Sự kết hợp giữa thuốc và thực phẩm chức năng bạn cần tránh

Một số loại thực phẩm chức năng có thể làm tăng ảnh hưởng của thuốc, trong khi đó các loại thực phẩm chức năng khác lại có thể làm giảm ảnh hưởng của thuốc. Ngược lại, thuốc cũng có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ các chất dinh dưỡng trong cơ thể, từ đó dẫn đến một loại các chuỗi phản ứng hóa học và có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có phản ứng giống nhau khi kết hợp các thuốc và thực phẩm chức năng. Nhưng, vẫn cần lưu ý tới những sự tương tác giữa thuốc và TPCN thường gặp.

Ginkgo Biloba và thuốc chống trầm cảm

Nếu bạn bị lo âu, bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn sử dụng một số thuốc chống trầm cảm được gọi là thuốc ức chế tái hấp thu serotonine (SSRI), giúp làm tăng lượng serotonine trong não. Tuy nhiên, gia đình và bạn bè cũng có thể khuyến khích bạn bổ sung thêm ginkgo biloba do sản phẩm này được quảng cáo là không chỉ giúp cải thiện trí nhớ mà còn giúp điều trị tình trạng lo âu. Do ginkgo biloba không phải là thuốc nên nhiều người nghĩ rằng sản phẩm này an toàn và tăng thêm lợi ích của các thuốc SSRI tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm vì sử dụng cả 2 có thể sẽ rất nguy hiểm. Thuốc chống trầm cảm có thể làm tăng nguy cơ bị co giật và nguy cơ này sẽ tăng cao hơn nếu sử dụng ginkgo biloba. Phối hợp 2 loại này có thể dẫn đến hội chứng serotonin. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm mạch nhanh, không thể ngồi yên và tăng thân nhiệt. Ngoài SSRI, ginkgo biloba còn tương tác với các loại thuốc chống trầm cảm khác như thuốc ức chế MAOIs. Phản ứng phụ của việc kết hợp ginkgo biloba và thuốc ức chế MAOIs bao gồm mất ngủ, táo bón và tiêu chảy.

 

Vitamin C và thuốc chống loạn thầnh fluphenazine

Vitamin C đóng vai trò rất quan trọng với cơ thể, từ các chức năng với xương, răng và thậm chí là các sụn khớp để giúp các tế bào của bạn luôn khỏe mạnh. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh và cần thiết cho sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng phối hợp vitamin C với một số loại thuốc khác có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Cơ thể sẽ không hấp thu 100% lượng thuốc bạn uống vào mà sẽ có một lượng nhỏ không được hấp thu và đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Vitamin C có thể làm tăng độ acid của nước tiểu, nghĩa là bạn có thể sẽ tiết ra nhiều hơn hoặc ít hơn lượng thuốc bình thường mà cơ thể hấp thu. Fluphenazine là một ví dụ, thuốc sẽ được đào thải ra với lượng nhiều hơn nếu bạn uống cũng với vitamin C, từ đó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bạn cần cắt giảm vitamin C trong chế độ ăn uống của mình. Bạn chỉ cần thông báo cho bác sĩ biết về các loại thuốc bạn đang sử dụng, bạn sử dụng khi nào với liều bao nhiêu.

 

Vitamin A và thuốc hạ cholesterol máu cholestyramine

Nếu bạn lo lắng về thị lực của mình, bạn có thể sẽ nghĩ đến việc bổ sung vitamin A. Nếu không bổ sung đủ vitamin A, bạn có thể gặp phải nhiều vấn đề về thị lực vào buổi tối hoặc các vấn đề chung về sức khỏe. Nhưng sử dụng vitamin A cũng với các loại thuốc điều trị cholesterol có thể gây nguy hiểm với sức khỏe. Cholestyramine có thể là một phần giúp kiểm soát cholesterol máu của bạn. Thuốc sẽ giúp làm giảm lượng acid mật trong cơ thể, buộc gan phải sử dụng cholesterol dự trữ để tạo ra acid mật. Tuy nhiên, cholestyramine có thể sẽ ngăn chặn cơ thể xử lý vitamin A, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe. Do vitamin A rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt nên tương tác giữa vitamin A và cholestyramine có thể sẽ không chỉ có hại cho mắt của bạn và còn dẫn đến những tổn thương mắt không thể hồi phục được. Do vậy, khuyến cáo rằng, bạn nên giãn cách thời gian uống 2 loại thuốc/TPCN này càng xa nhau càng tốt.

 

Cỏ St. John’s wort và thuốc điều trị đau nửa đầu triptans

Nếu bạn đã từng bị đau nửa đầu, bạn hẳn đã biết tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc để giảm đau đầu. Đau nửa đầu thường đi kèm với một loạt các triệu chứng khác như ù tai, nhạy cảm với ánh sáng và các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn. Nếu bạn bị đau nửa đầu, bạn nên tránh sử dụng cỏ St. John’s wort. Mặc dù thực phẩm chức năng St. John’s wort có thể giúp ích với chứng trầm cảm nhưng có thể sẽ tương tác với một số nhóm thuốc đặc biệt gọi là triptans. Triptans có thể kích thích tiết ra serotonin, tác động lên chứng đau nửa đầu bằng 2 cách: khiến các mạch máu co lại, giảm lưu lượng máu và giảm tình trạng viêm ở cơ thể. Bạn không nên sử dụng St. John’s wort cũng với triptans vì có thể khiến não tiết ra quá nhiều serotonin. Nhiều serotonin không có nghĩa là bạn sẽ ít bị đau nửa đầu hơn mà sẽ dẫn đến hội chứng serotonine khiến mạch nhanh, buồn nôn, nôn mửa, ảo giác, lo âu, mất phương hướng, co cứng cơ và tăng thân nhiệt.

 

Nhân sâm và thuốc chống đông máu warfarin

Nhân sâm có thể có tác dụng chống đông máu. Và warfarin cũng là thuốc chống đông hoặc làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Nghiên cứu cho thấy nhân sâm sẽ làm giảm tác dụng của warfarin trong việc giảm hình thành cục máu đông. Mặc dù chưa rõ cơ chế là như thế nào nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng nhân sâm có thể có tác động lên một số loại enzyme. Các enzyme này dưới tác động của nhân sâm sẽ phân hủy warfarin nhanh hơn bình thường và làm giảm tác dụng của thuốc.

 

Hoa cúc tím và thuốc ức chế miễn dịch

Hoa cúc tím thường được sử dụng để tăng cường miễn dịch, chống cảm lạnh và cảm cúm hoặc ít nhất là giảm các triệu chứng như sốt và ho. Nhưng thuốc ức chế miễn dịch lại có tác dụng ngược lại. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Với những người vừa được cấy ghép các cơ quan, cơ thể có thể sẽ xuất hiện cơ chế miễn dịch loại bỏ cơ quan này như một vật thể lạ. Đó là lý do vì sao những người mới cấy ghép cơ quan sẽ phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch để bảo vệ cơ quan mới cấy ghép. Tuy nhiên, hoa cúc tím lại có tác dụng ngược lại, sẽ làm giảm tác dụng của các thuốc ức chế miễn dịch để bảo vệ các cơ quan mới cấy ghép. Ngoài ra, hoa cúc tím cũng có thể tương tác với một số loại thuốc kê đơn khác như thuốc chống nấm econazole và các thuốc gây mê. Ngoài ra, hoa cúc tím còn có thể tương tác với caffeine, khiến caffeine lưu lại trong cơ thể lâu hơn bình thường.

 

Đương quy và các thuốc hormone

Đương quy còn được gọi là nhân sâm dành cho nữ, và thường được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến hệ sinh sản của nữ. Do còn thiếu các bằng chứng về tác dụng của đương quy lên hội chứng tiền kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều hoặc các triệu chứng mãn kinh nên bác sĩ y học cổ truyền  thường kê đương quy để hỗ trợ những phụ nữ đau bụng kinh. Với những phụ nữ đang sử dụng các thuốc hormone như thuốc tránh thai, hoặc các thuốc hormone như estrogen hoặc progesterone, nên thận trọng khi sử dụng đương quy. Vì 2 loại thuốc/TPCN này có cũng tác dụng và nếu sử dụng cũng nhau có thể sẽ làm lượng estrogen tăng lên quá cao, gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, thay đổi tâm trạng hoặc lo lắng, mệt mỏi, tăng cân, rụng tóc. Ngoài ra, đương quy cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu nếu sử dụng cũng thuốc chống đông máu. Ngoài ra, phối hợp đương quy với St.John’s wort có thể làm tăng khả năng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

 

Canxi và kháng sinh tetracycline

Mặc dù đa số mọi người đều cho rằng sử dụng canxi giúp xương chắc khỏe hơn nhưng canxi cũng rất quan trọng đối với cơ bắp, dây thần kinh và các tế bào. Do vậy, bạn cần phải duy trì lượng canxi trong cơ thể ở mức vừa đủ. Thiếu canxi có thể dẫn đến các vấn đề như còi xương và loãng xương. Hàm lượng canxi cao và sử dụng tetracycline cùng thời điểm có thể gây giảm tác dụng của nhau. Tetracyline là một loại kháng sinh thường dùng để điều trị nhiều tình trạng nhiễm khuẩn như viêm phổi, giang mai. Nhưng cũng như các loại thuốc khác, cơ thể cần hấp thu đủ tetracycline để thu được lợi ích tối đa. Hàm lượng canxi quá cao có thể giúp bảo vệ xương nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu tetracycline của cơ thể. Để tránh tương tác này, bạn nên đợi ít nhất 2 tiếng sau khi sử dụng tetracycline rồi hãy bổ sung canxi. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn/uống bất cứ thực phẩm, đồ uống nào có chứa canxi sau khi vừa sử dụng tetracycline. Để an toàn nhất, bạn nên đợi khoảng 4 tiếng sau đó mới sử dụng canxi.

 

Kẽm và thuốc lợi tiểu amiloride

Kẽm rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể, ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý insulin, cách cơ thể hồi phục sau khi bị chấn thương và ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Nhưng kẽm có thể sẽ tương tác với amiloride và đồng. Amiloride là một loại thuốc lợi tiểu được kê để giúp bệnh nhân tăng tần suất đi tiểu. Amiloride có thể sẽ làm tăng lương kẽm trong máu. Khi lượng kẽm tăng lên, lượng đồng trong cơ thể sẽ giảm xuống và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu đồng của cơ thể. Thiếu đồng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như loãng xương, vấn đề về tuyến giám và thiếu máu. Một số người còn bị hạ thân nhiệt xuống dưới mức bình thường và bị mất các sắc tố trên da. Do đó, bạn cần đảm bảo rằng tất cả các vi chất dinh dưỡng của bạn đều ở ngưỡng vừa đủ.

 

Sắt và thuốc điều trị Parkinson levodopa

Levodopa là thuốc điều trị đầu tay hàng đầu của bệnh Parkinson. Levodopa thường được phối hợp với loại thuốc phổ biến thứ 2 là carbidopa. Cơ thể có thể chuyển hóa levodopa thành domapine, hóa chất rất quan trọng cho các loại chuyển động của cơ thể. Từ việc dùng ngón nay để đánh máy cho đến việc chạy bộ, đều là tác dụng của dopamine. Do vậy, levodopa là thuốc điều trị rất quan trọng cho những người bị bệnh Parkinson bị run hoặc gặp các vấn đề về thăng bằng. Nhưng, thực phẩm chức năng bổ sung sắt có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến cách cơ thể sử dụng levodopa. Sắt rất quan trọng với sức khỏe, cơ thể cần sắt trong máu để tất cả các cơ quan bộ phận có thể nhận được oxy. Nhưng sắt và levodopa có thể dẫn đến giảm hấp thu levodopa của cơ thể, đồng nghĩa với việc lượng thuốc được chuyển hóa thành dopamine sẽ ít hơn. Điều này cũng có nghĩa là người bệnh Parkinson sẽ ít kiểm soát được hoạt động của họ hơn, cho dù họ vẫn uống thuốc đều đặn.

 

Magie và thuốc điều trị loãng xương

Magie giúp cơ thể điều hòa lượng các vitamin và khoáng chất khác trong cơ thể như vitamin D, canxi và kẽm. Magie cũng rất quan trọng cho chức năng thận, tim mạch và cơ bắp. Magie cũng là chất dinh dưỡng rất quan trọng để có một bộ xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn bổ sung magie trong khi đang uống các loại thuốc điều trị loãng xương như alendronate và tiludronate thì cơ thể bạn sẽ không hấp thu được những loại thuốc này. Kể cả magie trong một số loại thuốc kháng acid cũng có thể cản trở cách cơ thể hấp thu các thuốc điều trị loãng xương. Cách đơn giản nhất là đợi 1-2 tiếng sau khi sử dụng các thuốc điều trị loãng xương mới uống bổ sung magie hoặc thuốc kháng acid.

 

Kali và các thuốc điều trị huyết áp

Kali rất quan trọng với cơ thể vì kali hỗ trợ nhiều chức năng cơ bản của cơ thể, ví dụ như co thắt cơ. Nhưng nếu bạn đang uống các thuốc điều trị tăng huyết áp, ví dụ như thuốc ức chế ACE và thuốc chẹn thụ thể angiotensin thì điều đó có nghĩa là dưới tác dụng của thuốc, các mạch máu của bạn đang bị giãn nở ra để giảm huyết áp. Tuy nhiên, cả 2 loại thuốc này có thể tương tác với kali, khiến lượng kali trong cơ thể tăng cao đến mức nguy hiểm. Kali tăng cao sẽ khiến cơ co thắt, và tim về bản chất cũng là một khối cơ. Do đó, nếu bạn bị thừa kali, bạn có thể sẽ bị nhồi máu cơ tim.

 

Tỏi và thuốc điều trị HIV

Bổ sung tỏi có thể giúp làm giảm nguy cơ bị Alzheimer và ung thư, cũng như giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Tỏi cũng đã được chứng minh có lợi cho hệ miễn dịch và huyết áp. Tuy nhiên, tỏi có thể lại không có lợi với những người đang điều trị HIV/AIDS. Virus HIV sẽ nhắm đến một số tế bào nhất định của hệ miễn dịch từng người và tái chương trình lại những tế bào đó, khiến những tế bào đó tạo ra nhiều virus HIV hơn thay vì giúp hệ miễn dịch vận hành bình thường. Một loại enzyme chủ yếu tham gia vào quá trình này là protease. Các thuốc điều trị HIV/AIDS thường sẽ ức chế protease, từ đó giúp virus HIV không nhân lên nữa. Tuy nhiên, sử dụng tỏi có thể làm giảm lượng thuốc điều trị HIV trong cơ thể, đặc biệt tỏi có thể tương tác với các thuốc ức chế protease như amprenavir, ritonavir, indinavir, saquinavir, fosamprenavir, và nelfinavir. Hậu quả là các thuốc điều trị HIV sẽ giảm tác dụng. Nhưng kể cả khi bạn đang điều trị HIV bằng một phương pháp khác, bạn vẫn nên trao đổi với bac sĩ để kiểm soát chặt chẽ tình trạng của mình.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top