✴️ Kinh túc quyết âm can (LR)

ĐƯỜNG ĐI

Từ mé ngoài móng ngón chân cái dọc theo khe giữa xương bàn chân 1 - 2, phía mu bàn chân, đến trước mắt cá trong, lên dọc theo mặt trước trong cẳng chân, giao với kinh tỳ và thận ở huyệt tam âm giao, rồi lên bờ trong khoeo chân, lên dọc phía trong đùi qua nếp bẹn lên bụng tới đầu xương sườn 11 (chương môn), rồi lên ngực tận cùng- ở giao điểm của bờ trên xương sườn 7 với đường thẳng dọc qua giữa xương đòn (kỳ môn).

 

LIÊN QUAN

Mu chân, cổ chân: L5; cẳng chân, đùi: L4; bụng: D11,D12; ngực: D6.

Quan hệ biểu lý với đởm.

 

CHỈ ĐỊNH ĐIỀU TRỊ CHUNG

Tại chỗ: đau thần kinh liên sườn D4, D6; thần kinh tọa, thần kinh chày trước, đau khớp cổ chân, bàn chân, đầu gối, bệnh lý tầng sinh môn.

Toàn thân: rối loạn chức năng sinh dục, tiết niệu, thống kinh, rong kinh, đái dầm, di tinh. Một số triệu chứng tiêu hoá, gan mật, hội chứng đau dạ dày, đau đầu vùng đỉnh, cao huyết áp, hội chứng suy nhược thần kinh…

 

HUYỆT VỊ THƯỜNG DÙNG

Đại đôn (LR1): Đại đôn là huyệt tỉnh thuộc mộc.

Vị trí: ở mé trong ngón chân cái, cách gốc móng 0,2 thốn.

Điều trị: băng huyết, sa dạ con, sưng tinh hoàn, tạng táo (ít tê ri).

Cách châm cứu: châm sâu 0,1 thốn; cứu 5 - 10 phút.

Hình 3.11: Kinh túc quyết âm can

1.Hành gian.

2.Thái xung.

3.Chương môn.

4.Kỳ môn.

Hành gian (LR2): Hành gian là huyệt huỳnh thuộc hỏa.

Vị trí: khe ngón 1 - 2 (ép 2 ngón chân, huyệt ở đầu của nếp kẽ ngón chân).

Điều trị: đau ngón chân, đau dương vật, đau ngực sườn, đau mắt đỏ, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, động kinh.

Cách châm cứu: châm nghiêng sâu 0,5 - 0,7 thốn.

Thái xung (LR3): Thái xung là huyệt nguyên, huyệt du thuộc thổ.

Vị trí: khe giữa xương bàn chân 1,2; trên huyệt hành gian 2 thốn (huyệt ở chỗ lõm của góc tạo bởi đầu trên của 2 xương bàn 1 và 2.

Điều trị: đau bàn chân, các rối loạn về kinh nguyệt, tiểu tiện, kinh phong ở trẻ em, huyễn vựng.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn; cứu 5 - 7 phút.

Chương môn (LR13): Chwơng môn là huyệt hội của tạng, huyệt mộ của tỳ, huyệt hội của các kinh thiếu dương và quyết âm ở chân.

Vị trí: đầu mút xương sườn 11.

Điều trị: đau tức ngực sườn, đau bụng, đày bụng, kém ăn, chậm tiêu, nôn, nấc.

Cách châm cứu: châm sâu 0,3 - 0,5 thốn (không châm quá sâu, nhất là ở người có gan lách to); cứu 5 - 10 phút.

Kỳ môn (LR14): Kỳ môn là huyệt mộ của can, huyệt hội của kinh quyết âm ở chân, kinh thái âm ở chân, mạch âm duy.

Vị trí: khe liên sườn 6,7; trên đường giữa đòn.

Điều trị: đau tức ngực sườn, đầy bụng, ợ chua, mờ mắt, đau mắt. Kết hợp châm cách du, can du để chữa đau dây thần kinh gian sườn.

Cách châm cứu: châm nghiêng sâu 0,3 - 0,5 thốn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top