tư âm, bổ ích can thận.
Tóm lại, điều trị không ngoài hai pháp bổ và thông.
PHÂN THỂ LÂM SÀNG
Bệnh tim thiếu máu cục bộ chia ra thời kỳ cấp tính và thời kỳ ổn định. Thời kỳ cấp tính là cần cấp cứu kịp thời bằng các thuốc của y học hiện đại. Phạm vi bài này, chỉ đề cập kết hợp với y học cổ truyền trong điều trị thời kỳ ổn định.
Đau thắt ngực thời kỳ ổn định
Hàn ngưng tâm mạch
Lâm sàng: đau thắt ngực đột ngột, người lạnh, chân tay lạnh, ra mồ hôi lạnh, khi gặp lạnh thì xuất hiện đau thắt ngực hoặc đau tăng lên, nếu nặng thì đau lan ra sau lưng, sắc mặt trắng bệch, hụt hơi, hồi hộp trống ngực, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì.
Pháp điều trị: khứ hàn hoạt huyết, khai ứ thông dương.
Bài thuốc: Đương quy tứ nghịch thang gia vị.
Đương quy 12g Quế chi 10g Thược dược 12g
Tế tân 05g Cam thảo 06g Thông thảo 10g
Đại táo 08 quả.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu hàn nặng, đau lan ra sau lưng thì có thể gia phụ tử 06g, thông bạch 03 cọng, hồ tiêu 03g để tăng cường thông dương tán hàn hoặc dùng bài Ô đầu xích thạch chi hoàn. Nếu đau nhiều, tứ chi lạnh, mồ hôi lạnh ra nhiều thì phối hợp uống với bài Tô hợp hương hoàn để tăng cường phương hương hóa trọc, ôn khai thông khiếu.
Các vị thuốc trên tán nhỏ, luyện mật ong làm viên, mỗi lần uống 08g.
Trong bài thuốc này thì tô hợp hương, xạ hương, long não, an tức hương là các vị thuốc có tác dụng phương hương khai khiếu tỉnh thần (trong đó tô hợp hương, an tức hương còn trừ trọc hóa đàm, thông hành khí huyết). Mộc hương, đàn hương, trầm hương, nhũ hương, đinh hương, hương phụ có tác dụng để hành khí giải uất, tán hàn chỉ thống, trừ tuế trọc, hoạt huyết hóa ứ làm cho khí cơ tuyên thông, thăng giáng phục hồi. Khí thông huyết hành thì đàm trọc sẽ giáng và khiếu bế sẽ khai. Tất bát có tính vị cay nóng để ôn trung tán hàn và khi phối hợp với các vị thuốc có tính phương hương sẽ tăng cường tán hàn chỉ thống khai uất. Bạch truật có tác dụng bổ khí kiện tỳ, táo thấp hóa trọc. Kha tử có tác dụng thu sáp liễm khí để bổ khí thu liễm nên đề phòng các vị thuốc cay thơm thái quá làm hao tán chính khí. Tê giác có tác dụng thanh tâm giải độc. Chu sa có tác dụng trọng trấn an thần.
Đàm trọc bế trệ
Lâm sàng: vùng trước tim cảm giác bó thít và đau hoặc đau lan lên vai, hụt hơi, khó thở, chân tay nặng nề, thể trạng bệu trệ, khạc đờm nhiều, rêu lưỡi bẩn nhớp, mạch hoạt.
Pháp điều trị: thông dương tiết trọc, ngoan đàm khai kết.
Bài thuốc: Qua lâu giới bạch bán hạ thang gia vị.
Qua lâu 24g Giới bạch 10g
Bán hạ 12g Trần bì 10g
Bạch đậu khấu 10g Rượu trắng vừa đủ
Can khương 05g
Các vị thuốc trên sắc uống khi thuốc còn ấm, chia làm 03 lần.
Nếu đàm trọc nặng thì gia thạch xương bồ 12g, hậu phác 12g.
Nếu ho và khạc đờm nhiều thì gia hạnh nhân 10g, thổ phục linh 15g.
Nếu rêu lưỡi vàng nhớp, ho khạc đờm màu vàng thì thay bán hạ và gia đởm nam tinh 10g, trúc nhự 12g, hoàng liên 10g.
Nếu thấy tức ngực, khó thở thì gia cát cánh 08g, tô ngạnh 12g, hương phụ chế 12g.
Tâm huyết ứ trệ
Lâm sàng: đau nhiều vùng trước tim, đau nhói như kim châm, đau có tính chất cố định, đau tăng về đêm, đau nhiều ngày không dứt; có thể thấy hồi hộp, bứt rứt; chất lưỡi tím, có ban ứ huyết, mạch dưới lưỡi tím, mạch sáp kết hoặc đại.
Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, thông mạch chỉ thống.
Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Bài thuốc này vốn là bài Đào hồng tứ vật thang hợp với bài Tứ nghích tán có gia cát cánh, ngưu tất. Trong bài thuốc này thì đương quy, xuyên khung, xích thược, đào nhân, hồng hoa đều có tác dụng hoạt huyết hóa ứ. Ngưu tất có tác dụng khứ huyết ứ, thông huyết mạch, dẫn ứ huyết hạ hành. Sài hồ có tác dụng sơ can giải uất, thăng đạt thanh dương. Cát cánh có tác dụng khai tuyên phế khí, đưa thuốc lên trên kết hợp với chỉ xác (một thăng, một giáng) để khai hung hành khí làm cho khí hành tắc huyết hành. Sinh địa có tác dụng lương huyết thanh nhiệt được phối hợp với đương quy để dưỡng âm nhuận táo làm cho khứ ứ mà không thương âm huyết. Cam thảo có tác dụng điều hòa các vị thuốc. Đặc điểm của bài thuốc này là hành huyết để tán ứ trệ, giải khí để phân uất kết, hoạt huyết mà không hao huyết, khứ ứ mà lại sinh tân.
Nếu đau ngực nhiều thì bỏ sinh địa, ngưu tất và gia giáng hương 06g, uất kim 10g, diên hồ sách 10g, đan sâm 20g.
Hoặc dùng bài Thông khiếu hoạt huyết thang.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Tâm thận âm hư
Lâm sàng: đau tức ngực từng cơn, có khi thấy cảm giác nóng rát vùng trước tim, tức ngực, hồi hộp, ra mồ hôi trộm, bứt rứt, mất ngủ, đau lưng, mỏi gối, ù tai, đau đầu, chóng mặt, chất lưỡi hồng khô hoặc thấy ban ứ huyết, mạch tế sáp.
Pháp điều trị: tư dưỡng tâm thận, hoạt huyết thông lạc.
Bài thuốc: Tả quy ẩm gia vị.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu chứng âm hư rõ (hồi hộp, ra mồ hôi trộm, bứt rứt, mất ngủ) thì gia mạch môn 15g, bá tử nhân 10g, toan táo nhân 10 - 15g, ngũ vị tử 6 - 10g.
Nếu đau tức ngực thì gia đương quy 12g, uất kim 10g, xuyên khung 12g, đan sâm 20g để tăng cường bổ huyết, hoạt huyết.
Nếu đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, lưỡi tê, chân tay tê, mặt đỏ thì gia hà thủ ô 15g, nữ trinh tử 15g, thạch quyết minh 30g.
Khí âm lương hư
Lâm sàng: đau tức ngực, lúc đau lúc ngừng, hồi hộp, hụt hơi, mệt mỏi, ngại nói, sắc mặt không tươi nhuận, hoa mắt, chóng mặt, gắng sức bệnh nặng lên; chất lưỡi hồng, có ấn răng; mạch tế nhược vô lực hoặc mạch kết đại.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết thông lạc.
Bài thuốc: Sinh mạch tán phối hợp với Nhân sâm dưỡng vinh thang.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc này thì nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo phối hợp với nhau có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích phế sinh tân, cố thoát chỉ hãn. Mạch môn, thục địa, bạch thược có tác dụng tư âm nhuận táo, hiệp trợ cho nhân sâm, khí âm cùng bổ. Ngũ vị tử có tác dụng ích khí sinh tân, liễm âm chỉ hãn. Khi ngũ vị tử phối hợp nhân sâm và mạch môn là để giữ lại sự ngoại tiết của khí tân và khôi phục thương tổn của khí âm. Viễn chí có tác dụng dưỡng tâm an thần. Trần bì có tác dụng hành khí.
Nếu âm hư nặng thì gia ngọc trúc 12g, hà thủ ô 15g.
Nếu khí hư nặng (tự ra mồ hôi, ăn kém, đại tiện lỏng, mệt mỏi) thì bỏ mạch môn, đương quy, thục địa và gia hoài sơn 15g, bạch biển đậu sao 12g, mộc hương 06g.
Nếu đau tức ngực, chất lưỡi tím thì gia đan sâm 20g, xích thược 15g, uất kim 12g, hồng hoa 10g, tam thất bột 06g.
Dương khí hư suy
Lâm sàng: tức ngực, hụt hơi hoặc thấy có lúc đau tức ngực, hồi hộp, ra mồ hôi, sợ lạnh, đau lưng, sắc mặt trắng bệch, môi và móng chân tay nhợt hoặc tím, chất lưỡi trắng nhợt hoặc tím, mạch trầm tế hoặc vi tế.
Pháp điều trị: ích khí ôn dương, hoạt huyết thông lạc.
Bài thuốc: Sâm phụ thang phối hợp với Quế chi khứ thược dược thang.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu thận dương hư gây đái đêm nhiều lần thì gia tỏa dương 12g, ba kích 12g, lộc giác giao 10g để tăng cường bổ thận dương.
Nếu tâm dương hư nặng, mạch kết đại hoặc mạch trì hoãn thì tăng liều hồng sâm lên 15g, cam thảo chích 12g và gia tế tân 03g.
Nhồi máu cơ tim giai đoạn ổn định
Đàm trọc ứ trệ
Lâm sàng: đau tức ngực đột ngột, bó thít, ra mồ hôi, chân tay lạnh, buồn nôn và nôn, thể trạng bệu trệ, thích ăn đồ béo ngọt, chất lưỡi hồng, rìa có ứ huyết, rêu lưỡi dày nhớp hoặc rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.
Pháp điều trị: hóa đàm tiết trọc, hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Nhân trần thang phối hợp với Đào nhân hồng hoa tiễn gia vị.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu đau vùng trước tim nhiều thì gia ngũ linh chi 10g, bồ hoàng 10g.
Nếu đại tiện táo bón thì gia qua lâu nhân 15g, đương quy 15g.
Khí trệ huyết ứ
Lâm sàng: đau vùng trước tim, đau lan lên vai, chất lưỡi tím, ứ huyết, mạch sáp hoặc kết đại.
Pháp điều trị: hoạt huyết hóa ứ, thông lạc chỉ thống.
Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia vị.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu gặp lạnh đau tăng, sắc mặt trắng, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, không khát nước thì gia chế xuyên ô 10g, quế chi 10g để tăng cường ôn dương tán hàn.
Nếu khạc nhiều đờm thì gia qua lâu bì 15g, bán hạ 10g, thạch xương bồ 10g.
Khí hư huyết ứ
Lâm sàng: đau dữ dội vùng trước tim, mặt và môi tím, mệt mỏi, hụt hơi, ngại nói, tiếng nói nhỏ, hồi hộp, trống ngực, chất lưỡi ánh tím hoặc có ban điểm ứ huyết, rêu lưỡi dày nhớp, mạch sáp kết đại.
Pháp điều trị: ích khí hoạt huyết, thông mạch chỉ thống.
Bài thuốc: Bổ dương hoàn ngũ thang phối hợp với Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang gia giảm.
Các vị thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu đau ngực nhiều thì gia toàn phúc hoa 10g, hồng hoa 10g hoặc phối hợp với bài Thất tiếu tán (ngũ linh chi 06g, bồ hoàng 06g): các vị thuốc trên ngâm với dấm, nấu thành cao, sau đó lấy 01 bát nước để sắc còn khoảng 2/3 là được, uống khi thuốc còn nóng, trước khi ăn cơm.
Nếu có biểu hiện chứng dương hư thì gia quế chi 10g, dâm dương hoắc 15g.
Nếu có biểu hiện chứng đàm trọc thì gia qua lâu bì 15g, bán hạ 10g, thạch xương bồ 10g.
Tỳ hư đàm trọc hiệp ứ
Lâm sàng: đột nhiên thấy hồi hộp, đánh trống ngực, đau tức vùng trước tim, chóng mặt, nếu nặng thì có thể ngã; kèm theo buồn nôn và nôn, hụt hơi, ngại nói, mệt mỏi, ăn kém; cơ thể bệu trệ, ho khạc nhiều đờm, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch nhu hoãn.
Pháp điều trị: kiện tỳ hóa đàm, khai trệ thông dương, hoạt huyết hóa ứ.
Bài thuốc: Thập vị ôn đởm thang gia vị.
Bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang
Tâm thận âm hư hiệp ứ
Lâm sàng: đột ngột đau vùng trước tim, hồi hộp trống ngực, bứt rứt, mất ngủ, sắc mặt hồng, lòng bàn chân và tay nóng, ra mồ hôi trộm, đau lưng, mỏi gối, chất lưỡi hồng, rìa lưỡi có ban điểm ứ huyết, mạch tế sác.
Pháp điều trị: tư bổ can thận, hoạt huyết.
Bài thuốc: Lục vị địa hoàng hoàn gia vị.
Hiện nay, người ta vận dụng cân đối liều để sắc uống, ngày 01 thang.
Trong bài thuốc trên thì sinh địa, đan bì có tác dụng thanh hư nhiệt để điều trị chứng âm hư sinh nội nhiệt. Hoài sơn có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Hoàng tinh, mạch môn, thiên môn có tác dụng bổ âm huyết. Sơn thù, ngũ vị tử có tác dụng cố sáp thu liễm.
Nếu thấy đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ, tê chân tay, tê lưỡi thì gia thiên ma 12g, cúc hoa 10g, chế xuyên ô 12g, thạch quyết minh 30g.
Nếu đại tiện táo bón thì gia hỏa ma nhân 15g để tăng cường nhuận tràng.
Nếu bứt rứt, bồn chồn thì gia bá tử nhân 10g, toan táo nhân 10g để tăng cường dưỡng tâm an thần.
Nếu đau nhiều thì gia đương quy 12g, xuyên khung 12g, uất kim 12g để tăng cường hoạt huyết hóa ứ.
Khí âm lưỡng hư hiệp ứ
Lâm sàng: tức ngực, đau vùng trước tim, hụt hơi, bứt rứt, họng khô, đại tiện táo bón, chất lưỡi hồng, mạch tế sác vô lực hoặc mạch kết đại.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết.
Bài thuốc: Sinh mạch tán gia vị.
Bài thuốc trên sắc uống, ngày 01 thang.
Nếu đau tức ngực nhiều thì gia tam thất 03g hòa với nước sắc bài thuốc trên uống; hoặc bài thuốc trên gia diên hồ sách 10g, xuyên luyện tử 15g.
Nếu mạch kết đại thì gia khổ sâm 30g, tăng liều ngũ vị tử lên 15 - 20g.
Nếu bứt rứt, mất ngủ thì gia toan táo nhân 10g, hợp hoan hoa 12g.
KẾT LUẬN
Theo y học cổ truyền, các triệu chứng mô tả trong bệnh tim thiếu máu cục bộ thuộc phạm trù chứng tâm thống, quyết tâm thống, chân tâm thống, hung tê, hung thống, bào lạc thống.
Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân phát bệnh có liên quan đến hàn tà nội tập, tình chí thất điều, ăn uống không điều độ, đặc biệt là tuổi già hoặc người trung niên mà lao động quá sức, dưới ảnh hưởng của các nhân tố trên rất dễ phát sinh bệnh, vị trí bệnh ở tâm, ảnh hưởng đến các tạng can tỳ thận.
Bệnh thuộc bản hư và tiêu thực. Bản hư trong bệnh lý vành là bệnh vị trí thuộc về tâm, chủ yếu ảnh hưởng của 2 tạng tâm và thận, sau đó là đến tạng tỳ. Tiêu thực bao gồm hàn ngưng, huyết ứ, đàm trọc, khí trệ gây nên.
Nguyên tắc điều trị: trị tiêu thường dùng pháp phương hương ôn thông, thông dương, hoạt huyết hóa ứ, điều đàm; trị bản dùng phù chính ích khí dưỡng âm, ôn dương bổ khí, dưỡng huyết tư âm, bổ ích can thận.
Trong quá trình điều trị phải hết sức lưu ý kết hợp với y học hiện đại để đưa ra chẩn đoán, sử dụng thuốc kịp thời và hợp lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh