ĐƯỜNG ĐI
Từ góc trong chân móng ngón tay út, dọc theo đường tiếp giáp da gan và da mu của bờ trong ngón út và bàn tay, qua cổ tay, cẳng tay, khuỷu tay, đi dọc phía sau trong cánh tay, lên sau khớp vai, đi ngoằn ngoèo sau vai, rồi lên cổ, đi chếch ra trước góc hàm, lên mặt gò má, và tận cùng tại huyệt thính cung trước bình nhĩ.
LIÊN QUAN
Chủ yếu tiết đoạn C8 và D1, tương quan biểu lý với kinh tâm.
CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ CHUNG
Đau khớp thái dương-hàm, sốt, đau liệt chi trên, đau các khớp chi trên, đau thần kinh trụ, rối loạn chức năng thần kinh tim. Là kinh đa khí đa huyết chịu trách nhiệm về tân dịch nên còn điều trị sốt cao, viêm tuyến vú và các chứng thiếu sữa.
HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG
Thiếu trạch (SI1):
Thiếu trạch là huyệt tỉnh thuộc kim.
Vị trí: ở góc móng tay út về phía trong (cách 0,2 thốn).
Điều trị: cứng gáy, cứng lưỡi, đau họng, đau mắt, đau đầu, chảy máu mũi. Cấp cứu ngất, hôn mê, sốt cao không ra mồ hôi, sốt rét, viêm tuyến vú, thúc sữa.
Hình 3.6: Kinh thủ thái dương tiểu trường
1.Thiếu trạch.
2.Hậu khê.
3.Uyển cốt.
4.Thiên tông.
5.Quyền liêu.
6.Thính cung.
Cách châm cứu: châm sâu 0,1 thốn (khi cấp cứu châm nặn ra một giọt máu) ; cứu 5 - 10 phút.
Dương cốc (SI5):
Dương cốc là huyệt kinh thuộc hoả.
Vị trí : chỗ lõm trên lằn chỉ cổ tay, nơi tiếp giáp đầu dưới xương trụ và xương móc.
Điều trị:
Đau cổ tay, đau phía sau trong cánh tay, đau cổ gáy, ù tai, điếc tai.
Sốt không ra mồ hôi, điên cuồng, trẻ em bại liệt, cứng lưỡi, trẻ không bú được.
Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn. Cứu 5 - 15 phút.
Thiên tông (SI11) :
Vị trí: chính giữa xương bả vai (vạch một đường thẳng xuyên qua điểm cao nhất gai sống vai và một đường qua D4, chỗ gặp nhau là huyệt.
Điều trị: đau nhức vai, đau nhức mặt sau cánh tay.
Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,5 thốn; cứu 5 - 15 phút.
Quyền liêu (SI18):
Quyền liêu là huyệt hội của các kinh thái dương, thiếu dương ở tay.
Vị trí: ở chỗ lõm dưới góc trước dưới của xương gò má (sờ tìm chỗ thấp nhất của vòng cung xương gò má).
Điều trị: liệt thần kinh VII ngoại biên, giật mi mắt, đau răng, đau mắt.
Cách châm cứu: châm sâu 0,2 - 0,3 thốn. Khi cứu tránh gây bỏng.
Thính cung (SI19):
Thính cung là huyệt hội của các kinh thái dương ở tay, thiếu dương ở tay và chân.
Vị trí: ở điểm chính giữa chân bình tai, sau lồi cầu xương hàm dưới (bảo bệnh nhân há miệng để sờ rõ chỗ lõm mà lấy huyệt, ấn vào huyệt trong tai có tiếng động).
Điều trị:
Ù tai, điếc tai, nặng tai, đau tai.
Kết hợp ế phong, hợp cốc để điều trị viêm tai giữa.
Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,7 thốn. Khi cứu tránh gây bỏng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh