Điều trị bong gân nhờ xoa bóp

Sai lầm thường gặp khi bị bong gân

Biểu hiện của bong gân cảm giác đau buốt, sau đó vùng khớp bị trẹo tê dại không còn biết đau nữa, một giờ sau cảm giác đau nhức trở lại, sưng đỏ hoặc xanh tím phù nề quanh vị trí tổn thương. Người bệnh thường chủ quan với chấn thương bong gân và tự ý điều trị không đúng cách như dùng rượu, xoa cao, dầu nóng vào nơi bị tổn thương. Đây là sai lầm thường thấy trong điều trị bong gân.

 

Cần xử trí đúng cách

Khi bị chấn thương bong gân, bạn nên dùng nước đá hoặc đập nhỏ đá bọc vào khăn bông áp nhẹ khối nước đá lên bề mặt da vùng chấn thương (nếu không có xây xát da) làm giảm đau tại chỗ đồng thời nằm kê chân lên cao giúp máu lưu thông dễ dàng và làm tan máu bầm. Lưu ý không dùng các phương pháp nóng tác động vào vùng bị tổn thương. Các chất có tính nóng chỉ nên dùng trong trường hợp gãy xương. Sức nóng sẽ làm tăng tiết dịch, kích thích tuần hoàn máu làm nhanh liền xương, ngược lại khi xoa chất nóng vào nơi dây chằng tổn thương do bong gân có thể dẫn đến hậu quả về sau như hạn chế vận động khớp, teo cơ, cứng khớp.

Bong gân thường chia ra 3 độ. Dây chằng chỉ bị giãn một ít được coi là nhẹ (độ 1); Dây chằng bị rách một phần dấu hiệu nặng (độ 2); Dây chằng bị đứt hoàn toàn dấu hiệu rất nặng (độ 3). Nếu bong gân độ 1 bạn chỉ cần xoa bóp trị liệu giảm đau và cho khớp nghỉ ngơi vài ngày. Bong gân độ 2, 3 bạn nên đến bác sĩ vì vừa phải giảm đau vừa phải cho dây chằng bị đứt hoặc rách liền lại nếu không sẽ mang tật suốt đời.

 

Phương pháp xoa bóp điều trị bong gân

Xoa bóp huyệt giải khê, khâu khư, chiếu hải và thái khê nơi cổ chân đau.

Vị trí huyệt:

Huyệt giải khê nằm giữa đường lằn ngang phía trước khớp cổ chân, giữa hai khối gân cơ của ngón chân.

Huyệt khâu khư ở chỗ lõm tự nhiên trước mắt cá ngoài.

Huyệt chiếu hải nằm ở dưới mắt cá trong 1 tấc. Huyệt thái khê nằm ở lõm giữa mắt cá trong và gân gót chân, vị trí đầu mắt cá trong.

Cách xoa bóp: Ngồi dưới đất hoặc trên đệm, chân không bị bệnh co lại. Cẳng chân bị bệnh chống lên, dùng ngón cái của tay với lực vừa phải day thành vòng tròn trên huyệt liên tục từ 3-5 phút. Khi thấy mỏi tay có thể ngừng day, nhưng tay vẫn tiếp tục đặt trên huyệt, nghỉ một lúc sau đó day tiếp 5-10 phút. Sau đó tự xoay khớp cổ chân theo chiều kim đồng hồ rồi xoay ngược chiều kim đồng hồ. Làm nhẹ nhàng liên tục trong 1-3 phút.

Bên cạnh đó, bạn có thể dùng một trong số những phương thuốc sau đắp vào vùng tổn thương để hỗ trợ điều trị:

Lá ngải cứu 50g, lá đau xương, lá bạc thau 50g tẩm rượu hoặc giấm đắp vào nơi chấn thương. Khi nào khô lại thay miếng khác. Làm liền trong 3-5 ngày.

Lá chìa vôi, lá cúc tần, lá ngải cứu, lá náng hoa trắng. Mỗi vị 50g, rửa sạch, giã nát tẩm rượu hoặc sao nóng để còn hơi âm ấm đắp vào chỗ chấn thương. Ngày thay thuốc 2 lần.

Hoặc dùng: Lá tẩm gửi 100g, lá gấc 50g, lá thầu dầu tía 50g. Các vị giã nát, tẩm rượu hoặc trộn giấm đắp vào vùng tổn thương . Ngày thay thuốc 1-2 lần.

Khi dùng các phương pháp trị liệu trên trong 1-2 ngày mà các triệu chứng không thuyên giảm bạn cần đến cơ sở y tế để được điều trị hiệu quả, kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top