Vị thuốc Dương kỳ thảo

Tên tiếng Việt: Cỏ thi, Dương kỳ thảo

Tên khoa học: Achillea millefolium L.

Họ: Asteraceae (Cúc)

Công dụng: Điều kinh, giảm đau, tê thấp (cả cây sắc uống).

A. Mô tả cây: 

  • Cỏ lâu năm, cao 40 – 80cm; thân có gờ dọc, phân nhánh, phủ lông trắng. Lá mọc so le; phiến lá dài 2 – 20cm, rộng 1 – 2,5cm, kép lông chim 2 – 3 lần, mềm; lá chét hình thuôn, dài 3 – 9mm, mặt trên phủ lông tơ mảnh, mặt dưới dày hơn, hình dải, đỉnh nhọn. Cụm hoa đầu, đường kính 4 – 7mm, cuống dài 2 – 4mm, phủ lông mềm; lá bắc tổng bao hình trứng, xếp 4 hàng, 1 lá bắc dài 4 – 5mm, hàng phía ngoài đỉnh nhọn, hàng phía trong đỉnh tù, mặt ngoài phủ lông dài, mềm. Hoa ở viền cụm hoa thường 5; tràng dạng lưới nhỏ, hình bầu dục dài 2 – 3mm, màu trắng pha tím nhạt, ống tràng phía dưới dài bằng lưỡi nhỏ là hoa cái; tất cả hoa ở giữa có tràng hình ống dài 3,5mm, màu trắng là hoa lưỡng tính, đỉnh ống có 5 thuỳ ngắn. Quả bế hình bầu dục dài 2mm, dẹt.
  • Toàn cây có mùi thơm như long não.
  • Mùa hoa tháng 10-11.

B. Phân bố, sinh thái:

  • Cây mọc ở vùng núi cao các tỉnh Lao Cai (Sapa), Sơn La và Lâm Ðồng (Ðà Lạt) trong các savan cỏ trên đường đi, rìa rừng và đất hoang.
  • Dương kỳ thảo là cây ưa sáng, hơi chịu bóng, thường mọc trên đất ẩm lẫn với các loài cỏ thấp khác ở bãi hoang ven rừng, trong thung lũng, ven đường đi hay trên các nương rẫy. Cây mọc từ hạt được thấy vào tháng 3 hàng năm, sinh trưởng nhanh trong mùa xuân hè và ra hoa quả rất nhiều. Đến cuối thu hoặc đầu đông, toàn bộ phần trên mặt đất bị tàn lụi, phần gốc tồn tại qua mùa đông và sẽ mọc lại vào mùa xuân năm sau.
  • Dương kỳ thảo gieo trồng tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Mặc dù, số hạt của một cây rất nhiều, nhưng lượng cây con mọc lên xung quanh cây mẹ hạn chế. Thời gian trồng dương kỳ thảo thích hợp ở Sapa vào cuối mùa đông (khi cây đã lụi) hoặc đầu mùa xuân. Thu hái cây lúc có hoa, dùng tươi hay phơi trong râm đến khô.

C. Bộ phận dùng:

Toàn cây có hoa.

D. Thành phần hoá học:

Cây chứa tinh dầu, chất nhựa, tanin, phosphat, nitrat, muối kali, acid hữu cơ. Glucosid đắng đã biết là achillein; nó là một glucosid cyanogenetic hay một glucoalcaloide. Còn một alcaloid kết tinh gọi là betonicin.

E. Tác dụng dược lý:

  • Tác dụng chống viêm: Cao chiết từ toàn cây dương kỳ thảo có tác dụng chống viêm rõ rệt trên mô hình gây phù thực nghiệm ở chân chuột cống trắng. Thành phần có tác dụng đã xác định được là flavonoid Azulen và các dẫn chất của azulen có tác dụng chống viêm là do ức chế sự tổng hợp của prostaglandin. Tác dụng này đã chứng minh cho kinh nghiệm nhân dân dùng dương kỳ thảo chữa các bệnh phong thấp, xương khớp.
  • Tác dụng bảo vệ gan: Đã nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của một thuốc rất thường dùng để chữa bệnh gan mật ở Ấn Độ là Liv-52, gồm có 7 vị là dương kỳ thảo, cốt khí muồng, bồ công anh hoa tím, lu lu đực, Capparis spinosa, Tamarix gallica và Terminalia arjuna, lượng bằng nhau, dùng liều là 0,8ml/kg tiêm phúc mạc trong 4 ngày liền, trên mô hình gây tổn thương gan thực nghiệm trên chuột nhắt trắng, có so sánh với liều 100mg/kg silymarin. Kết quả cho thấy, carbon tetraclorid gây độc trên gan, nên hoạt tính của các enzym gan AST tăng lên 2 lần, ALT tăng 3 lần, so với lô bình thường. Silymarin ức chế sự tăng enzym gan tới gần mức bình thường, còn Liv-52 có tác dụng bằng khoảng 60-70% so với silymarin. Trong những thí nghiệm khác, đã xác định thấy dương kỳ thảo có tác dụng kích thích sự tiết dịch tiêu hoá, gây trung tiện. Tác dụng trên gan và đường tiêu hoá đã chứng minh kinh nghiệm của nhân dân vẫn dùng dương kỳ thảo để kích thích ăn ngon, chữa chướng bụng và đầy hơi.
  • Tác dụng trên hệ thần kinh. Thí nghiệm ở Ấn Độ cho thấy, dương kỳ thảo có tác dụng ức chế trên hệ thần kinh trung ương. Azulen và các dẫn chất của azulen có tác dụng hạ sốt trên thực nghiệm. Kinh nghiệm nhân dân cũng dùng dương kỳ thảo để an thần, làm dịu thần kinh. Nhưng nếu dùng liều cao lại gây chóng mặt và đau đầu.
  • Tác dụng trên cơ trơn: Cụm hoa dương kỳ thảo có tác dụng chống co thắt nhẹ trong thí nghiệm trên mô hình hồi tràng thỏ cô lập. Tác dụng này do thành phần flavonoid trong hoa nhưng lại làm tăng co bóp tử cung.
  • Tác dụng chống ung thư: Các ester methylic của sesquiterpen acid achimillic A, B, C được phân lập từ hoa dương kỳ thảo có tác dụng trên tế bào ung thư bạch cầu P-388 ở chuột nhắt trắng.
  • Tác dụng trên ký sinh trùng, côn trùng: Tinh dầu dương kỳ thảo có tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét là Plasmodium falciparum in vitro. Ngoài ra, còn có tác dụng trên nhiều loại giun sán, đặc biệt là giun móc, giun đũa, giun mỏ và giun tóc. Cao ethanol của loại dương kỳ thảo mọc ở Thuỵ Điển có tác dụng diệt ấu trùng và muỗi Aedes aegypti là muỗi truyền virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết.
  • Tác dụng trên sinh sản và giới tính: Chất thion chiếm tỉ lệ đến 30% trong tinh dầu dương kỳ thảo có tác dụng gây sẩy thai. Trong dương kỳ thảo có một chất dầu bay hơi, có mùi giống như một pheromon giới tính của con gián đực. Dương kỳ thảo cũng chứa chất ức chế sự nảy mầm của hạt. Ngâm hạt trong dịch chiết dương kỳ thảo sẽ làm giảm và chậm sự nảy mầm.
  • Tác dụng huyết áp trên máu: Cao khô chiết bằng cồn 50% toàn cây dương kỳ thảo có tác dụng hạ huyết áp ở mèo. Dịch chiết dương kỳ thảo có tác dụng cầm máu, làm giảm thời gian đông máu.
  • Độc tính: Dương kỳ thảo tương đối ít độc. Tiêm phúc mạc liều 1000mg/kg cao khô toàn cây chiết bằng cồn 50% cho chuột nhắt trắng, không có con nào chết. Tuy nhiên, các sesquiterpen lacton như guananolid peroxid trong dương kỳ thảo có thể gây viêm da dị ứng; chất furanocoumarin có thể gây viêm da ánh sáng. Dùng liều cao cho người sẽ gây chóng mặt, đau đầu.

F. Tính vị, công năng:

Vị ngọt, đắng, cay, tính hàn, có ít độc; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết tiêu thũng, chỉ thống, điều kinh. Trong Tây y, người ta cho nó là chất kháng viêm và chống co thắt, kích thích nội tiết các dịch tiêu hóa (giúp ăn ngon) nó điều hòa và chống co thắt trong chứng rối loạn kinh nguyệt, và còn là chất làm tan sưng. Nhưng với liều cao nó gây chóng mặt và đau đầu.

G. Công dụng:

  • Ðược dùng chữa:
  • Mệt mỏi toàn thân, ăn uống không ngon, trướng bụng, ỉa chảy;
  • Ho, hen suyễn;
  • Kinh nguyệt không thông, hành kinh đau bụng, rối loạn khi mãn kinh;
  • Thấp khớp, thống phong;
  • Sỏi mật và sỏi niệu;
  • Trĩ, sốt liên miên. Liều dùng 4-12g, dạng thuốc hãm uống hay phối hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài trị bạch đới, lậu, trĩ, đau khớp, viêm da, viêm mủ da, mụn nhọt, nứt da, cầm máu các vết thương, rắn cắn, chó cắn… lấy cây tươi giã đắp.

Bài thuốc có dương kỳ thảo

  1. Chữa chán ăn, tiêu hoá kém:
    Dương kỳ thảo 60g, rễ long dởm 15g, rễ angelica pancicii vandas 40g, toàn cây marrubium vulgare L. 40g. Tất cả phơi sấy khô, tán bột. Mỗi lần 10g, hãm uống trước khi ăn 30 phút.
  2. Chữa kinh nguyệt không đều:
    Dương kỳ thảo, vân hương, rễ cây biệt thảo Valeriana officinalis L., lá bạc hà, toàn cây cỏ ba lá trifolium fibrium L.. và hoa cây cam cúc, mỗi vị 30g. Tất cả phơi sấy khô, tán thành bột. Ngày 20-30g sắc kỹ chia làm ba lần, uống sau khi ăn. Dùng 2-3 tháng.

​​​​​​​

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top