✴️ Phòng và điều trị cảm lạnh, cảm cúm theo y học cổ truyền

Nội dung

Cảm lạnh và cúm vốn là chứng bệnh khá phổ biến ở cộng đồng và gần như ai cũng từng bị mắc ít nhất 1 lần trong đời. Bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa và đa số có thể tự khỏi. Tuy nhiên cảm lạnh – cảm cúm vẫn có thể khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống. Thậm chí nhiều trường hợp mắc cúm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bởi vậy phòng và điều trị cảm lạnh, cảm cúm theo y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trên thực tế. 

Nguyên nhân gây bệnh và phân loại cảm cúm – cảm lạnh theo y học cổ truyền

Cảm lạnh thuộc chứng Thương phong theo y học cổ truyền. Với trường hợp cảm lạnh nhẹ thì đa số người bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên trong thực tế có không ít các trường hợp cảm lạnh nặng không được điều trị kịp thời và đúng cách dễ chuyển nặng và diến biến phức tạp.

Cúm theo y học hiện đại đặc trưng bởi các tổn thương trên hệ thống hô hấp do virus và dễ gây thành dịch thậm chí nhiều đợt dịch cúm có thể có tỷ lệ tử vong cao. Y học cổ truyền xếp cảm cúm vào chứng “thời hành cảm mạo” thuộc phạm trù của Ôn bệnh.

Theo quan niệm của Y học cổ truyền thì nguyên nhân gây bệnh cảm lạnh – cúm là do cơ thể suy yếu khiến phong hàn, phong nhiệt thừa cơ xâm nhập vào phế gây bệnh.

Biểu hiện của cảm lạnh – cảm phong hàn: Sợ gió, sợ lạnh, sốt, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi dịch trong và loãng, hắt hơi. Có thể có ho, đau rát họng. Rêu lưỡi trắng mỏng.

Biểu hiện của cúm – cảm phong nhiệt: Sốt, đau nặng đầu, đau mỏi toàn thân, hắt hơi sổ mũi, dịch mũi đặc, miệng khô. Có thể có ho, nếu có đờm thì đờm thường vàng đặc. rêu lưỡi vàng.

Điều trị cảm lạnh – cúm theo y học cổ truyền

Pháp chung dùng trong điều trị:

  • Cảm lạnh: Dùng các bài thuốc tân ôn giải biểu để phát tán phong hàn.
  • Cúm: Dùng các bài thuốc tân lương giải biểu để phát tán phong nhiệt

Các bài thuốc – cách điều trị chung áp dụng được cho cả cảm lạnh và cúm:

Phương pháp xông:

Thành phần nồi xông với các loại lá:

  • Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá duối,…
  • Nguyên liệu có tác dụng kháng khuẩn: ngải cứu, hương nhu…;
  • Lá chứa tinh dầu: vỏ bưởi, lá bưởi, bạc hà, tía tô, sả….

Cách nấu nồi nước xông:

  • Các loại lá xông mỗi thứ lấy một nắm, rửa sạch, cho vào nồi, đổ cho ngập nước, đậy vung kín đun sôi trong khoảng 2-3 phút. Riêng các loại lá thuộc nhóm lá chứa tinh dầu thì cho vào nồi sau khi nước đã sôi để tránh tinh dầu bay hết.

Cách xông:

  • Chuẩn bị sẵn chăn, khăn lau và quần áo để thay.
  • Người bệnh mặc quần áo mỏng ngồi trên ghế hoặc giường.
  • Đặt nồi nước xông trước mặt, chùm chăn kín người, mở vung để hơi nóng bay ra. Thỉnh thoảng lấy đũa khuấy cho hơi nóng tiếp tục bay lên.
  • Thời gian xông thường kéo dài khoảng 15-20 phút tùy từng sức chịu đựng của mỗi người. Không nên xông lâu.
  • Sau khi xông xong lau khô người, thay quần áo rồi đắp chăn nằm nơi kín gió.

Chú ý người già yếu, trẻ nhỏ không xông lâu. Không nên để ra quá nhiều mồ hôi. Sau khi xông xong nên ăn một bát cháo hành tía tô. Đối với bệnh nhân già yếu, có bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể… cần phải có người phục vụ ngồi phía sau giữ vai tránh cho người bệnh khỏi ngã.

Nếu không có các loại lá để nấu nước xông có thể sử dụng tinh dầu chàm, khuynh diệp, quế, long não… thay thế.

Điều trị cảm lạnh – cúm theo y học cổ truyền

Ăn cháo giải cảm

Câu chuyện về bát cháo hành Thị Nở chắc hẳn ai cũng biết. Sự thực thì ăn cháo giải cảm là cách chữa nhanh và hiệu quả mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã áp dụng.

Cháo giải cảm thường là cháo trắng cho hành lá, tía tô và ăn lúc còn nóng. Sau ăn nằm đắp chăn để cho ra mồ hôi. Sử dụng cháo giải cảm rất tốt trong các trường hợp bị cảm không ra mồ hôi, sốt.

Châm cứu – xoa bóp bấm huyệt

Có thể châm cứu, xoa bóp bấm huyệt các huyệt hợp cốc, phong trì. Nhức đầu day bấm huyệt Bách hội, Thái dương. Ho nhiều day bấm huyệt Xích trạch, Thái uyên. Ngạt mũi day bấm huyệt Nghinh hương.

Đối với các trường hợp cảm lạnh có thể dùng phương pháp cứu ngải. Hơ điếu ngải vào các huyệt kể trên để gia tăng tác dụng tán hàn.

Phương pháp dùng thuốc

Đông Y có thể dùng các bài thuốc như Hương tô tán, Ma hoàng thang để điều trị chứng cảm lạnh. Tang cúc ẩm, Ngân kiều tán để trị chứng cảm phong nhiệt – cảm cúm…

Tuy nhiên các bài thuốc này cần có các bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền kê đơn.

Trong trường hợp điều trị tại nhà, người bệnh có thể sử dụng các sản phẩm có thành phần thuốc đông y bào chế sẵn như Cảm xuyên hương, siro ho, Viên nang mẫu đơn, Cảm cúm bốn mùa, Giải cảm Liên ngân…

Bên cạnh đó người bệnh có thể sử dụng các cách đơn giản hơn như uống trà gừng đối với các trường hợp cảm lạnh nhẹ hoặc mới cảm lạnh.

Bởi gừng có tính nóng giúp giữ ấm cho cơ thể, mật ong có đặc tính kháng khuẩn rất có lợi cho sức khỏe và trị ho hiệu quả vì thế trà gừng mật ong thường được dùng trong các trường hợp cảm cúm, cảm lạnh kèm ho.

Người bệnh có thể mua trà gừng ngoài hiệu thuốc hoặc tự pha chế trà gừng tại nhà.

Cách pha trà gừng:

  • Nguyên liệu: 2 cốc nước lọc, 2 thìa đường trắng hoặc 1 thìa mật ong, 2 thìa gừng tươi nạo nhỏ giã nát
  • Cách pha: Đổ nước vào một chiếc chảo nhỏ, đun sôi nước. Cho gừng tươi giã nát vào một chiếc cốc, đổ nước sôi vào và thêm đường hoặc mật ong vào khuấy đều và uống khi còn nóng.
  • Nên uống vào buổi sáng, khi vừa bị nhiễm lạnh…

Chế độ chăm sóc, ăn uống

Trong điều trị cảm cúm, cảm lạnh, y học cổ truyền ngoài các bài thuốc đông y sử dụng sức mạnh của dược liệu cũng rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.

Theo quan niệm Tây y với các trường hợp cảm lạnh cảm cúm sẽ không phải kiêng khem chặt chẽ. Tuy nhiên theo quan niệm Đông y có nhiều điều cần phải lưu ý trong chế độ ăn uống và chăm sóc người bệnh

  • Khi bạn bị cảm lạnh, tốt nhất là không nên tiếp tục ăn thực phẩm lạnh, bao gồm cả đồ ăn và thức uống lạnh, đây là kiến thức cơ bản mà mỗi người cần phải biết.
  • Không nên ăn các loại thực phẩm có tính lạnh khi bị cảm lạnh như động vật dưới bùn (ốc, lươn, trạch…), các thực phẩm đông lạnh…
  • Nên ăn các món ăn dễ tiêu như cháo, súp
  • Ăn uống đủ chất, bổ sung hoa quả và rau xanh vào thực đơn.
  • Giấc ngủ là liều thuốc cảm tốt nhất. Mỗi ngày cần đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng. Nếu được, bạn nên tranh thủ nghỉ ngơi ở nhà 1-2 ngày để tránh lây bệnh cho người khác.

Theo dõi triệu chứng của bệnh, nếu bệnh chuyển nặng, xuất hiện khó thở đau ngực, ho nhiều… nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

Phòng bệnh cảm lạnh, cảm cúm

Phòng cảm lạnh tốt nhất là giữ ấm cơ thể khi thời tiết giao mùa hoặc chuyển lạnh. Không nên tắm đêm, tắm nước lạnh.

Cảm cúm là một bệnh phổ biến, thành dịch ảnh hưởng không ít đến sức khoẻ cộng đồng.

  • Trong mùa dịch: Cách ly người bệnh, tiệt trùng các vật dụng cá nhận, nên đeo khẩu trang khi giao tiếp với người xung quanh.
  • Ngoài mùa dịch: Thường xuyên luyện tập thể dục, dưỡng sinh nâng cao sức khoẻ. Tăng cường dinh dưỡng và đủ chất vitamin trong bữa ăn là biện pháp phòng bệnh tích cực.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top